Chợ trung tâm của xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) không chỉ là nơi tiêu thụ nông sản và phục vụ nhu cầu mua bán của hàng nghìn hộ dân trong xã mà còn là điểm trao đổi hàng hóa của các địa phương lân cận như: xã Văn Hán, xã Huống Thượng, thị trấn Trại Cau…Thế nhưng, sau 20 năm đưa vào hoạt động, chợ hiện đã bị xuống cấp gây ảnh hưởng đến việc mua bán của bà con và tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chợ Nam Hòa nằm sát tỉnh lộ 269 và họp vào các ngày 1, 4, 6, 9 (âm lịch) hàng tháng nên mỗi phiên đều tấp nập người mua, kẻ bán. Để tìm hiểu về khu chợ này, chúng tôi đã đến đó đúng vào ngày phiên chợ tháng 4 (âm lịch). Chợ Nam Hòa có diện tích hơn 7.000m2 nhưng chỉ có khoảng 1.000m2 là được xây dựng thành 2 dãy nhà cấp bốn dành để bán hàng tạp hóa và bán chè búp khô. Tuy nhiên, những dãy nhà trên do xây dựng đã lâu và không được tu sửa nên hiện đang bị hỏng nặng, phần mái lợp proximăng đã bị mục, vỡ lỗ chỗ, lớp vôi vữa trên tường bong tróc thành từng mảng lớn và xuất hiện nhiều vết nứt, chúng có thể đổ bất cứ lúc nào. Nhưng những người bán hàng ở đó do phần vì quen chỗ, phần vì không biết ngồi ở đâu nếu chuyển ra ngoài nên đều cố chắp vá để ở lại buôn bán dù biết nhiều hiểm nguy đang rình rập. Đối với diện tích không được xây dựng thì hầu hết các tiểu thương đều phải buôn bán ngoài trời hoặc tự đổ cọc bê tông làm trụ đỡ tấm lợp proximăng để dựng thành những chiếc chòi tạm tránh nắng, mưa. Nền chợ ở đây phần lớn đều là nền đất lồi lõm gây nên cảnh “nắng bụi, mưa lầy”.
Luồn qua đám đông, chúng tôi đến dãy bán hàng thịt, ở đó người ta bày bán cả thịt sống lẫn thịt chín trên những chiếc phản tạm bợ, mốc loang lổ. Người đứng bán ai cũng sắm một chiếc que có buộc túm nilong ở đầu để phe phẩy đuổi ruồi. Mỗi cửa hàng thịt có diện tích khoảng 3m2, có mái che do người bán dựng lên nhưng trông vẫn rất xập xệ. Chị Miêu Thị Vân, người có thâm niên bán hàng thịt gần chục năm ở chợ này cho biết: Diện tích chợ ở đây lớn nhưng lại không được xây dựng khiến chúng tôi bán hàng rất vất vả. Gọi là có mái che nhưng trời mưa thì hắt tứ phía, nền chợ lầy lội, bẩn thỉu. Trời nắng thì vừa bụi vừa nóng như lò nung, thịt mới bày ra được 1, 2 tiếng đã bị ôi quắt queo lại rồi.
Rời dãy hàng thịt, chúng tôi đến góc chợ bán rau, củ, quả. Đây được gọi là góc chợ trời bởi gần 50 người buôn bán ở khu vực này đều không có mái che hay sạp để hàng, tất cả nông sản đều được bày la liệt dưới đất. Mới hơn 9h sáng nhưng cái nắng hè nóng như đổ lửa đã khiến cho những mớ rau héo quắt lại, người bán hàng thì tỏ rõ sự mệt mỏi, họ liên tục quệt mồ hôi và quạt để đẩy bớt cái nóng đang dội từ trên xuống. Chị Ninh Thị Nhung, một người bán hàng ở đây vừa tưới nước lên mấy mớ rau để cố giữ cho chúng được tươi tắn vừa than thở: Không biết bao giờ chợ này mới được xây dựng lại để chúng tôi có một chỗ ngồi tử tế. Nhiều hôm trời nắng, nóng quá tôi chưa bán hết hàng đã phải về vì sợ ngồi lâu sẽ bị cảm.
Bên cạnh việc nhà lồng chợ cũ kỹ, chật hẹp thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không được chú trọng, đặc biệt là đối với các dịch vụ ăn, uống trong chợ. Hầu hết những thực phẩm này đều không hề được che đậy mà được “phơi” ra cho khách dễ nhìn. Trong khi người đông đúc, đường đi lại chật chội thì điều này vô tình đã tạo điều kiện cho vô số bụi bẩn, ruồi nhặng “tấn công” vào thực phẩm. Khi được chúng tôi hỏi, hầu hết cả người bán và người mua đều biết rõ nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ nhưng họ lại cho rằng: Chúng tôi ăn như thế này hàng chục năm nay rồi, có ai bị làm sao đâu.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của chợ Nam Hòa, ông Ninh Văn Cầu, đại diện Ban Quản lý chợ cho biết: Đây là khu chợ duy nhất của địa phương, trong chợ hiện có gần 150 hộ kinh doanh cố định và khoảng 80 hộ kinh doanh các mặt hàng tự tiêu, tự sản. Những ngày cao điểm như lễ, Tết hay các ngày chợ phiên, chợ này phục vụ cho hàng nghìn lượt người đến mua sắm. Nhu cầu mua bán của dân ngày càng lớn nhưng chợ lại quá xuống cấp, mùa mưa bão năm nào cũng có ít nhất khoảng chục tấm lợp bị tốc mái hoặc bị vỡ, nền thì bị nước cuốn trôi đất tạo thành những ổ gà lồi lõm. Trong khi chợ chưa được xây dựng lại, chúng tôi đã vận động bà con góp tiền để mua sỏi lấp những chỗ trũng cho bằng phẳng, đối với quầy hàng của các gia đình thì nếu bị hỏng bà con phải tự sửa chữa và khắc phục.
Trước thực trạng xuống cấp của chợ Nam Hòa, ông Trần Gia Cát, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thuận lợi lớn nhất của địa phương là đã có mặt bằng rộng rãi để xây dựng chợ mới nhưng để thực hiện được việc này thì địa phương đang phải kêu gọi các nguồn đầu tư. Trước mắt, bà con cần cố gắng khắc phục khó khăn và tự giác chấp hành những quy định ở chợ, tránh gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự.
Được biết, chợ Nam Hòa có khoảng 80% người dân tộc thiểu số buôn bán ở đây, trong đó chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu. Vì vậy, đây không chỉ là nơi mua bán, tiêu thụ các mặt hàng mà còn là nơi giao lưu văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc của bà con. Mong rằng, chợ Nam Hòa sẽ sớm được quan tâm xây mới để đáp ứng tốt nhu cầu mua bán của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.