Ông Trần Hỷ, sinh năm 1936, hiện ở xóm Xuân Đãng 3, xã Bình Sơn (T.X Sông Công) kể chuyện với chúng tôi về quãng thời gian 7 năm làm cảnh vệ, được gặp và vinh dự nghe Bác nói chuyện nhiều lần mà rưng rưng xúc động.
Tháng 4 năm 1963, lúc đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Sơn (thuộc huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ), ông Hỷ nhận lệnh lên đường nhập ngũ, công tác tại Trung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Bộ Công an) - có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các mục tiêu trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Đơn vị đóng ở phố Ngọc Hà (trụ sở Bệnh viện Sĩ quan quân đội Pháp cũ). Địa điểm này gần nơi ở của Bác Hồ và các cơ quan TW, Chính phủ trên đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, rất thuận tiện cho công tác bảo vệ lâu dài. Sau 5 tháng huấn luyện, ông được điều chuyển về Đại đội 4, nhiệm vụ là cơ động tham gia bảo vệ các cuộc mít tinh, đưa đón khách nước ngoài, các đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, các điểm chốt Bác đến làm việc.
Quãng thời gian làm việc, đơn vị ở cách chỗ nhà sàn của Bác chỉ một bờ tường rào nên ông cùng các cảnh vệ được nhìn thấy Bác thường xuyên. Nhưng ông nhớ nhất 2 lần gặp và nghe Bác nói chuyện. Đó là lần Bác đến Trung đoàn nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12). Ông kể: Ngày 21-12-1965, Trung đoàn tổ chức Đại hội thi đua với khoảng 100 người do đơn vị cơ sở bình chọn về dự. Trong lúc mọi người đang nghe Chính ủy Trung đoàn Lê Liêm báo cáo tổng kết thì bất ngờ Bác đến chúc mừng. Bác đi bộ từ phía sau lễ đài Ba Đình, qua vườn tăng gia của đơn vị vào hội trường. Cùng đi với Bác còn có đồng chí Vũ Kỳ. Cả hội trường đứng dậy reo to: Bác Hồ đến. Sau khi nghe báo cáo, Bác phát biểu khen ngợi Trung đoàn và nói: Bác đến thăm các chú và rất phấn khởi thấy các chú tiến bộ. Bác có quà tặng các chú. Nhưng ít quá, ít mới quý. Món quà Bác tặng là chính tay gắn huy hiệu cho 5 cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc nhất của đơn vị. Rồi Bác căn dặn cán bộ chiến sĩ phải đề cao cảnh giác vì đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc, chắc chắn sẽ tấn công Hà Nội. "Các chú phải nhớ thực hiện khẩu hiệu: Lúc có địch coi như không có địch. Khi không có địch coi như có địch (nghĩa là khi có địch phải bình tĩnh, không được rối trí để đối phó chúng. Khi không có địch vẫn phải đề cao cảnh giác, không được coi thường)”. Rồi Bác nói: Các chú có thực hiện được không? Cả hội trường đồng lòng hô to: Thưa Bác chúng cháu làm được ạ. Ông Hỷ hô theo mà thấy tim mình đập rộn ràng.
Lần thứ hai vào tháng 9-1966, Đại đội của ông Hỷ nhận nhiệm vụ cơ động bảo vệ Bác lên K9, còn gọi là khu Đá Chông - B1 Sơn Tây. Khoảng 15h hôm đó, khi các cán bộ, chiến sĩ đang ngồi giải lao bên bãi cỏ thì Bác đi tới. Tất cả anh em đứng nghiêm chào Bác. Bác đến vỗ vai từng người một và hỏi han rất ân cần một chiến sĩ: Quê chú ở đâu? Chú nặng bao nhiêu cân? Chú có hay đọc báo không? Những câu hỏi của Bác gần gũi, ấm áp, yêu thương. Bác còn hỏi: Có chú nào hút thuốc không? Anh em lặng im không ai dám trả lời. Bỗng một chiến sĩ là Mông Ngọc Khoa, quê ở xã Lam Vỹ, Định Hóa mạnh dạn đứng dậy nói: Thưa Bác, cháu xin Bác một điếu ạ! Bác mỉm cười, tặng anh Khoa hẳn một hộp thuốc lá. Bác còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải chăm đọc sách, báo, nghe đài để nắm thông tin trong nước và quốc tế cũng như bổ sung thêm nhiều kiến thức xã hội; chịu khó tập thể dục, rèn luyện thân thể để có sức khỏe phục vụ đất nước... "Anh em chúng tôi nhìn nhau rồi lại nhìn Bác mà trong lòng vô cùng cảm động nghĩ: Vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng xiết đỗi gần gũi, giản dị”. Ông Hỷ nói.
Năm 1973, ông Hỷ xuất ngũ, về công tác tại Công ty than Bắc Thái. Sau đó, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin nghỉ về địa phương. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh kinh lạc thao của xã. 17 năm qua, ông cũng là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Xuân Đãng... Ngoài tham gia hoạt động xã hội, sở thích của ông là đọc sách, báo, làm thơ, văn. Trong tủ nhà ông có rất nhiều sách, có cuốn đã cũ, màu ngả vàng ố vì thời gian nhưng vẫn được giữ gìn cẩn thận, cho những người yêu thích sách, báo trong xã truyền tay nhau mượn đọc.
Những thành tích đóng góp của ông trong thời gian làm cảnh vệ đã được ghi nhận và được Chủ tịch nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Nhưng đối với ông Hỷ, quãng thời gian được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác, gặp Bác và nghe Bác nói chuyện là phần thưởng cao quý nhất.
Những câu chuyện ông kể với chúng tôi dịp Kỷ niệm Sinh nhật Bác (19-5) đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Ông bảo, hồi ức về Bác thật đẹp nên tôi luôn ghi nhớ và giữ vẹn nguyên trong tim. Ban Liên lạc Trung đoàn 600 tỉnh Thái Nguyên có khoảng 50 người, được thành lập năm 2004 nhưng đến nay đã có gần một nửa đã qua đời vì tuổi cao. Vào những dịp sinh hoạt hội người cao tuổi, hay được mời nói chuyện với các cháu học sinh, các ông đều mang câu chuyện mình gặp Bác Hồ ra kể để ôn lại kỷ niệm, coi đó là niềm tự hào nhất trong đời mình.