Thực hiện Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, phụ nữ sinh con được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng hưởng bảo hiểm xã hội thay vì 4 tháng và 5 tháng (với người lao động trong môi trường độc hại) như trước kia. Đối với người lao động, đây là điều đáng mừng bởi họ được dành nhiều thời gian hơn chăm sóc cho trẻ trong khi vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đối với doanh nghiệp, việc thực hiện điều luật mới cũng không khó khăn.
Người lao động vui mừng
Theo quy định tại điều 157, khoản 1 và điểm b, khoản 2, điều 240 Bộ luật Lao động năm 2012, lao động nữ nghỉ sinh con tính đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ thì được nghỉ 6 tháng hưởng lương bảo hiểm xã hội chi trả. Điều này đồng nghĩa với việc những phụ nữ nghỉ sinh con từ ngày 2/1/2013 được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Riêng đối với phụ nữ có thai đôi, thời gian nghỉ sinh con được hưởng theo quy định mới được tính trước đó 1 tháng, tức là từ ngày 2/12/2012. Việc áp dụng thời gian nghỉ thai sản kéo dài thêm đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người lao động.
Chị Phạm Thị Hằng là công nhân làm việc tại Chi nhánh May Việt Đức, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG) được 5 năm. Lần sinh con trước vào năm 2010, chị chỉ được nghỉ 5 tháng hưởng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, không có người phụ giúp trông con khi đến thời điểm đi làm, chị Hằng đành xin nghỉ giãn hợp đồng thêm 7 tháng để ở nhà trông con. Đến lần sinh vào tháng 8 sắp tới, thay vì được nghỉ 5 tháng như trước kia, chị Hằng sẽ được nghỉ 6 tháng hưởng lương bảo hiểm xã hội chi trả. "Công việc vất vả, đôi khi lại phải tăng ca cho kịp sản phẩm nên có muốn sinh con cũng phải tính. Nay luật mới tăng thời gian nghỉ thai sản, chị em chúng tôi rất mừng" – chị Hằng chia sẻ.
Cùng chung niềm vui ấy, chị Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ của Công ty CP sữa Elovi (Phổ Yên) đang nghỉ chế độ thai sản cho biết, lâu nay, hầu hết chị em trong công ty chỉ được nghỉ 4 tháng theo đúng Luật Lao động. Nhiều chị em kinh tế khó khăn cũng không dám xin nghỉ thêm vì sợ không đủ tiền trang trải đời sống khi nghỉ không có lương. "Luật Lao động mới được thông qua là điều đáng mừng khi những phụ nữ như tôi sẽ được nghỉ tận 6 tháng để chăm sóc con. Với chính sách mới, vợ chồng tôi đã quyết định sinh con ngay trong trong năm 2013" - chị Hương nói.
Doanh nghiệp không gặp khó
Mặc dù thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ tăng lên 6 tháng nhưng theo đại diện một số doanh nghiệp, việc này hầu như không ảnh hưởng tới việc sản xuất, kinh doanh. Công ty TNG hiện có khoảng 7,2 nghìn lao động trong đó hầu hết là lao động nữ. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Công ty có trên 320 phụ nữ nghỉ chế độ thai sản được hưởng chế độ nghỉ 6 tháng thay vì 5 tháng như trước kia. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trường Xuân, Trưởng phòng Hành chính, Tổ chức Công ty cho biết, việc áp dụng thời gian nghỉ thai sản tăng lên 6 tháng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người lao động và mặc dù thường xuyên có hàng trăm lao động nghỉ thai sản cùng lúc nhưng doanh nghiệp cũng không hề bị ảnh hưởng. Ông Xuân cho biết thêm, do đặc thù, hầu hết công nhân may của Công ty TNG không có người nhà trợ giúp trông con sau khi hết thời gian nghỉ thai sản nên số nữ lao động thường xin nghỉ giãn hợp đồng thêm đến khi con đủ 1 tuổi mới đi làm. Nhiều năm qua, Công ty TNG đã tính toán và bố trí nguồn nhân lực thay thế đủ cho khoảng 1 nghìn công nhân nghỉ đồng thời. Chính vì vậy, thời gian nghỉ chế độ thai sản của nữ lao động mặc dù tăng thêm 1 tháng nhưng sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty. “Ngay với thời điểm hiện tại, ngoài 320 nữ lao động nghỉ chế độ thai sản, Công ty TNG có tới trên 600 nữ lao động khác đang nghỉ giãn hợp đồng những chúng tôi vẫn đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho sản xuất” – ông Xuân nói.
Với công ty CP sữa Elovi, doanh nghiệp có khoảng 150 lao động thì có tới trên 40% là lao động nữ. Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Hiên, đại diện Công ty cho rằng, việc tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng cũng không ảnh hưởng đối với hoạt động của Công ty. Bà Hiên cho biết, mỗi năm, Elovi có khoảng dưới 10 lao động nữ nghỉ thai sản và để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị ảnh hưởng, Công ty đã xây dựng đội ngũ lao động thay thế từ nhiều năm trước. “Chính vì vậy, thời gian nghỉ thai sản tăng thêm 2 tháng nhưng chúng tôi đã có đội ngũ lao động thay thế sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất khi lao động nữ nghỉ thai sản dài hơn” – bà Hiên cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Bình, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp. Theo ông Bình, dù nghỉ 4 hay 6 tháng, doanh nghiệp vẫn phải xác định xây dựng đội ngũ lao động thay thế. Khi tuyển dụng nhân viên nữ, nhất là lao động trẻ các công ty đều phải tính đến giai đoạn họ sẽ lấy chồng và sinh con. "Thông thường giai đoạn thai sản của lao động nữ thường kéo dài ít nhất là một năm vì giai đoạn đầu con nhỏ nên người lao động khó phát huy hiệu quả cao cho công việc được. Do vậy, dù 4 tháng hay 6 tháng thì với các Công ty, tác động ảnh hưởng vẫn như vậy” - ông Bình nói.
Cùng chung quan điểm với ông Bình, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết chế độ thai sản cho khoảng 10 nghìn lượt lao động nữ. Mặc dù chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật Lao động 2012 nhưng để đảm bảo chế độ đối với người lao động, từ cuối tháng 4/2013, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có công văn hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, thực hiện giải quyết chế độ nghỉ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ theo Luật lao động mới. Theo đó, lao động nữ nghỉ sinh con tính đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ thì được nghỉ 6 tháng hưởng lương bảo hiểm xã hội chi trả. Ông Trường cũng cho biết, mặc dù chưa rà soát lại việc thực hiện cụ thể của các đơn vị nhưng sau gần 1 tháng thực hiện, chưa thấy có đơn vị, doanh nghiệp nào có phản hồi về việc gặp vướng mắc trong việc thực hiện Luật Lao động mới và chúng tôi cho rằng bước đầu việc thực hiện chế độ nghỉ thai sản 6 tháng hưởng lương bảo hiểm xã hội chi trả đã được cả người lao động và người sử dụng lao động đón nhận.