Mang đến nụ cười cho người dân

08:20, 29/05/2013

Đó là phương châm hoạt động của bộ phận “một cửa” thị trấn Ba Hàng. Nhờ làm tốt phương châm này mà Ba Hàng trở thành địa phương đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng cán bộ, viên chức bộ phận "một cửa" ở đây đã cố gắng tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đến giải quyết công việc.

Chúng tôi chứng kiến anh Nguyễn Thanh Hà và chị Ngô Thị Thu Hà - cán bộ tư pháp, hộ tịch giúp một phụ nữ của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Yên Bình sắp xếp lại các văn bản bị lẫn số trang trước khi chứng thực. Vừa làm, hai người vừa động viên cán bộ của Công ty hãy bình tĩnh và yên tâm vì họ sẽ cố gắng trong 30 phút sẽ giải quyết xong cho chị. Hỏi chuyện, tôi được chị Đặng Thị My, người đi chứng thực các văn bản cho biết: Nhiều lần đến đây giao dịch, tôi đều thấy rất hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ thị trấn. Cuối tháng 2 vừa qua, tôi cũng đến chứng thực 2.400 bản (trên cơ sở 400 bản gốc), cần lấy ngay 800 bản, còn lại có thể lấy vào ngày hôm sau. Lập tức, lãnh đạo UBND thị trấn đã huy động 6 cán bộ cùng giải quyết, người đóng dấu, người ghi sổ... Còn chị Nguyễn Thị Song Hạnh, ở Tiểu khu 6, thị trấn Ba Hàng đến giao dịch tại phòng Địa chính - Xây dựng nói: Tôi đến xin cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được các cán bộ hướng dẫn giải quyết nhanh gọn. Sau một tuần tôi đã hoàn thiện các thủ tục và nhận "sổ đỏ" (trước đây phải đi lại 3-4 lần và hơn 10 ngày mới xong).

 

 

Nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, làm cho TTHC trở nên gọn nhẹ, dễ tiếp cận cũng như thực hiện để mang lại lợi ích chính đáng cho người dân, cho doanh nghiệp là quan điểm chỉ đạo của UBND thị trấn Ba Hàng để làm tốt công tác CCHC. Mặc dù 2 năm qua, số cán bộ làm ở bộ phận "một cửa" thiếu (vì có cán bộ nghỉ chế độ thai sản; luân chuyển công tác), lượng công việc nhiều (một tháng, trung bình bộ phận "một cửa" giải quyết gần 2.000 thủ tục) nhưng các TTHC của cá nhân, tập thể đến giao dịch đều được giải quyết nhanh, không để hồ sơ tồn đọng. Năm 2012, thị trấn đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC.

 

Nói về vấn đề này, ông Lê Danh Khiêm, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Chúng tôi quan niệm, bộ phận "một cửa" không chỉ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC mà còn là nơi củng cố lòng tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi vậy lãnh đạo thị trấn đã quán triệt tới đội ngũ cán bộ làm ở bộ phận "một cửa" phải thực hiện nghiêm túc phương châm: "Mang đến nụ cười cho người dân".

 

- Chị đã thực hiện phương châm "Mang đến nụ cười cho người dân" như thế nào? -Tôi hỏi chị Quan Thị Luyến cán bộ địa chính - xây dựng.

 

Chị cho biết: Nhiều khi người dân vì bức xúc liên quan trong lĩnh vực đất đai, đến trụ sở "xả giận" nhưng chúng tôi vẫn phải bình tĩnh lắng nghe, rồi giải thích để họ hiểu. Đồng thời báo cáo cấp trên chỉ đạo và nhanh chóng giải quyết cho họ.

 

Đạt được thành công trong công tác CCHC, "bí quyết" của thị trấn Ba Hàng còn là quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, trình độ để tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, TTHC trên tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo UBND thị trấn luân phiên trực các ngày trong tuần nhằm đảm bảo giải quyết nhanh gọn cho người dân và kiểm tra, đôn đốc hoạt động này đúng quy trình. Hằng tuần, nội dung giao ban cơ quan đều dành riêng thời gian để kiểm điểm các mặt ở bộ phận "một cửa". Gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thị trấn xây dựng quy tắc văn hóa ứng xử chung của cán bộ cơ quan dán công khai ở các phòng làm việc, yêu cầu các cán bộ thực hiện. Thị trấn cũng có cơ chế tạo điều kiện thu hút, hợp đồng với cán bộ có trình độ chuyên môn, am hiểu công việc thuộc lĩnh vực đảm nhiệm. Đồng thời xử lý một số cán bộ, công chức chưa chấp hành thời gian làm việc nghiêm túc, còn có biểu hiện sách nhiễu người dân bằng cách nhắc nhở trước cơ quan, hạ thi đua. "Qua đó, làm gương cho những cán bộ khác" - đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn Ba Hàng khẳng định.

 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong CCHC nhưng những cán bộ làm ở bộ phận "một cửa" của UBND thị trấn Ba Hàng vẫn băn khoăn. Chị Ngô Thị Thu Hà, cán bộ tư pháp, hộ tịch nói: Là thị trấn trung tâm, gần các cơ quan hành chính của huyện nên số lượng người dân đến chứng thực đông, trung bình một tháng trên 1.000 lượt. Bộ phận "một cửa" chưa liên thông nên chúng tôi phải chạy đi chạy lại lấy chữ ký, xin đóng dấu vất vả và mất thời gian của người dân. Có khi, người dân đến đông quá, chúng tôi chỉ xin chữ ký lãnh đạo rồi phiền họ sang bên văn phòng chờ đóng dấu.

 

Còn đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn trăn trở: Hiện, tổng diện tích cả trung tâm hành chính thị trấn chưa đầy 1.000m2, bộ phận "một cửa" là những phòng làm việc chỉ có khoảng 10m2 và không "liên thông". Trụ sở UBND được xây dựng từ năm 1991, năm 2004 có sửa sang lại nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Nhất là từ ngày 1/5 này, thị trấn Ba Hàng cùng 8 xã, thị trấn khác trên địa bàn tỉnh thực hiện Đề án thí điểm tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo cơ chế một cửa liên thông ở lĩnh vực đất đai. Năm 2012, thị trấn đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng trung tâm hành chính mới với diện tích trên 2.650m2 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì thiếu nguồn ngân sách phân bổ...