Những năm gần đây, Thanh Ninh luôn là xã dẫn đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Phú Bình. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã đang ở mức thấp nhất huyện với 6,6% (bằng 1/2 tỷ lệ hộ nghèo của huyện). Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương với những cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả…
Xã Thanh Ninh có 14 xóm, 1.226 hộ với 5.628 nhân khẩu. Trước đây, do thói quen canh tác lạc hậu, chủ yếu sử dụng các giống cây trồng cũ, năng suất, chất lượng thấp nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của xã là trên 28%. Từ thực tế đó, những năm gần đây, Đảng ủy, UBND xã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và ổn định cuộc sống. Hằng năm, xã đều chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra, khảo sát, nắm chắc danh sách từng hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó đưa ra định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ.
Ông Nguyễn Văn Đĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh cho biết: Qua rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo trên địa bàn xã cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo đói chủ yếu là do thiếu vốn sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn hoặc do không có công việc ổn định... Vì vậy, Đảng ủy, chính quyền xã xác định việc thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế là hoạt động mũi nhọn giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Hoạt động vay vốn tín dụng dành cho hộ nghèo được xã ưu tiên thực hiện. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, chính sách tín dụng ưu đãi gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Hiện nay, tổng các nguồn vốn dư nợ trên địa bàn xã là hơn 20 tỷ đồng, số vốn này được giải ngân cho hơn 500 hộ gia đình vay để phát triển kinh tế. Hầu hết các hộ nghèo có nhu cầu đều được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hằng năm, xã còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tổ chức các lớp tập huấn, trình diễn kỹ thuật để hướng dẫn người dân, đặc biệt ưu tiên những người nghèo để áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Riêng năm 2012, xã đã thu hút được trên 500 lượt người tham dự, trong đó trên 60% là hộ nghèo và cận nghèo.
Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là giải pháp hàng đầu để nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, năm 2009, UBND xã Thanh Ninh đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH Vạn Đạt (Hải Dương) hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cây dưa chuột Đài Loan xuất khẩu đồng thời ký hợp đồng cung ứng giống và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Để người dân trong xã yên tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các đồng chí cán bộ chủ chốt của xã đã chủ động "tiên phong" trong việc đưa cây dưa chuột Đài Loan xuất khẩu vào đồng ruộng. Chỉ sau một thời gian ngắn, loại cây trồng này đã dần khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội. Trung bình với mỗi sào dưa chuột Đài Loan người dân thu lãi 4-5 triệu đồng/vụ, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Vì vậy, người dân chuyển đổi sang trồng loại cây này. Hiện nay, toàn xã có trên 20ha dưa chuột Đài Loan xuất khẩu. Cây trồng này đã tạo nguồn nhu nhập ổn định, từng bước giúp hàng chục hộ gia đình trên địa bàn xã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Bà Nguyễn Thị Dương, xóm Vân Đình là một trong những gia đình đã thoát nghèo từ việc trồng cây dưa chuột Đài Loan cho biết: Trước đây, gia đình tôi nghèo nhất nhì trong xóm. Năm 2008, nhờ được tập huấn khoa học, kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 3 sào ngô sang trồng dưa chuột Đài Loan xuất khẩu. Hiện nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định. Mỗi năm, thu nhập từ cây dưa chuột đạt từ 30-40 triệu đồng.
Bên cạnh cây dưa chuột, thời gian gần đây, xã Thanh Ninh còn tích cực đưa cây ớt xuất khẩu vào sản xuất. Từ 3ha năm 2009, đến nay đã tăng lên 13ha với sản lượng đạt gần 200 tấn/năm. Với giá thu mua trên dưới 20 nghìn đồng/kg, mỗi năm, người dân trong xã thu về khoảng 4 tỷ đồng từ trồng ớt. Cây ớt lâu nay cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng ngô. Bên cạnh đó, các giống lúa lai, ngô lai, lạc lai… cho năng suất cao cũng đang được đưa vào trồng thay thế cho những giống cũ. Riêng vụ xuân năm 2013, toàn xã cấy được 133 ha lúa lai (với các giống GS9, SYN6), chiếm trên 30% tổng diện tích. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã luôn ổn định ở mức trên 2.500 tấn.
Đối với lực lượng lao động chưa có việc làm tại địa phương, hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện và một số công ty, doanh nghiệp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân. Chỉ tính riêng trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, xã đã tổ chức được 5 lớp học nghề về may công nghiệp và nấu ăn cho hơn 200 lao động tại địa phương. 100% lao động sau khi học nghề có nhu cầu đều được giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện huyện. Thông qua các lớp dạy nghề, nhiều người nghèo đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Nhờ tích cực chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xoá đói giảm nghèo hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội của xã Thanh Ninh đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 81hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,6% so với tổng số hộ trên địa bàn xã; hộ cận nghèo là 117 hộ, chiếm 9,54%, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm. Thanh Ninh hiện là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Phú Bình. Điều đáng ghi nhận ở đây là nhiều năm nay, tỷ lệ tái nghèo của xã luôn ở mức rất thấp (trung bình 1%/năm). Điều đó cho thấy người dân đã chủ động, nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế gia đình, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại như ở một số địa phương khác.