Hỗ trợ đào tạo nghề; xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại… trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn đang là mục tiêu hướng tới của hoạt động khuyến công hiện nay. Với khuyến công Thái Nguyên, những năm gần đây, mục tiêu này được thể hiện khá rõ nét thông qua các hoạt động thực tiễn thiết thực tại cơ sở.
Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương (có địa chỉ tại xã Phúc Xuân - T.P Thái Nguyên) rất vui sau khi được nguồn vốn khuyến công Quốc gia hỗ trợ 60 triệu đồng để thực hiện Dự án đầu tư máy sấy hương chè. Bà Hiệp chia sẻ: Trước đây, các thành viên HTX chủ yếu sao sấy hương và bảo quản chè bằng phương pháp thủ công nên khối lượng chè cũng như chất lượng hương chè sau chế biến bị hạn chế nhiều. Được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (gọi tắt là Trung tâm Khuyến công) của tỉnh hỗ trợ, HTX quyết định dành kinh phí trên 160 triệu đồng đầu tư máy sấy hương và bảo quản chè của Đài Loan. Từ khi đưa máy sấy vào sử dụng (tháng 2-2013), với khối lượng sấy mỗi mẻ từ 15-60kg chè, HTX không chỉ tiết kiệm được nhiều thời gian lấy hương so với trước mà còn giúp hương vị chè đồng đều và lưu giữ được lâu hơn. Bà Phan Thị Thu Phương, chuyên viên thuộc Trung tâm Khuyến công tỉnh đánh giá: Chúng tôi chọn hỗ trợ thực hiện Dự án này là bởi ngoài giúp HTX đạt được hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động, còn góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trước đây. Qua mô hình này sẽ giúp các hộ sản xuất chè khác trên địa bàn tỉnh nhận biết để đầu tư ứng dụng một cách phổ biến.
Thành công trong hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật xử lý chất thải, tái chế dầu phế liệu thành dầu đốt công nghiệp do HTX Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi thực hiện tại xóm Hồng Thái, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) là một ví dụ cụ thể nữa cho việc hướng về nông thôn của hoạt động khuyến công. Thực tế chứng minh, cứ mỗi tấn dầu nhớt thải vào môi trường sẽ gây ô nhiễm và hủy hoại hoàn toàn sinh thái đối với 1km2 mặt nước hoặc 3 héc ta đất canh tác. Ở tỉnh ta, lượng dầu nhớt thải còn khá lớn nhưng chưa có đơn vị nào đầu tư tái chế thành dầu đốt công nghiệp. Từ nguồn khuyến công Quốc gia, năm 2012, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ HTX 250 triệu đồng để thực hiện Dự án trên. Sau khi Dự án hoàn thành, mỗi ngày, dây chuyền này xử lý được 10 tấn sản phẩm. Ông Mai Văn Phú, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ thông tin (Trung tâm Khuyến công) cho biết: Dự án này đi vào sử dụng đã tạo việc làm ổn định cho trên 90 lao động trực tiếp của HTX và hàng trăm lao động khác chuyên đi thu gom phế liệu. Sản phẩm dầu đốt công nghiệp được tái chế hiện nay có nhu cầu sử dụng lớn, giá thành cạnh tranh, nguyên liệu đầu vào lại không hạn chế nên Dự án này có tính bền vững cao. Chúng tôi đã tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật để nhân rộng mô hình trên ra toàn tỉnh.
Trên đây chỉ là hai trong hàng chục mô hình, đề án sản xuất tại khu vực nông thôn của tỉnh được hỗ trợ từ chương trình khuyến công trong hai năm gần đây. Ngoài hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tiên tiến, hoạt động khuyến công còn dành sự hỗ trợ để đào tạo, tập huấn nghề cho lao động ở nông thôn. Năm 2013 này, nguồn vốn khuyến công Quốc gia đã dành trên 1,7 tỷ đồng hỗ trợ tổ chức 28 lớp đào tạo nghề cho bà con, trong đó có 14 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, 14 lớp đào tạo nghề chế biến chè với khoảng 1.000 lao động tham gia. Hiện tại, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã liên kết mở được 12/14 lớp chế biến chè, 4/14 lớp may công nghiệp. Đã có 4 HTX, 1 công ty cử xã viên, người lao động tham gia học tập gồm: HTX dịch vụ điện Thủy Tiên Thành, xã Yên Lạc, HTX dịch vụ tổng hợp chế biến chè an toàn Quyết Thắng, xã Tức Tranh (Phú Lương), HTX chè an toàn Sơn Thành, HTX chè an toàn Đại Phú, xã Phú Lạc (Đại Từ) và Công ty CP may xuất khẩu Phú Lương. Từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh, khoảng 2,3 tỷ đồng, năm nay Trung tâm đang trình phê duyệt 13 đề án về xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại. Nếu phê duyệt đầy đủ thì năm nay những dự án được hỗ trợ gồm: Xây dựng mô hình đúc chi tiết các sản phẩm kim loại bằng lò trung tần hiệu suất cao; hỗ trợ ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu; ứng dụng máy móc chế biến chè, thêu zen công nghiệp, chế biến và sản xuất đồ gỗ...
Nói về tiêu chuẩn chọn lựa đối tượng thụ hưởng nguồn vốn khuyến công, ông Mai Văn Phú cho biết: Chúng tôi ưu tiên chọn những đơn vị có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được công nhận hàng năm hoặc có sản phẩm dự kiến đưa vào bình chọn năm tiếp theo. Mặt khác, các đơn vị tham gia phải được đề xuất kế hoạch từ năm trước; tính khả thi trong thực hiện dự án đầu tư phải cao. Những khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn cũng được xem xét ưu tiên.
Như vậy, việc hướng hoạt động khuyến công về nông thôn là một trong những hoạt động hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi toàn tỉnh đang tập trung cao độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù mức hỗ trợ không lớn, mô hình chưa nhiều, song đây thực sự là đòn bẩy để giúp các đơn vị sản xuất công nghiệp tại vùng nông thôn mạnh dạn đầu tư, bứt phá về dây chuyền, công nghệ hướng tới mục tiêu sản xuất công nghiệp bền vững.