Trung ương đã xác định Thái Nguyên là trung tâm vùng về y tế của các tỉnh miền núi phía Bắc và tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế khu vực các tỉnh vùng Đông Bắc, giai đoạn 2006-2010. Mặc dù đã nỗ lực nhưng sau 7 năm thực hiện Đề án này, nhưng ngành Y tế của tỉnh chưa cáng đáng được nhiều nhiệm vụ về chuyên môn để phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên thể hiện rõ vai trò là trung tâm vùng. Riêng về nguồn lực con người phục vụ công tác chuyên môn của ngành lại rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng nhưng lại quá thừa cán bộ có trình độ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành y...
Hiện nay, mỗi năm ngành Y tế tỉnh ta tăng thêm hơn 100 giường bệnh, với nhu cầu cần tuyển dụng mới khoảng 140 cán bộ y tế. Trong số cán bộ cần tuyển mới này có 40% là bác sĩ, còn 60% là cán bộ phục vụ điều trị (như: điều dưỡng viên, kỹ thuật viên… Với nhu cầu thực như vậy, học sinh phổ thông trong tỉnh nên cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn ngành nghề để khi ra trường tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn… |
Kỳ I: Chuyện thiếu - thừa nguồn nhân lực
Bác sĩ - tuyến nào cũng thiếu
Phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) tuy đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế nhưng hiện nay trong tổng số biên chế của đơn vị vẫn chưa có bác sĩ phục vụ công tác chuyên môn hàng ngày. Y sĩ Đỗ Minh Trà, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trưng Vương cho biết: "Trạm chúng tôi luôn mong có 1 bác sĩ về làm việc vì trong quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân có nhiều nghiệp vụ trình độ của bác sĩ thực hiện sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Trước đây, Trạm có một bác sĩ của Trung tâm Y tế thành phố về tăng cường nhưng sau đó cấp trên lại rút về Trung tâm. Năm 2010, Trạm mới được tiếp nhận một bác sĩ ở trạm y tế khác chuyển đến, nhưng chưa được 2 năm lại xin chuyển công tác đi nơi khác”.
Mặc dù là trung tâm của tỉnh, nhưng nhu cầu bác sĩ thực hiện công tác chuyên môn tại các trạm y tế của T.P Thái Nguyên luôn trong tình trạng thiếu, mất ổn định, đến nay vẫn còn 4 trạm y tế chưa có bác sĩ. Ông Trương Bế Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố thông tin: “Đã 5 năm nay, Trung tâm luôn ở tình trạng thiếu bác sĩ vì nhiều bác sĩ cũ chuyển công tác hoặc đến tuổi nghỉ hưu, người mới lại không tuyển dụng được. Có đợt, chúng tôi thông báo tuyển dụng bác sĩ cả tháng trời mà không có người nào đến nộp hồ sơ. So với nhu cầu thực tế, Trung tâm đang thiếu ít nhất là 10 bác sĩ”.
Đối với các huyện, thị khác trong tỉnh, tình trạng thiếu bác sĩ ở y tế tuyến cơ sở càng trầm trọng hơn, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn khó khăn. Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho hay: “Toàn huyện còn thiếu 22 bác sĩ ở tuyến xã, 5 bác sĩ ở Trung tâm Y tế và 20 bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện. Tuyển dụng bác sĩ về huyện công tác thì khó nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây lại có 20 bác sĩ ở đây chuyển công tác đi nơi khác...”. Đối với Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình hiện có 140 giường bệnh nhưng cũng chỉ có 20 bác sĩ và để đáp ứng được yêu cầu công việc thì cần tuyển thêm 9 bác sĩ nữa. Được biết, để giải quyết được khối lượng công việc hàng ngày, một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện phải động viên và ký hợp đồng với bác sĩ của đơn vị đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục ở lại làm việc hoặc điều chuyển các bác sĩ từ trạm y tế xã lên hỗ trợ tuyến trên (như vậy tuyến xã lại mất bác sĩ).
Thiếu bác sĩ không chỉ xảy ra ở tuyến y tế cơ sở mà ngay cả ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương trên địa bàn (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên), nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để tuyển dụng, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Tuyến tỉnh hiện có 8 bệnh viện, tất cả đều có nhu cầu tuyển dụng bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ cho các bệnh viện chuyên ngành (như: Mắt; Lao và bệnh phổi, Y học cổ truyền; Tâm thần). Bên cạnh đó, mặc dù không nằm trong hệ thống quản lý của ngành Y tế nhưng các trung tâm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thực hiện công tác khám, điều trị bệnh như: Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (nay là Bệnh viện); Trung tâm Điều dưỡng người có công; Phục hồi tâm thần kinh; Trung tâm 05-06; Trung tâm Phục hồi người nghiện ma túy sau cai… cũng đang có nhu cầu tuyển dụng tới 20 bác sĩ. Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “So với nhiều tỉnh trong cả nước, các đơn vị trực thuộc Sở hiện nay đều đã có bác sĩ làm công tác quản lý hoặc chuyên môn. Nhưng theo định mức còn thiếu và tính về lâu dài thì cần phải bổ sung vì khối lượng công việc chuyên môn tăng nhanh qua từng năm”. Đó là chưa kể các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa An Phú, Bệnh viện Đa khoa trung tâm có hàng trăm giường bệnh thực hiện điều trị nội trú nhiều năm nay nhưng cũng chỉ mời được những bác sĩ đã nghỉ hưu đến làm việc.
Theo dự báo của Sở Y tế, giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ có 87 bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh quản lý nghỉ chế độ theo quy định, một số bác sĩ xin chuyển công tác ra ngoài tỉnh vì điều kiện gia đình hoặc bị “thuyết phục” bởi mức lương cao, điều kiện công tác tốt. Như vậy, số bác sĩ cần tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh và thực hiện nhiệm vụ y tế của vùng sẽ lên đến con số cả nghìn người trong 10 năm tới.
Dư thừa nguồn cán bộ phục vụ điều trị
Trong khi số lượng bác sĩ đang rất thiếu thì lực lượng phục vụ điều trị (bao gồm các chức danh: điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh…) hiện nay trên địa bàn tỉnh lại dư thừa tới trên 3.000 người (số liệu dựa trên cơ sở số sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên được đào tạo ra trường hàng năm và nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh). Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên hiện đang đào tạo khoảng 5.000 sinh viên các hệ (10 mã ngành khác nhau) với trình độ từ trung cấp đến cao đẳng và năm học 2013-2014, Trường tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo 1.250 sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng (số thí sinh đăng ký dự thi năm học 2013-2014 đã lên đến trên 4.000). Tất nhiên, số sinh viên là người Thái Nguyên đang học tập tại Trường chỉ chiếm khoảng 20% (mỗi năm tỉnh chỉ cấp kinh phí đào tạo cho 200 chỉ tiêu), còn lại là sinh viên đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Việc Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên mở rộng đào tạo đã bổ sung nguồn nhân lực phục vụ điều trị rất phong phú để các cơ sở y tế trên địa bàn “thỏa sức” tuyển chọn. Thêm lợi ích nữa là với vài nghìn sinh viên của Trường đã góp phần phát triển dịch vụ, thương mại tại các phường, xã phía Tây của T.P Thái Nguyên; đồng thời tạo nguồn thu để Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị... trong khi nguồn kinh phí của tỉnh cấp hàng năm còn hạn chế. Tuy nhiên, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng đã tạo ra sức ép rất lớn trong giải quyết việc làm (đúng chuyên môn) và các vấn đề xã hội khác. Theo ông Nguyễn Quyết Tâm, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ: “Số lượng sinh viên học chuyên ngành y hệ trung cấp, cao đẳng đào tạo ra quá lớn trong khi nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 15%. Đây là sự lãng phí rất lớn đối với xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của nhiều sinh viên, vì khi tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành Y mà không xin được việc làm đúng chuyên môn thì các em buộc phải học lại nghề khác hoặc làm trái nghề”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Phú cho biết: “Rất bất cập khi chúng tôi tuyển bác sĩ chính quy thì không có người nộp hồ sơ, đơn vị phải mời những bác sĩ đã nghỉ hưu vào làm việc, còn khi tuyển 3 điều dưỡng viên thì lại có tới 120 hồ sơ xin việc, do đó chúng tôi phải tổ chức thi tuyển làm nhiều vòng. Sự bất hợp lý trong đào tạo nguồn nhân lực phần nào ảnh hưởng đến lộ trình phát triển của đơn vị…”. Cũng vì cung vượt quá cầu nên tình cảnh sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng y phải làm trái ngành diễn ra khá phổ biến, như: bán cơm bụi, mở cửa hàng tạp hóa, làm công nhân may hay nhiều nghề khác ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Nói như vậy không có nghĩa là việc dư thừa sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành y trên địa bàn tỉnh do “lỗi” của cơ sở đào tạo, vì quyền lựa chọn ngành nghề thuộc về người học. Mặt khác, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên lại là cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đánh giá cao về năng lực, chất lượng đào tạo, cạnh tranh được với nhiều cơ sở cùng chuyên ngành của các tỉnh phụ cận để thu hút sinh viên (tỷ lệ “chọi” để thi đầu vào của Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên là 4/1, trong khi nhiều trường không tuyển sinh được). Vậy phải chăng là việc tư vấn ngành nghề cho học sinh phổ thông còn khiếm khuyết và thông tin về nhu cầu sử dụng số cán bộ có trình độ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành Y trong hệ thống cơ sở y tế của tỉnh chưa được dự báo, công báo rộng rãi. Vì những điều này mà rất nhiều học sinh phổ thông chọn nghề Y nhưng không hề nghĩ tới nhu cầu thực của xã hội và định hướng sau khi tốt nghiệp mình sẽ làm gì, ở đâu?
Chị Nghiêm Thị T., tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên khóa 1999-2002 tâm sự: “Tôi tốt nghiệp ra trường, xin làm hợp đồng ở một cơ sở y tế công lập của tỉnh nhưng đến năm 2004 thì phải nghỉ việc vì không thi được vào biên chế. Từ đó đến nay, tôi ở nhà mở cửa hàng tạp hóa và tấm bằng Trung cấp Y giờ để làm kỷ niệm vì cơ hội xin được việc làm đúng chuyên môn tại các cơ sở y tế bây giờ rất khó”. Cách đây khoảng 5 năm, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng y tế đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc cần số lượng lớn nên một số cơ sở đào tạo cũng hướng đầu ra cho sinh viên theo hướng này (có trên 700 sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đã đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan). Nhưng đến nay, nhu cầu của phía bạn đã giảm và vì có nguy cơ gặp rủi ro nên sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng chuyên ngành Y cũng ít mặn mà với việc xuất ngoại tìm việc làm.
Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai: “Từ năm 2008 đến nay, đơn vị chưa tuyển dụng được bác sĩ nào nên ngoài 2 bác sĩ làm công tác quản lý, chỉ còn 3 bác sĩ thực hiện công tác chuyên môn. Một số khoa như: Y tế cộng đồng; Truyền thông Giáo dục sức khỏe; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Xét nghiệm - Dược đều không có bác sĩ phụ trách. Vì thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao nên việc triển khai các chương trình hoạt động chuyên môn lớn hàng năm của đơn vị gặp nhiều khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn còn hạn chế”.
Chị Bùi Thị Vân Anh, ở thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai: “Tôi tốt nghiệp hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên đã 2 năm nay nhưng chưa xin được việc làm phù hợp với chuyên môn, đành làm nhân viên tiếp thị cho một doanh nghiệp tại T.P Thái Nguyên. Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ được một cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh tuyển dụng vào biên chế để đem kiến thức đã được học phục vụ người bệnh”. |