Nhanh một phút, chậm một đời

08:31, 28/05/2013

Chiếc xe taxi đột ngột dừng lại ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, mọi người có mặt ở đó cùng hướng mắt nhìn lại, cánh cửa xe mở toang, 1 người áo quần loang lổ bết đỏ máu, chân tay nhũn ra được mấy người thân xúm lại, lóng ngóng khiêng thẳng vào phòng cấp cứu của Bệnh viện.

Bác sĩ Lê Văn Bằng, Phó Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, cho biết: 34 năm công tác ở bệnh viện, trực tiếp cấp cứu hàng vạn bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não, bị gẫy cổ, gẫy xương sống... vì tai nạn giao thông. Trong số đó, nhiều trường hợp phải sống phần đời còn lại trên xe lăn, hoặc ở trạng thái dở tỉnh dở mê, thậm chí phải sống đời thực vật.

 

 

Bác sĩ Bằng đưa tôi đi thăm một số phòng có bệnh nhân do tai nạn giao thông đang điều trị. Dọc hành lang bệnh viện, người nhà bệnh nhân uể oải vì những đêm mất ngủ, vì lo lắng cho số phận của người thân đang mê man bất tỉnh trên giường bệnh. Ông Nguyễn Văn Phú (Phổ Yên) cho biết: Con trai tôi bị tai nạn xe máy trên đường đi làm về. Cháu đi vội vì phải chạy cơn mưa nên đâm vào hòn đá, bị đập đầu xuống đất, bất tỉnh.

 

Thấy ông Phú rân rấn nước mắt, tôi ái ngại nhìn vội qua cửa sổ phòng điều trị bệnh nhân gần đó, nghe rõ tiếng rên khe khẽ vì đau đớn của 1 người đàn ông. Chị Nguyễn Thị Học (Quang Vinh, T.P Thái Nguyên) thở dài nói một mình: Chắc bây giờ hết thuốc mê, thuốc tê mới thấy đau.

 

Chồng chị Học là anh Vũ Hồng Hải, 41 tuổi, làm nghề lái xe ủi. Chiều tối ngày 24/5, trên đường đi làm về bằng xe máy, anh Hải bị một chiếc xe ô tô chồm vào từ phía sau. Thấy anh nằm sõng xoài, bất tỉnh, người lái xe hoảng quá, đạp ga chạy mất. Bà con nhân dân quanh đó vội gọi xe taxi đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Ngoài 12 mũi khâu trên khuôn mặt, chân, tay và nhiều chỗ trên cơ thể của anh Hải bị trầy xước thảm hại. Chị Học thở dài: Hôm nay (27/5)  là 4 hôm em phải bỏ bê công việc để vào bệnh viện chăm nom chồng. 3 đứa con nhỏ phải mang gửi ông bà nội.

 

Chưa bàn chuyện ai đúng, ai sai, nhưng chắc chắn cả 2 bên liên quan đến vụ tại nạn đều bị thiệt hại cả về kinh tế lẫn tinh thần. Anh Hoàng Tuấn Bình, người lái xe ô tô đâm vào anh Hải cho biết: Tôi cũng chẳng biết là tại làm sao nữa. Lúc ấy, tôi đang lái xe, bất thình lình thấy cái rầm. Tôi đạp phanh, biết mình đã gây tai nạn. Hoảng quá, vội lái xe chạy về nhà trốn, rồi bảo vợ vào bệnh viện tạ lỗi với nạn nhân.

 

Nằm điều trị cạnh anh Hải là ông Phạm Nam Văn, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương). 83 tuổi, nhưng ông Văn vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông kể: Hôm đó, tôi lên huyện làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thân. Trên đường về, chỉ còn 2 cây số nữa là đến nhà, tôi đang đạp xe thì một chiếc xe máy từ trong ngõ lao ra, đâm vào bánh sau khiến tôi ngã lăn ra đường. Tôi không bị gẫy chân, tay hay bị chảy máu đầu, tôi nghĩ mình không sao nên dắt xe đến nhà người quen nhờ sửa. Nhưng nửa tiếng sau tôi thấy choáng váng không đứng nổi, khi đó tôi mới dám bảo người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hôm đó, ngày 20/5, đến nay (27/5) đã 8 hôm tôi nằm trong bệnh viện, ngày nào cũng thấy y tá vào tiêm, truyền song chẳng nói tôi bị như thế nào, thuốc thang ra sao, khả năng bao giờ xuất viện. Bà Nguyễn Thị Thoa, vợ ông Văn phàn nàn: Chồng bị tai nạn giao thông, tôi phải theo vào bệnh viện phục vụ. Mong ông chóng khỏi để về nhà.

 

Một bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào bệnh viện cấp cứu, theo đó có rất nhiều người thân kéo vào bệnh viện để thăm nom, nuôi dưỡng... Bác sĩ Bằng cho biết thêm: Có ngày Khoa phải đón tiếp hơn 100 bệnh nhân có liên quan tới tai nạn giao thông. Một nửa trong số này phải nằm lại điều trị. Có trường hợp nằm mê man bất tỉnh nửa tháng mới hé mắt, hỏi: Sao tôi lại nằm ở đây?Có rất nhiều lý do dẫn đến tai nạn giao thông, như uống rượu, bia; vô tình bị người khác va quệt phải hoặc do khi đang điều khiển phương tiện giao thông bị gia xúc, gia cầm chạy ngang đường, giật mình, phanh gấp, tự ngã hoặc đâm vào người khác...

 

Như trường hợp anh Lương Văn Sự, 16 tuổi, xóm Rừng Vần (La Bằng, Đại Từ) nằm thiêm thiếp trong phòng điều trị. Chị Lương Thị Giản, chị gái ruột của Sự mặt hốc hác sau 2 đêm mất ngủ (25, 26/5) kể: Sự làm nghề tự do, trên đường đi làm về bằng xe máy, do không nhìn rõ đường nên đã đâm phải hòn đá, ngã văng ra đất nên mọi người phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Để có tiền đặt trước tại phòng khám (yêu cầu của Bệnh viện), bố mẹ em phải bán vội mấy chục cân chè. Hiện giờ Sự đã qua cơn nguy hiểm.

 

 

Anh Nguyễn Phú, cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện cho chúng tôi biết những con số buồn: Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 3.000 bệnh nhân vào cấp cứu, chữa trị. Năm 2010 có 5.072 nạn nhân; năm 2011 có 1.991 nạn nhân; năm 2012 có 4.744 nạn nhân. Riêng 3 tháng đầu năm 2003, Bệnh viện tiếp nhận 1.140 nạn nhân vào Bệnh viện cấp cứu, trong đó có 522 nạn nhân bị chấn thương sọ não; 644 nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ. Đặc biệt, trong tai nạn giao thông, số người bị tai nạn do sử dụng rượu bia cao, năm 2010 có 52 trường hợp, năm 2011 có 64 trường hợp, năm 2012 có 171 trường hợp và 3 tháng đầu năm có 2013 có 84 trường hợp…