Từ năm 2010 trở về trước, muối i ốt là một trong những mặt hàng chính sách được Nhà nước trợ giá, trợ cước từ nguồn ngân sách Trung ương nhằm phòng, chống bệnh bướu cổ cho người dân vùng dân tộc và miền núi. Đến cuối năm 2010, chính sách trợ cước, trợ giá tạm dừng. Năm 2012 lại bắt đầu thực hiện lại, với nguồn kinh phí hỗ trợ trợ cước, trợ giá từ ngân sách tỉnh.
Để triển khai mặt hàng này, năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định giao cho Sở Tài chính, Ban Dân tộc phối hợp với các ngành, ban liên quan để triển khai. Đồng thời, giao cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần Muối i ốt (CTCPMIO) và Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Thái Nguyên (CTCPTMTH) thực hiện từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ với số lượng 3.305 tấn muối, tổng kinh phí hỗ trợ trợ cước, trợ giá là 3 tỷ 198 triệu đồng. Theo đó đã có 126 xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách này.
Do bị gián đoạn 2 năm, nên việc triển khai trở lại còn gặp vướng mắc do một số nơi, các cửa hàng chuyên phục vụ mặt hàng chính sách của Nhà nước trước đây đã không còn kho bãi; thêm vào đó là việc tinh giản biên chế nên không có người bán hàng. Các doanh nghiệp trên đành phải phối hợp với các huyện để tìm đại lý ký hợp đồng tiêu thụ. Do việc khâu nối đại lý tiêu thụ kéo dài nên đến tháng 9/2012, hai đơn vị trên mới triển khai được. Vì vậy, kết thúc năm 2012, CTCPTMTH mới thực hiện được 487/1.405 tấn muối theo kế hoạch; CTCPMIO được giao thực hiện 1.900 tấn, nhưng cũng chỉ thực hiện được 60% kế hoạch năm. Nhằm khắc phục những vướng mắc trên, năm 2013, UBND tỉnh đã có Quyết định hỗ trợ trợ giá (công trộn, túi PE) và giao cho 2 đơn vị trên thực hiện việc sản xuất và cung ứng muối, còn Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Tổng hợp Thái Nguyên (CPPTTMTH), được hỗ trợ cước vận chuyển (đến trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao) để phân phối đến các xã được thụ hưởng. Tuy nhiên đến thời điểm này, đã gần hết tháng 5/2013, nhưng việc triển khai thực hiện ở một số huyện vẫn còn khó khăn, trong đó phải kể đến hai địa phương là huyện Đại Từ và T.PThái Nguyên.
Ông Ngô Đình Liên, Giám đốc CTCPTMTH cho biết: Năm nay, Công ty được giao sản xuất, cung ứng 1.364 tấn muối iốt (tương ứng với số tiền trợ giá 750 triệu đồng) nhưng đến thời điểm này, Công ty mới giao được 450 tấn, trong đó, riêng 2 huyện Đại Từ và T.P Thái Nguyên số lượng nhận hàng về bán rất thấp (thành phố chưa nhận kg nào về bán, trong khi kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013 được giao là 30 tấn; huyện Đại Từ mới nhận được 24 tấn/140 tấn kế hoạch được giao). Nếu cứ tình trạng này, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ không hoàn thành kế hoạch cung ứng”. Ông cũng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, nếu các đơn vị trên không đến ký nhận hàng về bán, Công ty sẽ có văn bản trình cấp có thẩm quyền đề nghị chuyển kế hoạch cho các huyện đang có nhu cầu lớn.
Đối với CTCPMIO, dự ước đến hết quý II/2013, thực hiện khá hơn (đạt 47,3% kế hoạch); song riêng huyện Võ Nhai cũng mới tiếp nhận được 16 tấn/194 tấn kế hoạch giao. Để giải quyết những khó khăn trên, ông Thân Văn Đào, Phó Phòng Kinh doanh, CTCPPTTMTH cho biết: Do Chi nhánh Thương mại của 2 địa phương trên không có nhân lực để triển khai nên hiện nay, Công ty đã tập trung nhân lực, thời gian để trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với Chi nhánh tìm các đại lý ký hợp đồng tiêu thụ, song mức độ vẫn còn hạn chế. Ở T.P Thái Nguyên, đến nay, mới chỉ có 1 đại lý ký hợp đồng bán 100 tấn muối iốt; ở huyện Đại Từ, Công ty đã ký hợp đồng với 6 đại lý ở các xã Phú Thịnh, La Bằng, Phú Xuyên, Phú Cường, thị trấn Đại Từ, Ký Phú (mỗi địa phương 100 tấn). Theo nhận định khả quan thì đây là thời điểm nhu cầu sử dụng muối của người dân đang tăng cao nên việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn. Công ty sẽ cố gắng phấn đấu đạt đến mức cao nhất.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ mặt hàng muối iốt triển khai ở các địa bàn trên chậm còn có những lý do riêng. Ở T.P Thái Nguyên, số xã được hưởng lợi mặt hàng này không nhiều; trong khi thói quen của người dân thành phố lại hay sử dụng bột canh và muối tinh sạch. Có địa phương, do đơn vị đã nhập muối kinh doanh và đang bán với giá 3.200 đồng/kg đến 3.500 đồng/kg; trong khi muối iốt chỉ có 2.350 đồng/kg, nếu nhận muối iốt về bán thì muối kinh doanh sẽ bị thua lỗ nên chưa muốn nhận. Hơn nữa, về cơ chế chính sách cho các địa phương cũng có nhiều thay đổi nên các đại lý cũng không mặn mà nhận bán mặt hàng này (trước đây Nhà nước ứng vốn trước, đầu tư cơ sở vật chất, trợ cước, trợ giá; người bán hàng được trả lương... Nay, người bán hàng chỉ được hưởng hoa hồng với mức thấp (300 đến 400 đồng/kg), lại phải bỏ vốn ra mua đứt, bán đoạn; tự đầu tư cửa hàng, kho bãi bán hàng. Vì vậy, chỉ có những đại lý truyền thống kết hợp bán nhiều mặt hàng khác thì mới chịu nhận.
Sử dụng muối iốt để phòng, chống bướu cổ và các bệnh rối loạn do thiếu iốt, do vậy, theo khuyến cáo mỗi ngày nên ăn 10 gam muối. Hơn nữa, để người dân, nhất là các xã miền núi, vùng cao - nơi có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ và các tác hại khác do thiếu iốt không bị tái bệnh bướu cổ, các địa phương nên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng muối iốt để thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tạo cho người dân có thói quen sử dụng muối iốt. Các đơn vị được giao nhiệm vụ phân phối nên tiếp nhận đầy đủ khối lượng theo quy định để bán đến người dân, nhất là ở các xã thuộc diện được hưởng mặt hàng chính sách này không bị thiệt thòi.