Tròn 59 năm về trước, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong kỳ tích vĩ đại đó, có sự góp sức nhỏ bé của người cựu chiến binh Bùi Duy Xuyên, hiện đang thường trú tại xóm Hồng Thái, xã Bình Thành (Định Hóa).
Cuộc hành quân “thần tốc” 24 ngày đêm
Ở tuổi 85, ông Bùi Duy Xuyên vẫn còn tráng kiện, giọng nói sang sảng, nước da đỏ au có lẽ cuộc sống lao động và những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ đã giúp ông có được sức khỏe khó ai bì kịp như thế. Khi chúng tôi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, những ký ức hào hùng của 59 năm trước được ông kể lại rành rọt như vừa mới hôm qua. Câu chuyện bắt đầu bằng những câu thơ do ông tự sáng tác: Nhân khi thong thả, thảnh thơi/ Tuổi già nghĩ lại một thời Điện Biên/ Pháp khoe sức mạnh vô biên/ Có súng phun lửa, đại liên bốn nòng...
Những câu thơ gợi nhớ hình ảnh phối hợp tác chiến giữa pháo binh và bộ binh – một trong những yếu tố bất ngờ, quyết định cục diện của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày ấy, ông Bùi Duy Xuyên vừa nhập ngũ được 3 năm, thuộc đơn vị pháo cao xạ của Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Ông nhớ lại: “Đầu năm 1954, Trung đoàn 9 của chúng tôi đang đóng quân tại Thanh Hóa sau khi trở về từ Chiến dịch Thượng Lào thì được lệnh lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ để tham gia chiến dịch. Tôi được giao nhiệm vụ “cõng” trên lưng một bộ phận của nòng pháo nặng 24kg, thêm 4kg gạo cùng quân, tư trang cá nhân. Tổng chiều dài quãng đường chúng tôi hành quân gần 700km, lại chủ yếu đường rừng hiểm trở nên hết sức vất vả. Để đảm bảo bí mật nên mọi người phải hạn chế tối đa tiếng động, chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên. Không kể ngày đêm, cứ khi nào trinh sát đi trước báo an toàn là chúng tôi gấp rút hành quân cho kịp chiến dịch. Định suất cho mỗi bữa chỉ là một nắm cơm và muối vừng, không có rau. Ngủ nhiều cũng chỉ được đôi ba tiếng mỗi hôm, thế nên cứ nghỉ chân ở đâu là chúng tôi ngủ ngay được, bất kể muỗi vắt ra sao.
Ông Xuyên kể: “Trong cuộc hành quân “thần tốc” đó, vất vả nhất là vượt đèo Pha Đin với chiều dài 31km. Biết đây là một khu vực trọng điểm, địch tập trung đánh phá để chặn đường tiến quân của ta nên chỉ huy lệnh cho đơn vị phải vượt đèo chỉ trong một đêm. Mọi người bắt đầu hành trình từ lúc mờ tối, nắm tay nhau dò đường, bám đá mà đi. Quân tư trang trên lưng như những tảng đá kìm chân người chiến sĩ, có những lúc mệt đến mức tưởng như không thở nổi. Với ý chí, quyết tâm của toàn đơn vị, chúng tôi đã vượt được đèo vào mờ sáng. Vượt được thử thách gian nan, ai nấy đều thêm phấn chấn để băng băng tiến vào trận địa.
56 ngày đêm gian khổ, hào hùng
Sau 24 ngày đêm hành quân liên tục, Trung đoàn 9 của ông Bùi Duy Xuyên đến được trận địa đúng vào tối 13/3/1954 (ngày đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ).
Trung đoàn 9 được lệnh triển khai đội hình ở mặt trận phía Tây cánh đồng Mường Thanh, nhiệm vụ là đánh vào sân bay và hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát-tơ-ri. Đơn vị bộ binh nhanh chóng đào công sự và chuyển pháo vào trận địa. Trận đầu, đơn vị pháo binh được lệnh bắn thẳng khu vực trung tâm của sân bay Mường Thanh, tạo áp lực đệ bộ binh tiến vào. Ông bảo: So sánh về số lượng và mức độ hiện đại của vũ khí, quân ta đều không bằng so với địch, nhất là pháo và đạn pháo. Chính vì vậy, chúng tôi phải bắn rất thận trọng, tính toán thật chính xác mục tiêu rồi mới ngắm bắn. Mỗi viên đạn pháo là biết bao mồ hôi và máu của đồng đội mình mới đưa được vào tới trận địa”.
56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”, ông Xuyên thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh. Ta càng xiết chặt vòng vây, quân thù càng điên cuồng chống trả bằng cả không quân, bộ binh và pháo binh. Trận đánh đồi Độc Lập trong các ngày 14 và 15/3, có trung đoàn đã hy sinh quá nửa. Nhiều bữa, đơn vị hậu cần đưa cơm ra mặt trận cho anh em, cả một xe cơm thì mang về gần nửa vì anh em hy sinh nhiều quá. Ngoài bom đạn, các chiến sĩ còn phải chịu thiếu thốn trong sinh hoạt. Toàn bộ chiến dịch, ông Xuyên và đồng đội không một lần được tắm. Đào chiến sự, ngâm mình trong mưa bùn đến khi chân tay tái nhợt, nhiều người lở loét nhưng không có nước tắm, phải chờ khi nắng lên để phủi người theo kiểu “tắm khô” và đập qua bùn đất ở quần áo. Cả Chiến dịch chỉ ăn cơm nắm và muối, thèm đến cồn cào một bát canh rau. Có lần ông Xuyên 3 ngày liên tục không được ngủ, đến mức đang nằm ở trận địa, giữa bom rơi, đạn nổ vẫn có thể ngủ một giấc ngon lành.
Trong chiến dịch, khoảnh khắc nào ông nhớ nhất? Tôi hỏi. “Đó là những ngày cuối của Chiến dịch, tôi được lệnh hướng nòng pháo vào khu vực hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát-tơ-ri, bắn liền 3 loạt đạn pháo vào nhưng phía địch vẫn im lìm, bộ binh ta ập vào như vũ bão, nhìn từng đoàn quân địch tay cầm cờ trắng ra hàng, ai nấy đều reo hò sung sướng bởi biết rằng Chiến dịch đã hoàn toàn thắng lợi”.
Sau chiến dịch, ông Xuyên cùng đơn vị được lệnh về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Đến khi kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông tiếp tục làm đơn xin ra mặt trận nhưng không đủ điều kiện sức khỏe. Trở về quê ở Thái Bình rồi sau đó cùng gia đình lên miền đất Bình Thành (Định Hóa) khai hoang, ông đã có 40 năm liên tục giữ chức vụ xã đội trưởng, làm tốt nhiệm vụ vùng hậu phương chi viện cho tiền tuyến lớn. Nay trở về đời thường, những Giấy khen của Trung đoàn 9 về thành tích xuất sắc trong chiến đấu từ năm 1954 vẫn là những kỷ vật ông nâng niu và trân trọng nhất. Chia tay, những vần thơ ông đọc còn trong tâm trí tôi như một triết lý tất yếu về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc: “Bay thua, ta thắng diệu kỳ/ Vì bay xâm lược vậy thì phải thua/ Còn ta, đường thẳng, lẽ công / đất ta, ta giữ chẳng chòng ghẹo ai…