Bi kịch của người thợ mộc trẻ

08:47, 24/05/2013

Với sức lực cùng đôi tay tài hoa, người thợ mộc Chu Văn Mạnh từng là trụ cột của gia đình. Bỗng chốc, tai họa từ vụ tai nạn giao thông (TNGT) ập đến khiến anh trở thành tàn phế. Đau đớn hơn, người vợ trẻ vì thế đã bỏ đi tìm “bến đỗ” mới, để lại 2 đứa con thơ dại bơ vơ, ngơ ngác bên người cha tàn tật.

Để vào xã Liên Minh, huyện Võ Nhai chúng tôi phải vượt qua gần 5km đường rừng với những đèo dốc, đường mòn ven núi và những cây cầu treo lắc lư. Có những lúc tưởng chừng chiếc xe không thể vượt qua được những con suối tràn cắt ngang qua đường. Có đi đến đây mới hiểu TNGT không chừa bất cứ ai và bất cứ nơi nào, từ xa lộ, đồng bằng haygiữa những con đường heo hút. Gia đình anh Chu Văn Mạnh (SN 1989) ở bản Khuân Nang, khuất sau những cánh rừng.

 

 

Dù đã nghe kể trước về vụ TNGT, nhưng khi nhìn thấy Mạnh, chúng tôi không khỏi ớn lạnh bởi thân hình xiêu vẹo cùng với chiếc nạng vượt quá đầu người. Mỏm sọ trái trên đầu lõm sâu và đang phập phồng dưới đám tóc lưa thưa. Nhìn thân hình tàn tạ ấy đủ biết, để vượt qua được nỗi đau thể xác và tinh thần, để còn có thể lê được những bước chân khó nhọc như hôm nay, người đàn ông vừa mới qua tuổi đôi mươi này đã phải trải qua những thử thách ghê gớm.

 

Nếu như không có vụ tai nạn ấy thì chắc hẳn căn nhà nơi anh và 2 con đang ở vấn là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ. Chu Văn Mạnh đã làm mộc từ khi còn nhỏ và trở thành lao động chính trong nhà. 20 tuổi, Mạnh cưới được cô hoa khôi của xóm, khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa thầm ghen tị. Hạnh phúc nhân đôi khi 2 đứa con trai kháu khỉnh lần lượt chào đời. Thế nhưng, sự nghiệt ngã của số phận bắt đầu từ vụ TNGT...

 

Đấy là vào một buổi tối đầu năm 2009. Cũng như mọi khi, Mạnh đi làm mộc nên thường ăn cơm tối luôn ở xưởng rồi mới về nhà. Hôm ấy, khoảng 20h, khi cả nhà đã ăn cơm xong, vợ Mạnh đang ở cữ đứa con thứ 2 cũng đã lên giường đi ngủ thì bỗng thấy có tiếng nhốn nháo ngoài sân. Cả nhà vùng dậy thì thấy mấy thanh niên cùng xóm bế Mạnh xuống xe máy trong tình trạng bất tỉnh. Họ bảo với gia đình là thấy Mạnh đang nằm bất tỉnh ngoài con đường dọc theo bìa rừng đầu làng. Có lẽ đường tối, lại hẹp, nên Mạnh đã lao xe xuống ven đường và đầu đập vào đá. Cả nhà tức tốc đưa Mạnh đến Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên. Sau 3 ngày hôn mê, nhờ sự nỗ lực của các y bác sĩ, cuối cùng “lưỡi hái tử thần” đã không thể mang ra đi. Thế nhưng bác sĩ bảo, để chữa trị cho Mạnh thì phải tiến hành ghép sọ bởi mỏm sọ trái đã bị vỡ dập. Ngặt nỗi kinh phí để ghép sọ lên tới hàng trăm triệu khiến gia đình như bất lực. Thế nên, vết thương trên đầu của Mạnh chỉ được điều trị bên trong còn phần sọ bị vỡ đành phải để lại bất chấp những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 

Run run rót chén nước mời khách, cố gắng lắm, Mạnh cũng chỉ buột ra được mấy câu: “Cay quá, cay quá cơ...” rồi giơ tay lên quệt những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt như đứa trẻ. Ông Chu Gia Đồng, bố của Mạnh năm nay đã ngoài 70 tuổi vốn cũng mang thương tật trên người. Mấy năm trước, trong một lần đi hái chè, vì sơ suất nên ông bị ngã khiến đôi chân không còn lành lặn. Nhìn con trai tập tễnh, khó nhọc, ông xót xa: “Chạy chữa khắp nơi, tốn không biết bao nhiêu tiền bạc nhưng khổ nỗi, cơ thể và nhiều bộ phận khác không thể cử động bình thường được. Đã thế, vợ lại bỏ đi khiến tâm lý nó càng thêm nặng nề. Nhiều lúc thấy nó ngồi bất động nhìn 2 con nô đùa quanh sân rồi rìn rịn nước mắt, mếu máo mà lòng tôi như muối xát”.

 

Đang dở câu chuyện thì bà Trần Thị Vui, mẹ của Mạnh dắt 2 đứa cháu là Chu Gia Huy và Chu Gia Thái về. Mới ngoài 50 tuổi nhưng từ ngày con gặp nạn, bà vất vả, lo lắng nên teo tóp, héo úa thêm đến hơn chục tuổi. Bà Vui bảo: “Hơn 1 tuần nằm trong viện, tiền viện phí đã hơn 24 triệu đồng mà gia đình không thể vay mượn được đâu nữa nên đành phải mang sổ đỏ đi “cắm” để có tiền cho con ra viện. Nhìn con phải ra viện khi vẫn chưa khỏi hẳn vì nhà hết tiền đau như cắt từng khúc ruột...”. Về nhà được mấy hôm thì vết thương lại tái phát, Mạnh ngất lên ngất xuống, tưởng không sống nổi. Đến bệnh viện, các bác sĩ bảo cần phải ghép mảnh sọ để bảo vệ não thì mới cứu được. Lúc ấy, tôi đã bật khóc bởi chi phí ghép sọ cho Mạnh, gia đình không thể lo được.

 

Thật may, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bác sĩ Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên đã bàn bạc với Ban Giám đốc bệnh viện để miễn hoàn toàn chi phí ca ghép sọ não cho Mạnh. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ ấy mà hy vọng lại được thắp lên với gia đình bà Vui. Bà bảo: “Dù giờ em nó không còn lành lặn và tỉnh táo được như trước nhưng cũng còn là chỗ dựa tinh thần cho 2 đứa con thơ dại...”.

 

Nhìn sang 2 đứa cháu, một đứa mới lên 2, một đứa lên 3, bà Vui quệt nước mắt: “Mẹ nó bỏ đi khi đứa thứ 2 chưa đầy 9 tháng tuổi”. Từ khi con dâu bỏ đi, mọi sự chăm sóc, nuôi nấng Mạnh và 2 đứa cháu đều một tay bà cáng đáng. Bà Vui bảo: Một năm, chỉ thỉnh thoảng mẹ chúng nó mới về cho con đôi dép hay bộ quần áo rồi lại đi. Vẫn biết rằng con mình bị thế này mà ép con dâu phải quay về thì cũng khổ vì nó mới ngoài đôi mươi nhưng cứ nghĩ đến các cháu có bố mà như không, không được hưởng hơi ấm của mẹ khiến lòng tôi tan nát”. Nghe thấy giọng mẹ nghẹn nghào, Mạnh bật khóc như đứa trẻ. Mạnh ôm chầm lấy 2 đứa con trong sự ngơ ngác của chúng rồi lại thốt lên những lời nghẹn ngào: “Cay quá. Cay quá...”.

 

Khi chúng tôi rời xóm nghèo, bà Trần Thị Vui tiễn chân ra tận bìa rừng đầu làng, qua cả đoạn đường mà con trai bà đã gặp nạn. Con đường ấy là một lối nhỏ ven đồi chỉ đủ lối đi cho một chiếc xe và 2 bên là những đồi chè bát úp. Giọng bà xa xăm: “Dù sao thì tai nạn cũng đã xảy ra rồi. Có đau đớn, buồn khổ mấy cũng không lấy lại được những gì đã mất. Tôi chỉ mong 2 đứa cháu tội nghiệp của mình mau khôn lớn, trưởng thành để sau này khi chúng tôi không còn nữa thì bố con chúng nó còn có thể nương tựa vào nhau...”.