Điểm mặt các dự án “tiến độ rùa”

10:42, 10/05/2013

Không ít dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn T.P Thái Nguyên sau khi kiểm tra thực tế đã phát hiện để chậm tiến độ. Nhiều chủ đầu tư đã phải trình tỉnh xin phép giãn tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Cá biệt, có dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư 2 - 3 năm nay mà vẫn chưa triển khai xây dựng. Thực trạng này đã phản ánh phần nào những khó khăn cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư, đồng thời cho thấy sự thiếu sát sao, đôn đốc của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Xin được điểm tên một số dự án quy mô lớn nhưng lại có “tiến độ rùa” để bạn đọc dễ hình dung và có cái nhìn sát thực hơn. Dự án chúng tôi muốn nhắc tới đầu tiên chính là Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Thái Nguyên, địa điểm tại phường Phan Đình Phùng, do Công ty TNHH SON Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 4-2006 và khởi công năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa xây xong phần móng. Hơn 6 năm triển khai thì có tới 3 năm Dự án này chỉ là bãi đất trống, hơn 3 năm còn lại chủ đầu tư đã triển khai thi công, song chỉ nhúc nhắc ít một. Bởi thế, hiện nay một số bộ phận kết cấu thép của phần móng đã chuyển màu, bị han rỉ do phơi nắng, mưa lâu ngày. Được biết, thời gian đầu Dự án này gặp khó khăn do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, giai đoạn sau chủ Dự án lại thiếu vốn đầu tư. Đây là dự án trung tâm thương mại quy mô lớn nhất tỉnh với 2 tòa cao ốc đặt tại vị trí khá lý tưởng, sát với đảo tròn trung tâm Thành phố và được xem là biểu trưng cho sự phát triển thương mại của cả tỉnh. Vậy mà Dự án tầm cỡ này lại nằm trong danh sách …“đủ điều kiện thu hồi”.

 

Một số dự án khác đã đủ điều kiện để thu hồi do chưa hoặc chậm triển khai xây dựng mà chúng tôi liệt kê dưới đây cũng là những trường hợp đáng nói, gồm: Dự án xây dựng khu bãi đỗ xe của chợ Túc Duyên và trụ sở văn phòng do Công ty CP Triệu Đại Dương đầu tư, khởi công từ quý II năm 2011, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm, đang đề nghị giãn thời gian thực hiện; Dự án mở rộng khu nhà ở tập thể công nhân và nhà dịch vụ đa năng của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tại phường Phan Đình Phùng đã qua gần 3 năm triển khai nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên giờ vẫn chưa thể thi công; Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp văn hóa, thể thao Trần Sơn Thái Nguyên của Công ty CP Phát triển kinh doanh Trần Sơn tại phường Túc Duyên, triển khai xây dựng từ năm 2010, kế hoạch hoàn thành năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện; Dự án xây dựng trụ sở, nhà xưởng kho bãi chứa hàng, cơ sở xử lý chất thải công nghiệp, sản xuất tái chế mỡ phế liệu, phế thải, tái chế nhựa và bao bì của HTX Thương mại, dịch vụ Phúc Lợi tại xã Tân Cương khởi công từ năm 2008 và kế hoạch hoàn thành năm 2009, đến nay vẫn chưa hoàn thành; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Tuấn Minh của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Minh tại phường Thịnh Đán được khởi công từ năm 2008, kế hoạch hoàn thành năm 2010, hiện vẫn chưa xong; Dự án đầu tư xây dựng và quản lý chợ Đồng Quang do Công ty CP Minh Sơn và Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Hồng Hà làm chủ đầu tư, được cấp phép từ năm 2008, đến nay chưa hoàn thành vì phải thay đổi quy mô, thiết kế và hạn chế về vốn đầu tư…

 

Theo thống kê sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì trên địa bàn T.P Thái Nguyên tính đến ngày 31-12-2012 có trên 80 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó hơn 30 dự án đầu tư xây dựng có “tiến độ rùa”, trên 10 dự án chưa triển khai thực hiện và gần 40 dự án khác đang triển khai. Đối với gần 40 dự án đang triển khai, mặc dù không bị liệt vào danh sách chậm tiến độ, song có không ít dự án gặp phải những khó khăn, vướng mắc và thiếu các thủ tục cần thiết. Một số dự án có nguy cơ phải tạm dừng triển khai vì không đủ năng lực tài chính.

 

Qua trao đổi với các nhà đầu tư, chúng tôi được biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ thực hiện các dự án là do thiếu vốn đầu tư. Mấy năm gần đây, tình hình kinh tế gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng ở mức cao, đầu tư công thắt chặt, thị trường bất động sản đóng băng… đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, dẫn tới thiếu vốn đầu tư. Mặt khác, một số trường hợp đã chuyển từ hình thức đầu tư xây dựng dự án sang lĩnh vực mới phù hợp và dễ thu hồi vốn hơn để mong chống trụ được trên thị trường.

 

Cũng có trường hợp lấy lý do vướng về mặt bằng hoặc doanh nghiệp khó khăn để dùng vốn xoay vòng, kinh doanh tài chính chứ không tiếp tục đầu tư thực hiện dự án… Trong khi đó, các ngành chức năng của tỉnh, thành phố lại chưa thật sự sát sao trong việc kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, cũng chưa kiên quyết yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình với dự án được cấp phép, đồng thời thiếu chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

 

Có thể nói, thời gian qua, tỉnh đã rất ưu ái đối với các nhà đầu tư bằng viêc xem xét cấp điều chỉnh tiến độ, gia hạn thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt… đối với doanh nghiệp. Đổi lại, tỉnh rất mong muốn nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện các dự án đúng tiến độ đề ra, tránh ì trệ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, còn rất nhiều nhà đầu tư chưa thực hiện được yêu cầu đề ra.

 

Thiết nghĩ, đối với các dự án quá chậm tiến độ hoặc không khả thi, tỉnh cần cương quyết thu hồi để bàn giao cho nhà đầu tư khác có đủ năng lực. Từ đó mới tránh được tình trạng thiếu trách nhiệm trong quá trình đầu tư và cũng có thể là giúp gỡ khó cho một số chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án.