Xe lưu thông qua QL1 mở rộng phải đóng phí ở 24 trạm

15:16, 03/04/2013

Chiều 2/4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức họp báo về tình hình thực hiện kế hoạch công tác quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2013 của Bộ GTVT. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến dự án cải tạo đầu tư mở rộng quốc lộ 1 (QL1), có hay không chuyện phí chồng phí dọc tuyến đường QL1; vấn đề dừng đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam… đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường giải đáp.

Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Lưu cho hay, trong quý I vừa qua, dù còn nhiều khó khăn song Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các Dự án mở rộng QL1. 

 

Cụ thể, đã khởi công các dự án BOT mở rộng QL1: Đoạn qua tỉnh Quảng Nam, đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An), đoạn Bình Định – Phú Yên; triển khai ký hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai. Không phủ nhận sự nỗ lực của ngành giao thông, song không ít người tỏ ra lo ngại, nếu các dự án BOT hoàn thành, sau này các nhà đầu tư sẽ lập trạm thu phí để hoàn vốn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người dân lưu thông qua tuyến đường Bắc-Nam sẽ bắt buộc phải chịu mức phí cao, trong khi dân không có sự lựa chọn nào khác (tuyến đường Hồ Chí Minh đầu tư nhiều song mùa mưa rất hay sạt lở).

 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT lý giải: Thực tế, QL1 vừa rồi mới nâng cấp được một số tuyến đi qua các đô thị tiêu chuẩn 4 làn xe, nhưng hiện mật độ đi qua QL1 rất lớn, nên không đáp ứng được năng lực vận tải, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do đó, Bộ GTVT xây dựng đề án tổng thể bao gồm cơ chế huy động vốn, cơ chế tổ chức xây dựng, tiến độ thực hiện. Hiện nay, ngân sách rất hạn hẹp nên phải huy động nguồn lực xã hội thông qua hình thức BOT, PPP. Thực hiện Thông tư 90 của Bộ Tài chính, đối với nguồn vốn huy động thì được thu phí hoàn vốn.

 

Thứ trưởng nhấn mạnh, tuyến đường Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 1.700km, các dự án BOT sẽ đầu tư 1.000 cây số, còn ngân sách nhà nước sẽ đầu tư trên 700 cây số. Như vậy là hợp lý để huy động nguồn lực xã hội và giảm gánh nặng ngân sách. Chúng tôi sẽ xây dựng đề án đặt trạm BOT thu phí, theo quy định khoảng 70km/trạm. Như vậy, xe lưu thông từ Bắc - Nam qua QL1 sẽ phải đóng phí ở 24 trạm thu.

 

Liệu có quá sức người dân khi vừa phải đóng quỹ bảo trì, vừa phải đóng phí qua các trạm BOT? Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: Quỹ bảo trì sẽ vẫn thu, và quỹ này chỉ chi trả cho những đoạn đường nhà nước đầu tư. Đối với những đoạn đường đầu tư BOT thì các trạm thu phí sẽ đứng ra bảo trì, bảo dưỡng. Như vậy không có chuyện phí chồng phí. Song, tuỳ theo tình hình kinh tế, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu giảm mức thu hợp lý.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trạm BOT hình thành liệu có tác động đến giá cước vận tải hay không? Sao phải đầu tư vào QL1 mà không đầu tư vào một tuyến khác? “Đầu tư mở rộng  QL 1 cần  khoảng 120.000 tỷ đồng, đây là một con số không nhỏ với ngân sách hiện nay. Việc phát hành trái phiếu chính phủ đầu tư QL1 là rất khó khăn. Do đó phải sử dụng hình thức BOT. Nếu đợi ngân sách mà làm thì sau 2020 may ra QL1 mới có một số đoạn đường tốt. Chúng tôi phấn đấu trước 2020, toàn con đường tốt hơn, thời gian rút ngắn lại nên phải đóng thêm phí. Về bản chất, thu phí BOT không làm tăng phí, không làm khó DN mà còn làm thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm nguy cơ mất an toàn, tăng hiệu ứng vận tải”, Thứ trưởng giải thích.