Lịch sử ngày môi trường thế giới 05 tháng 6

07:21, 31/05/2013

Đại Hội đồng Liên hợp quốc sáng lập Ngày Môi trường thế giới vào năm 1972, đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về Môi trường và Con người (5/6/1972). Đây cũng là ngày Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ra đời.

Hàng năm, vào Ngày Môi trường thế giới 5/6, Đại Hội đồng Liên hợp quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm chính thức với mục đích tập trung sự chú ý của toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường, khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP để tổ chức trọng thể các hoạt động quốc tế về bảo vệ môi trường. Chủ đề, khẩu hiệu và logo của Ngày Môi trường thế giới sẽ được chuyển tải thông qua các tài liệu tuyên truyền cũng như các hoạt động hưởng ứng sự kiện trên toàn cầu.

 

 

Các hoạt động tổ chức Ngày Môi trường thế giới rất đa dạng, phong phú. Ngày Môi trường thế giới chính là “sự kiện của người dân” tham gia các hoạt động như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp; tổ chức các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về môi trường; phát động chiến dịch trồng cây xanh, các chiến dịch khuyến khích tái chế chất thải và làm sạch môi trường; tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn về chủ đề gìn giữ sự trong lành của môi trường vì lợi ích của các thế hệ mai sau...

 

Ngày Môi trường thế giới còn là cơ hội để ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế về lĩnh vực môi trường. Các công chức địa phương, vùng và chính phủ, các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng môi trường sẽ đưa ra các công bố và cam kết chăm sóc trái đất của chúng ta.

 

Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên phạm vi cả nước.