Nguồn nhân lực ngành Y tế: Chỗ “căng”, chỗ “chùng” (Kỳ II)

08:05, 24/05/2013

Thái Nguyên được coi là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về y tế vì có Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên), nhưng bài toán thiếu bác sĩ phục vụ cho công tác chuyên môn vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Văn Tư, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên và nhận được thông tin: “Số thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên trúng tuyển vào hệ đào tạo bác sĩ chính quy của Trường hàng năm đều cao nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc và mỗi năm có từ 60 - 70 bác sĩ trẻ người Thái Nguyên tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, địa phương lại chưa có chính sách ưu đãi đặc thù để giữ chân được nhiều bác sĩ trẻ ở lại địa phương công tác”.

Kỳ II: Ưu đãi để tuyển dụng và chủ động đào tạo

 

Qua thông tin chúng tôi thu thập được từ một số cán bộ công tác lâu năm trong ngành Y tế tỉnh thì nhiều cơ sở y tế công lập, tư nhân ngoài tỉnh đã và đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút bác sĩ về công tác, như: Bệnh viên Đa khoa Kinh Bắc (Bắc Ninh) đã hỗ trợ khoản kinh phí lên tới 60 triệu đồng/người cho bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy (từ loại khá trở lên) khi cam kết công tác lâu dài tại đơn vị; các cơ sở y tế công lập của tỉnh Yên Bái, Phú Thọ cũng đã mời đón bác sĩ về tỉnh công tác bằng cách xét tuyển ngay vào biên chế Nhà nước, hỗ trợ nhà ở (đối với những bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn từ chuyên khoa cấp I, cấp II) và tạo cơ hội được học tập nâng cao trình độ. Đối với một số bệnh viện tư nhân ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, ngoài mức lương hậu hĩnh cho bác sĩ chính quy đạt học lực khá, giỏi các chuyên ngành “hiếm” (như: ngoại, răng hàm mặt, chẩn đoán hình ảnh…) với mức 10 đến 15 triệu đồng/người/ tháng, còn cấp học bổng hàng trăm triệu đồng cho một số bác sĩ tiếp tục ra nước ngoài tu nghiệp, sau đó bệnh viện sẽ sử dụng lâu dài. Có thể vì những chính sách đặc thù này đã dẫn tới xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” đối với các đơn vị y tế công lập của tỉnh, nhiều sinh viên người Thái Nguyên tốt nghiệp đại học chuyên ngành y khoa ra trường không mặn mà ở lại quê hương công tác. Đồng chí Đào Xuân Soạn, Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên chia sẻ: “Theo quy chuẩn của Bộ Y tế, đơn vị chúng tôi đang thiếu trên 100 bác sĩ các chuyên khoa nhưng việc tuyển dụng tương đối khó. Về chính sách ưu đãi đặc thù, Bệnh viện không thể tự ý xây dựng quỹ để thu hút bác sĩ khi không có sự hỗ trợ, cho phép của cấp trên…”. Do vậy, đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh nên xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù có tính khả thi, cạnh tranh để thu hút bác sĩ có chuyên môn giỏi về tỉnh công tác, nhất là với những sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh tốt nghiệp đại học y chính quy loại khá, giỏi yên tâm ở lại địa phương công tác.

 

Riêng về công tác đào tạo cán bộ y tế trình độ đại học phục vụ công tác chuyên môn trong các cơ sở y tế công lập của tỉnh hiện nay cũng đang vướng mắc vì chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên có giới hạn. Hệ đào tạo bác sĩ theo địa chỉ lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chặt chẽ, hiện chỉ ưu tiên cho các tỉnh vùng Tây Bắc (đối với khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc) nên việc tỉnh đề nghị đào tạo 100 chỉ tiêu bác sĩ theo địa chỉ trong năm học 2012-2013 đã không được chấp thuận. Vẫn theo PGS, TS Nguyễn Văn Tư: “Đào tạo sinh viên các chuyên ngành y khoa không giống với các ngành nghề khác vì phụ thuộc vào số giường bệnh và trang thiết bị để sinh viên thực hành, nên mỗi năm đơn vị chỉ đào tạo 1.500 chỉ tiêu hệ chính quy, khoảng 700 chỉ tiêu hệ tại chức và 200 chỉ tiêu hệ theo địa chỉ. Với giới hạn về chỉ tiêu như vậy, nếu muốn tổ chức đào tạo riêng cho Thái Nguyên một số lớp chuyên ngành y khoa thì tỉnh nên sớm làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi được cấp trên phân giao thêm chỉ tiêu, Nhà trường sẽ tận dụng các nguồn lực để cùng giải bài toán thiếu nguồn nhân lực y tế cho tỉnh”.

 

Về phía các ngành chuyên môn đã tham mưu với tỉnh các giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực con người cho ngành Y tế bằng cách đa dạng hóa loại hình đào tạo, cử các đoàn công tác đến  một số tỉnh để học tập kinh nghiệm về xây dựng chính sách thu hút cán bộ y tế có trình độ cao và giảm phần kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y hệ trung cấp. Ông Chu Hồng Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Tính về tỷ lệ bác sĩ trên số giường bệnh và nhu cầu khám, điều trị bệnh của nhân dân thì tỉnh ta đang thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, do đặc thù đào tạo các chuyên ngành y phải kéo dài trong chu trình 4 đến 6 năm nên vấn đề thiếu bác sĩ của tỉnh sẽ được khắc phục dần dần. Ngoài Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo ở Hà Nội hỗ trợ đào tạo các chuyên ngành y khoa cho tỉnh. Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang thiếu bác sĩ và có nhiều chính sách ưu đãi trong tuyển dụng, chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành trong tỉnh cần quan tâm nhiều hơn nữa để công tác đào tạo, thu hút cán bộ, nhân viên phục vụ ngành Y tế được thuận lợi. Riêng về nguồn cán bộ phục vụ điều trị, quả đúng là có chuyện dư thừa những người có trình độ trung cấp y. Nhưng hiện nay, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đã chuyển hướng tăng tỷ lệ đào tạo các mã ngành hệ cao đẳng, tổ chức đào tạo lại, tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ hệ điều trị thuộc các đơn vị y tế công lập của tỉnh ”.

 

Vấn đề thiếu nguồn nhân lực phục vụ ngành Y tế của tỉnh nếu không được giải quyết triệt để thì ngay nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh còn chưa đáp ứng được đầy đủ theo yêu cầu, lộ trình đề ra của Bộ Y tế, chưa nói đến việc “góp sức” để cùng với các tỉnh phụ cận và các đơn vị thuộc Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ của trung tâm vùng về y tế lại càng khó... Thực ra, bài toán này đã có hướng giải, vấn đề quan trọng và cấp thiết đặt ra hiện nay là biện pháp, cách thức thực hiện như thế nào cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.

   

        

 

Ông Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A (Sở Y tế): “Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một bệnh viện tuyến tỉnh, đơn vị chúng tôi còn có nhiệm vụ phát triển chuyên khoa sâu về sản, nhi để trở thành trung tâm khám, điều trị trong lĩnh vực này của cả vùng Đông Bắc. Để làm được điều này, ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng, chúng tôi đề nghị được tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí để tuyển thêm khoảng 30 bác sĩ, nhất là những bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa cấp I, cấp II”.

 

 

 

Ông Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên: “Mục tiêu của Nhà trường là phát triển thành đại học điều dưỡng trực thuộc tỉnh nhưng thực hiện đào tạo nguồn cán bộ cho cả vùng Đông Bắc. Đơn vị đang giảm dần đào tạo hệ trung cấp, tăng dần tỷ lệ đào tạo hệ cao đẳng, tiến tới đào tạo hệ đại học. Nhà trường đã xếp thứ 3 toàn quốc về năng lực, chất lượng đào tạo 10 mã ngành trình độ trung cấp, cao đẳng, 80% số sinh viên đang học tập tại Trường là người ngoài tỉnh…”.