Sẵn sàng ứng phó với thiên tai

10:23, 23/05/2013

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2013, tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng nhiều hơn và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, huyện Phổ Yên đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm sẵn sàng ứng phó trong công tác phòng, chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT).

Để đảm bảo an toàn các công trình đê, kè, cống, hồ đập trước mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, huyện Phổ Yên đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình. Qua kiểm tra, huyện đã phát hiện 42 vụ vi phạm về các nội dung như: xây tường bao, đổ đất mặt đê để xây dựng lều quán, hàng rào trên thân đê... Huyện đã chỉ đạo xử lý, giải quyết được 12 vụ. Ngoài ra, trong tổng số 18,6/29,5km đê đã được cứng hoá, có một số đoạn mặt đê ở tuyến đê Chã đã bị xuống cấp, cần được gia cố. Trước thực tế trên, huyện Phổ Yên đã tiến hành gia cố mặt đê Chã tại vị trí K4+217 đến K5+074, khoan phụt vữa gia cố thân đê Chã; thay thế tấm bê tông mặt đê hỏng của tuyến đê Chã và đê Sông Công; thay máy đóng mở V5, cánh cống và nạo vét trục tiêu cửa ra cống số 6 đê Chã; phát quang mái đê, hành lang đê Chã, đê Sông Công...

 

Bên cạnh đó, hằng năm, huyện cũng thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các công trình hồ đập lớn như: Suối Lạnh - xã Thành Công, đập Hàm Rồng, đập Bến Đông, hồ Nước Hai, hồ Quyết Thắng, đập Hồng Phong, Hồng Cóc - xã Phúc Thuận, hồ Núi Chẽ - xã Minh Đức… Vì vậy, các hồ đập này đều đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Hệ thống trạm bơm tưới và bơm tiêu úng Cống Táo của huyện đã được sửa chữa nâng cấp đảm bảo hoạt động tốt để chống hạn và tiêu úng kịp thời cho cây trồng. Hiện, huyện đã dự phòng, chuẩn bị một số lượng lớn vật tư, phương tiện gồm 230 rọ thép, trên 22.200 bao tải, 1.000 cuốc, xẻng, trên 150 phao cứu sinh, 12.600m2 bạt chống sóng, 704m3 đá hộc... để chủ động ứng phó khi có mưa bão xảy ra.

 

 

Năm 2012, huyện Phổ Yên bị ảnh hưởng gián tiếp 8 cơn bão, gây ra mưa lũ và lốc xoáy. Hậu quả, 40 hộ dân tại các xã Trung Thành, Nam Tiến bị tốc mái nhà và công trình phụ; 5 phòng học của xã Tiên Phong và Trung Thành bị tốc mái, 65 cột điện ở xã Trung Thành bị đổ. Mưa bão cũng gây ngập úng 114ha lúa tại các xã Tân Phú, Đông Cao, Vạn Phái... Tuy nhiên, nhờ có sự chủ động, chỉ đạo sát sao, kịp thời và quyết liệt của Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các xã, thị trấn và các ban, ngành liên quan theo phương châm: “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Thành Đê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện Phổ Yên cho biết: Trong công tác PCLB của huyện năm 2012 vẫn còn tình trạng lấn chiếm vi phạm hành lang đê, kè và các công trình thuỷ lợi; phương án PCLB - GNTT của một số địa phương chưa đạt kết quả cao, chưa phù hợp với thực tế của đơn vị; công tác thông tin báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB - GNTT chưa thường xuyên, chưa kịp thời... Vì vậy, để công tác chỉ đạo, chỉ huy năm 2013 đạt kết quả tốt, chúng tôi đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy PCLB - GNTT để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng nội dung và đơn vị xã, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các đơn vị kiện toàn Ban chỉ huy PCLB - GNTT và xây dựng phương án PCLB - GNTT phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Đặc biệt, các địa phương phải đảm bảo liên lạc thông suốt 24/24 giờ trong những ngày có mưa bão và có sự liên kết, phối hợp ứng cứu kịp thời. Ngoài ra, huyện Phổ Yên còn tổ chức ký hợp đồng ứng cứu với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn như: Sư đoàn 312, Trung đoàn 209,Lữ đoàn 575, Viện Quân y 91. Huyện cũng đã kiện toàn lại đội ngũ thủ kè, thủ cống, các thành viên của 8 đội xung kích tuần tra canh gác đê trên 2 hệ thống đê thuộc sông Công, sông Cầu của huyện, cung cấp đầy đủ các loại trang cấp cho đội như: Đèn pin, cuốc, xẻng, xà beng. Cùng với đó là thường xuyên bảo dưỡng các máy bơm, trạm bơm, kênh tiêu úng, đáp ứng nhiệm vụ kịp thời khi mưa bão xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.

 

Đồng chí Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Đến thời điểm này, chúng tôi đã nhận được đầy đủ vật tư phòng chống lụt bão như: Phao cứu sinh, bạt dứa, dây thừng và cấp cho đội tuần tra canh gác đê gồm 16 người với quần áo mưa, cuốc, xẻng, đèn pin... để chủ động cho công tác PCLB. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn tăng cường công tác tuyên truyền tới các tổ chức hội đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… để thông qua đó giáo dục sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác PCLB; khi có bão lũ sẵn sàng tham gia đóng góp sức người, sức của để ứng cứu, ngăn chặn kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra.