Đã có phương án xử lý ô nhiễm môi trường suối Cốc

09:53, 04/05/2013

Từ nhiều năm nay, suối Cam Giá (còn gọi là suối Cốc), thuộc phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên bị ô nhiễm nặng nề do ảnh hưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đã có không ít biện pháp xử lý môi trường được triển khai song kết quả mang lại chưa như mong muốn. Gần đây, một Dự án nhằm nạo vét và xử lý môi trường dòng suối Cốc do Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đề xuất triển khai đã thực sự mở ra cơ hội giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm tại đây.

Xin được điểm lại đôi nét về nguyên nhân, mức độ ô nhiễm cũng như sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dòng suối Cốc đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong cả lưu vực. Suối Cốc có nhiệm vụ thoát nước trực tiếp cho Nhà máy Cốc Hóa và một phần nước mặt chảy tràn của Nhà máy Luyện thép, Luyện gang (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Suối Cốc từ nhiều năm nay còn là nguồn tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các khu dân cư trên địa bàn và của cả KCN Lưu Xá. Kết quả quan trắc chất lượng nước suối qua các đợt thanh kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quan trắc định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước suối như phenol, dầu mỡ và các chất rắn lơ lửng có giá trị vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Lượng nước thải công nghiệp này được đổ ra suối Cốc và hợp lưu tại sông Cầu. Theo ước tính, hiện tại có trên 30.000m3 chất thải tích tụ tại lòng suối Cốc, nhiều điểm dày tới 3,5m, tạo màu đen đặc trưng lẫn mùi dầu cốc khó chịu. Suối Cốc có tổng chiều dài 3,3km, diện tích ảnh hưởng trong lưu vực khoảng 30ha, trong đó có 1/3 diện tích gieo cấy lúa của bà con. Từ nhiều năm nay, năng suất lúa cấy trong lưu vực suối Cốc chỉ đạt khoảng 70% so với vùng không bị ảnh hưởng; người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng ô nhiễm do nước suối ngấm vào…

 

 

Sau nhiều nỗ lực xử lý không thành công của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các chủ thải, gần đây, Dự án cải tạo, nạo vét và xử lý ô nhiễm môi trường suối Cốc mang tính quy mô và khả thi đã chính thức được xây dựng. Bà Trần Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Mục tiêu của Dự án là nhằm xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường, đảm bảo điều kiện vệ sinh, điều kiện sống cũng như sức khỏe cho cộng đồng dân cư trong lưu vực suối Cốc, đồng thời cải thiện chất lượng nước cho dòng sông Cầu. Cụ thể, sẽ nạo vét sạch lớp trầm tích chứa dầu và nhiễm dầu, khơi thông dòng chảy toàn tuyến.

 

Phương án xử lý được đề xuất trong Dự án là nạo vét, đổ thải và tái sử dụng bùn thải dùng làm chất đốt. Đây được xem là phương án tối ưu vì mẫu dầu thải tại suối Cốc có hàm lượng cao, nhiệt lượng lớn, dự kiến sẽ đưa vào làm chất phối trộn nhiên liệu phục vụ nhà máy nhiệt điện và sản xuất xi măng. Sau khi hoàn thành Dự án, toàn bộ mặt bằng trên sẽ được hoàn trả nguyên trạng. Kinh phí thực hiện Dự án khoảng 140 tỷ đồng, trong đó gồm cả chi phí mua than phối trộn cùng bùn thải để làm thành hỗn hợp nhiên liệu cho các nhà máy. Nguồn vốn huy động thực hiện Dự án được đề xuất lấy từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương khoảng 50% (vốn mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu), còn lại là từ nguồn ngân sách địa phương (vốn xây dựng cơ bản hoặc sự nghiệp môi trường) và đóng góp của các đơn vị gây ô nhiễm môi trường suối Cốc.

 

Mới đây, tại cuộc Hội thảo về triển khai thực hiện Dự án cải tạo, nạo vét và xử lý ô nhiễm môi trường suối Cốc, hầu hết các chuyên gia đến từ Viện Hóa học, Viện Địa chất Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đều đánh giá cao ý tưởng và phương án xử lý trên. Đồng thời cho rằng, việc xử lý ô nhiễm môi trường khu vực này là rất cấp thiết, cần có phương án triển khai ngay, trong đó phải có sự cam kết trách nhiệm của các đơn vị liên quan.