Mặc dù thiếu thẩm phán, thiếu thư ký nhưng những năm qua, tập thể cán bộ Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phú Bình vẫn giải quyết được một số lượng án rất lớn. Đặc biệt, trong giải quyết án dân sự, đơn vị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với tỷ lệ hòa giải thành cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Huy Hưởng, Chánh án TAND huyện Phú Bình chia sẻ: từ năm 2009 đến nay, TAND huyện chỉ có 4 thẩm phán và 4 thư ký. Trong khi đó, bình quân mỗi năm, đơn vị luôn phải thụ lý và giải quyết trên dưới 300 vụ việc. Riêng năm 2012, đơn vị có 1 thẩm phán chờ tái bổ nhiệm trong 6 tháng, 1 thẩm phán nghỉ chế độ thai sản. Như vậy tính ra chỉ có 3 thẩm phán trực tiếp giải quyết công việc xét xử án. Thế nhưng, đơn vị đã giải quyết được 342/373 vụ việc các loại (tăng gần 100 vụ so với năm 2011). Trong đó, án dân sự đã giải quyết được 223/246 vụ việc, chiếm phần lớn trong các vụ việc mà đơn vị phải thụ lý, giải quyết. Kinh nghiệm trong giải quyết án dân sự của chúng tôi đó chính là đề cao công tác hòa giải.
Tìm hiểu về hoạt động của đơn vị, chúng tôi thấy, lịch làm việc của cán bộ được phân công rõ ràng. Sau khi thụ lý hồ sơ các vụ việc, lãnh đạo cơ quan giao việc cho từng người một cách hợp lý, ấn định thời gian giải quyết cho từng vụ việc. Bên cạnh đó, hàng tuần, các thẩm phán và người hỗ trợ phải lên kế hoạch làm việc cụ thể và báo cáo kết quả thực hiện. Việc nào còn tồn lại và nguyên nhân vì sao, có khó khăn vướng mắc gì cần phải trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo đều được lãnh đạo đơn vị định hướng, đưa ra giải pháp kịp thời nên luôn đảm bảo giải quyết án đúng thời hạn, không để kéo dài.
Một trong những điều quan trọng nhất trong giải quyết án dân sự là công tác hòa giải. Bởi án dân sự chủ yếu là tranh chấp quyền lợi, sở hữu tài sản, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động giữa các đương sự. Do đó, mục tiêu của chúng tôi là hàn gắn những mâu thuẫn giữa hai bên hay nhiều bên, đồng thời tạo điều kiện và cơ hội để các bên đương sự tự thương lượng với nhau nhằm giải quyết vụ việc. Bởi nếu đưa ra xét xử sẽ có kẻ thắng người thua, nhưng sau đó anh em, bà con, lối xóm chắc hẳn sẽ từ mặt nhau. Hòa giải thành công không chỉ giúp các bên giữ được mối quan hệ tình cảm mà còn rút ngắn được thời gian và tiết kiệm được chi phí giải quyết.
Để làm được điều đó, đối với mỗi vụ việc, thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, phân tích chứng cứ, tài liệu đầy đủ, tìm ra được đâu là nguyên nhân chính của vấn đề và trực tiếp xuống cơ sở tìm hiểu điểm mạnh, yếu của các bên để khi tiến hành hòa giải sao cho đạt cả lý và tình. Bên cạnh đó, các thẩm phán luôn phải gần gũi, tuyên truyền cho các đương sự hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm của các bên, thấy được cái lợi, hại cũng như hậu quả pháp lý nếu để sự việc phức tạp phải đưa ra tòa xét xử. Mấu chốt trong công tác hòa giải là người quan tòa phải tôn trọng quyền tự quyết, tự thỏa thuận của các đương sự.
Với cách làm đó, năm 2012, trong tổng số 223 vụ việc được giải quyết thì có đến gần 72% số vụ việc được TAND huyện hòa giải thành công. Con số này đã phần nào nói lên được vai trò “cầm cân” luôn đề cao việc hòa giải trong việc giải quyết án dân sự của cán bộ ngành Tòa án huyện Phú Bình. Đơn cử như vụ việc chị Trương Thị Thúy (xã Bảo Lý) lấy “bìa đỏ” đi làm tin để vay 170 triệu đồng của anh Nguyễn Văn Huy (thị trấn Hương Sơn) từ năm 2012. Đến hạn trả, do hai bên không thống nhất được việc trả tiền gốc và lãi nên các đương sự đã khởi kiện ra tòa. Sau khi được cán bộ tòa án phân tích lợi hại, nghĩa vụ và lợi ích của các bên, vừa qua, các đương sự đã tự thỏa thuận với nhau về việc trả toàn bộ số tiền nợ gốc và phần lãi theo đúng quy định của pháp luật.
Hòa giải thành là điều mà vị quan tòa nào cũng mong muốn hướng tới nhưng cũng có rất nhiều vụ việc phức tạp, các đương sự không dễ dàng tự thỏa thuận được với nhau. Phức tạp nhất là các vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản hay tranh chấp đất đai. Trong nhiều trường hợp, bị đơn không đến theo giấy triệu tập, người bị khởi kiện chây ỳ, tìm cách trốn tránh nghĩa vụ, tránh mặt không hợp tác hay do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết của tòa án. Trong quá trình giải quyết, các thẩm phán gặp không ít khó khăn. Ví dụ như vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” giữa anh Lã Tuấn Hưng và bà Nguyễn Thị Hợp (cùng trú tại tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn). Theo đó, bà Hợp có hợp đồng (bằng miệng) với anh Hưng trong việc mua thức ăn gia súc về chăn nuôi từ năm 2011. Trong quá trình giao dịch, bà Hợp và các con đã nhiều lần đến mua chịu cám của nhà anh Hưng, có ký nhận. Đến đầu năm 2012, bà Hợp còn nợ lại trên 54 triệu đồng và không trả dù anh Hưng đã đòi nợ nhiều lần. Anh Hưng đã khởi kiện việc này ra TAND huyện Phú Bình. Tòa án đã triệu tập nhiều lần, cán bộ Tòa án cũng đã đến gia đình tống đạt giấy triệu tập và thông báo về phiên hòa giải nhưng bà Hợp (và các con là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đều từ chối nhận. Tòa phải làm thủ tục niêm yết tại UBND thị trấn Hương Sơn để thông báo nhưng bà Hợp và các con cũng không đến Tòa để giải quyết. Đến cuối năm 2012, Tòa mở phiên tòa xét xử công khai vụ án theo đúng quy định của pháp luật và tuyên xử bà Hợp và những người liên đới (các con) phải có trách nhiệm trả số tiền nợ cho anh Hưng.
Đối với các vụ việc như vậy hoặc tương tự, cán bộ Tòa án lại phải đến tận nơi để xác minh, trực tiếp giao giấy triệu tập hoặc thông báo việc thụ lý vụ án, giải thích trách nhiệm pháp lý… Tuy việc hòa giải khó thực hiện nhưng không vì thế mà TAND huyện Phú Bình để kéo dài thời gian. Các vụ án vẫn được đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Để làm tốt vai trò của người cầm cán cân công lý, nhiều vụ án cũng khiến những người thẩm phán trăn trở, đặt địa vị của mình vào vị trí đương sự để tìm ra cách giải quyết thấu tình đạt lý. “Niềm vui của người thẩm phán là mỗi khi vụ án dân sự được hòa giải thành. Niềm vui đó càng được nhân lên khi nó được xây dựng trên sự hài lòng, tin tưởng các bên đương sự. Đó là điều mà bất kỳ một thẩm phán nào cũng muốn hướng tới. Do đó, thận trọng, tuân thủ đúng pháp phật là yếu tố hàng đầu của người thẩm phán. Bởi, chỉ cần một chút sơ suất, nghiên cứu hồ sơ không kỹ, không đánh giá đầy đủ tài liệu, chứng cứ, người quan tòa có thể phạm sai lầm. Sai lầm đó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên mà còn làm mất uy tín của người giữ cán cân công lý” - Ông Hưởng tâm sự.