Vì yêu màu áo trắng

15:45, 19/04/2013

Chị Đỗ Thu Hà sinh năm 1963, tại xã Minh Đức, Tiên Lãng (Hải Phòng), học hết PTTH quyết định không vào Trường Cao đẳng Sư phạm theo giấy gọi nhập học mà xin đi làm hộ lý trong Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Quyết định này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của gia đình và bạn bè. Mọi người đều cho rằng chị suy nghĩ nông cạn, nhưng hơn ai hết chị biết mình yêu "màu áo trắng" đến nhường nào.

Hơn 30 năm gắn bó với Bệnh viện, dù ở cương vị nào, từ hộ lý, y tá, đến nay là Trưởng phòng Điều dưỡng của Bệnh viện, chị đều gửi gắm vào công việc cái tâm của mình. Chị hiểu để chăm sóc người bệnh được tốt nhất, chỉ lòng nhiệt tình là chưa đủ mà cần phải có trình độ, sự hiểu biết. Để nâng cao trình độ, chị vừa đi làm vừa đi học. Từ 1983 đến 2007, chỉ lần lượt tham gia các lớp: Y sĩ đa khoa, Cao đẳng Điều dưỡng rồi đến Đại học Điều dưỡng. Suốt quãng thời gian đó chị như con thoi không ngừng nghỉ, hết giờ lên lớp lại trở vào Bệnh viện làm việc. Công việc của chị là phục vụ và chăm sóc người bệnh. Đội ngũ điều dưỡng viên là những người tiếp vúc với bệnh nhân nhiều nhất, hầu như trong suốt quá trình người bệnh vào viện, lúc nào cũng có đội ngũ điều dưỡng viên bên cạnh. Chị bảo: "Người ta có đau ốm mới phải vào viện, lúc đó người bệnh có tâm lý vừa mệt vừa lo lắng, mình nghĩ thái độ tận tình, cởi mở của những người phục vụ như bọn mình lúc này rất quan trọng, nó có thể giúp người bệnh an tâm". Chị nhớ tới Kỷ niệm với một sản phụ nhập viện từ nhiều năm trước: “Hôm đó mình trực ca tối, một phụ nữ trẻ tuổi nhập viện để sinh mà không có người thân nào bên cạnh, một mình vật vã trong cơn đau. Khi đó chị ấy đã nắm tay mình thật chặt và nhìn với ánh mắt cầu cứu. Chính lúc đó mình hiểu trách nhiệm của bọn mình là phải truyền cho người bệnh sự tin tưởng, giúp họ vững tâm hơn".

 

 

Thời điểm khó khăn nhất là vào những năm 1997, 1988, chị được phân công làm việc tại liên khoa Khám bệnh và khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện. Khoa chỉ có 20 giường bệnh nhưng bệnh nhân nội trú hầu như không khi nào dưới 50 người. Hồi đó những thiết bị vật tư y tế như dây truyền, bơm kim tiêm vẫn phải dùng đi dùng lại nhiều lần, bệnh nhân đông cộng với phải xử lý tiệt trùng các dụng cụ y tế thường xuyên khiến chị và các đồng nghiệp gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Những ca làm thông trưa, thậm chí thâu đêm khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề. Tôi hỏi chị: Động lực nào khiến chị vượt qua những lúc khó khăn nhất? Chị trả lời không chút đắn đo: "Đó chính là nụ cười của người bệnh, mỗi khi chứng kiến những sinh linh bé bỏng chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người mẹ hay khi chứng kiến các bác sĩ giành giật được mạng sống của bệnh nhân từ tay thần chết, càng thôi thúc chị gắn bó với nghề". Đối với những điều dưỡng trẻ mới vào nghề chị tận tình chỉ bảo, hướng dẫn và đạo tạo từ cách ứng xử với bệnh nhân, cách sắp xếp xe tiêm sao cho khoa học cho đến kỹ thuật tiêm, truyền... Chị Hoàng Thị Mai Hoa, Điều dưỡng Trưởng Khối Cận lâm sàng chia sẻ: Dù làm công tác quản lý nhưng chị Hà vẫn thường xuyên xuống tận phòng bệnh kiểm tra và chỉ bảo điều dưỡng viên. Những ca khó điều dưỡng trẻ mới vào nghề còn lúng túng chị đều xắn tay vừa làm vừa trực tiếp hướng dẫn.

 

Bà Đặng Thị Bé, tổ 20, phường Cam Giá nhận xét: "Tôi bị suy tim nên ở viện nhiều hơn ở nhà. Vào đây điều trị rồi tôi không muốn chuyển đi bệnh viện nào khác nữa, các chị điều dưỡng ở đây tận tình lắm, đơn giản như việc phát thuốc thôi cũng không bao giờ phát cùng lúc cho cả ngày mà thuốc uống giờ nào thì phát giờ đó, bao giờ các chị ấy cũng chờ bệnh nhân chúng tôi uống xong thuốc mới tiếp tục đi làm việc".

 

Từ năm 2005 đến nay, năm nào chị cũng có những sáng kiến, kinh nghiệm được Ban Giám đốc đánh giá có tính ứng dụng cao, được đưa vào áp dụng tại Bệnh viện. Đó là các Đề tài: "Khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại Bệnh viện Gang thép"; "Thực hiện tiêm an toàn tại Bệnh Viện Gang thép năm 2007"; "Đánh giá thực trạng công tác giáo dục sức khỏe cho người bệnh"; "Đánh giá bước đầu mô hình quản lý tập trung sản xuất bông, gạc tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên"....

 

Hiện nay chị còn đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Nữ công của Bệnh viện, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điều dưỡng Việt Nam. Liên tục nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều lần nhận bằng khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh. Đặc biệt năm 2012 vừa qua chị đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ. Là người cán bộ năng nổ, giỏi chuyên môn trong công việc còn với gia đình chị là người phụ nữ hiền thục, đảm đang, chu toàn từng bữa ăn, giấc ngủ cho mẹ già ngoài 90 tuổi, là hậu phương vững chắc, vun vén cho chồng tạo dựng sự nghiệp, là người mẹ hiền săn sóc cho các con. Mái ấm gia đình chị được vinh danh là gia đình văn hóa tiêu biểu 10 năm liên tục của tỉnh giai đoạn 2002-2012.