Khoảng 20.000 lao động Việt Nam đang bỏ trốn ở Đài Loan, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động chủ lực này đã thấy trước mắt.
Hạn chế cấp visa
“Đừng quá lạc quan việc Đài Loan dừng cấp visa đối với lao động Philippines sẽ làm tăng số lượng lao động Việt Nam vào Đài Loan. Chúng ta cũng đang đối mặt nguy cơ mất thị trường này vì số lượng lao động bỏ trốn cao”. Một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH, cảnh báo.
Theo thống kê của Tổng cục Xuất nhập cảnh và Di dân Đài Loan, tỉ lệ lao động nước ngoài bỏ trốn ở Đài Loan hiện chiếm trên 8%. “Có nhiều giải pháp chống trốn của cả bên tiếp nhận và bên cung ứng được triển khai song tình hình vẫn chậm được cải thiện” - báo cáo của cơ quan trên nhận định.
Các số liệu thống kê còn cho biết nếu như năm 2011, số lượng lao động bỏ trốn ở Đài Loan là 8.000 người thì đến giữa tháng 5-2013 đã vượt ngưỡng 20.000 người, chiếm 21,5% tổng số lao động đang làm việc theo hợp đồng (93.000 người). “May mắn là đến thời điểm này, Đài Loan chưa áp dụng biện pháp cứng rắn với Việt Nam, nếu không chúng ta đã bị dừng tiếp nhận lao động” - một cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước nói. Tuy nhiên, theo cán bộ này, do tình hình bỏ trốn chưa được cải thiện, hiện Đài Loan đã áp dụng biện pháp hạn chế cấp visa đối với lao động Việt Nam. Hồ sơ của người lao động (NLĐ) được kiểm tra kỹ và mất nhiều thời gian mới được thẩm định cấp visa lao động.
Không để mất thị trường
Đài Loan là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất của Việt Nam với khoảng 35.000 người/năm, chiếm 35%-45% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Song, đây cũng là thị trường lộn xộn nhất mà thời gian qua Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước phải tập trung chấn chỉnh.
Vừa qua, 67 doanh nghiệp (DN) có giấy phép đưa lao động vào Đài Loan đã mở quá nhiều cơ sở, chi nhánh, đầu mối trung gian và để cho các cá nhân, tổ chức môi giới nước ngoài núp bóng tuyển chọn, thu phí của NLĐ. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết để khắc phục tình trạng này, cục chỉ cho phép những DN có giấy phép đưa lao động vào Đài Loan liên kết với một DN XKLĐ khác để tuyển chọn lao động, nghiêm cấm tuyển dụng tràn lan, cho công ty môi giới Đài Loan mượn giấy phép. Bên cạnh đó, các DN chỉ được thu phí tối đa 4.500 USD/lao động làm việc ở nhà máy và 3.800 USD/lao động làm việc ở lĩnh vực chăm sóc người bệnh, trong đó phí môi giới không quá 1.500 USD/người. “Nếu phát hiện DN nào để công ty môi giới núp bóng và thu phí cao, chúng tôi sẽ đình chỉ hợp đồng, kiến nghị cơ quan chức năng Đài Loan rút giấy phép” - ông Quỳnh cho biết.