Phú Quốc là hòn đảo du lịch lớn nhất Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Kiên Giang. Nơi đây nổi tiếng không chỉ bởi thiên nhiên hoang sơ, với những bãi cát trắng rực rỡ trong nắng vàng, mà còn chinh phục lòng người bởi những giá trị lịch sử không phai mờ theo năm tháng.
Trước giờ lên đường vào Phú Quốc (Kiên Giang), cả đêm tôi không sao chợp mắt bởi tâm trạng ngổn ngang với những gì đã nghe nhiều nhưng chưa một lần được “mắt thấy”. Sự hồi hộp xen lẫn háo hức cùng vô vàn những tưởng tượng khiến tôi có cảm giác mình chẳng khác gì đứa trẻ. Chuông đồng hồ điểm một tiếng, 2 tiếng rồi 5 tiếng, tôi chồm dậy, vệ sinh cá nhân một cách nhanh chóng rồi lao đến cơ quan với một tâm trạng đầy phấn khởi. Đúng 5giờ 30 phút ngày 8/4, chiếc xe ô tô của Báo Thái Nguyên bắt đầu lăn bánh, chở Đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên, gồm 15 người do đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn tới Sân bay Nội Bài để đáp chuyến bay lúc 8 giờ 20 phút vào Huyện đảo Phú Quốc.
Ngồi trên xe, ai cũng bày tỏ tâm trạng phấn chấn, náo nức cho một hành trình thực tế nhiều ý nghĩa giữa những ngày tháng Tư lịch sử. Đồng chí Trưởng đoàn cũng bày tỏ những lời gan ruột: Đã quen với những chuyến đi công tác như thế này, nhưng cả đêm qua tôi cũng không ngủ được bởi nhiều tâm trạng, cảm xúc đan xen. Chuyến đi lần này là tạo điều kiện cho các đồng chí tác nghiệp, tuyên truyền về biển đảo quê hương; hướng tới kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4). Các đồng chí hãy sáng tạo các tác phẩm báo chí ở nhiều góc độ để độc giả chưa có cơ hội đặt chân tới Phú Quốc có thể cảm nhận được về một Huyện đảo nổi tiếng của nước ta với nhiều tên gọi hấp dẫn, như: Đảo Ngọc; Khu dự trữ sinh quyển thế giới… Phú Quốc có những khu bảo tồn thiên nhiên và các bãi biển sạch, có 99 ngọn núi, đồi và vùng rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, là nơi lý tưởng cho các hoạt động du thuyền câu cá, lặn ngắm san hô. Và hơn thế, nơi đây đã ghi lại những dấu ấn lịch sử, nhiều chiến sĩ cộng sản đã bị địch bắt, tù đày và hy sinh. Chuyến đi này còn là dịp để chúng ta tri ân những người con đã xả thân vì nền độc lập - tự do của dân tộc.
Những dự định đó cũng là sự thúc giục nơi trái tim nên chỉ vài tiếng nghỉ ngơi sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay, Đoàn công tác đã có mặt Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc. Một cảm xúc khó có thể diễn tả được thành lời khi các thành viên trong đoàn bước chân lên bậc tam cấp đầu tiên của Nghĩa trang. Được biết, Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc là nơi yên nghỉ của hơn 3.700 Anh hùng liệt sĩ từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã anh dũng hy sinh tại Phú Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó phần lớn các liệt sĩ là những tù binh Cộng sản Việt Nam bị giam cầm tại Nhà tù Phú Quốc. Nơi đây, hàng hàng bia mộ trắng nằm xen dưới bóng của thông xanh và muôn loài hoa đang khoe sắc, mộ có tên, mộ vô danh, nhưng tất cả các anh đã trở thành bất tử. Mùi hoa Sứ quyện trong hương trầm khiến cho không khí càng trở nên linh thiêng, trầm mặc. Những người làm báo Thái Nguyên đã thắp những nén nhang kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những người con anh dũng. Đâu đó vẳng nghe có tiếng thút thít, sụt sùi... Thì ra, quanh chúng tôi còn có các mẹ, các chị, những người anh, người em… ở nhiều miền của Tổ quốc cũng không quản ngại đường sá xa xôi tới nơi đồi cao vi vút gió để tưởng nhớ các liệt sĩ, thì thầm trò chuyện, mong các anh yên lòng nơi chín suối vì đất nước Việt Nam đã được hòa bình và ngày càng phát triển thịnh vượng, máu xương của các anh đổ xuống đã được thế hệ mai sau đền đáp xứng đáng, chúng tôi nguyện không làm “hoen ố máu” của những người đã ngã xuống. Trong niềm xúc động dâng trào, chúng tôi cùng thắp hương trên từng bia mộ và có ý tìm xem, những người con của Thái Nguyên nằm ở đâu?
Chưa trọn một ngày trên huyện đảo Phú Quốc, nhưng chúng tôi đã có cảm giác những địa danh mình vừa đến thăm đã trở nên gần gũi. Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Quốc thông tin nhanh: Công dân sống trên hòn đảo rộng tới 567km2 này là con em của hầu hết 63 tỉnh, thành trong cả nước, người dân tộc Kinh chiếm đa số. Chúng tôi biết đến Thái Nguyên với chè Tân Cương nổi tiếng. Người dân đảo Phú Quốc muốn uống trà Thái Nguyên phải đặt mua tận Sài Gòn. Có lẽ chính vì hiểu được điều đó mà trong hành trang Đoàn công tác mang theo không quên gói ghém những ấm trà “đặc sản” của quê hương để vượt qua ngàn dặm xa xôi trao tận tay những người bạn Phú Quốc - dù chỉ mới lần đầu gặp mặt. Chúng tôi không giấu được niềm tự hào khi nghe người dân đảo Ngọc nhắc tới chè Thái Nguyên, nhắc tới Thủ đô gió ngàn...Và chúng tôi cũng mong rằng trong một ngày gần nhất mảnh đất Chiến khu sẽ được đón tiếp những người bạn ở đảo Ngọc, đặc biệt vào dịp Thái Nguyên tổ chức Fetstival Trà lần thứ 2, tháng 11- 2013…
Tiếp theo lịch trình, chúng tôi sẽ đến thăm Bảo tàng Cội nguồn, Nhà tù Phú Quốc; giao lưu với các chiến sĩ Hải quân Vùng 5… để ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, khắc ghi trong lòng dấu ấn về một thời đạn bom, một thời hào hùng, với mong muốn được cống hiến sức mình góp phần xây dựng quê hương.