au 1 tháng thực hiện Thông tư số 12/2013/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe (ĐKX), trong đó có cho phép các trường hợp mua bán xe qua nhiều đời chủ mà không tìm thấy người chủ đầu tiên, hay người chủ gần nhất có thể làm thủ tục ĐKX chính chủ, tại Thái Nguyên đã có gần 1.400 phương tiện được sang tên, trong đó có gần 200 trường hợp thuộc diện này được đăng ký. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều băn khoăn của người dân xoay quanh việc thực hiện Thông tư này. Để giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc, về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Hoàng Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh.
P.V: Xin ông cho biết tính ưu việt của Thông tư só 12/2013/TT-BCA đối với công tác đăng ký chuyển quyền sở hữu phương tiện hiện nay?
Thượng tá Hoàng Văn Ninh: Thông tư số 12 được Bộ Công an ban hành ngày 1/3/2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4, đã tháo gỡ cho người dân trong việc chuyển đổi ĐKX sang tên chính chủ, đồng thời sẽ giảm được lượng xe không chính chủ hiện nay. Thông tư số 12 đã giúp giải quyết được những vướng mắc khi đăng ký đối với các xe đã đăng ký và chuyển nhượng qua nhiều người nhưng không có giấy mua bán xe liên tục. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 20, của Thông tư quy định đối với trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng xe, cơ quan ĐKX tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên xe, kiểm tra đủ thủ tục quy định, thu giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; viết giấy hẹn cho người sử dụng xe. Giấy hẹn này có giá trị được sử dụng xe trong 30 ngày chờ cơ quan ĐKX trả kết quả. Cơ quan ĐKX gửi thông báo đến người đứng tên trong ĐKX biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan ĐKX, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu ĐKX. Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, nếu không có phản hồi gì, cơ quan ĐKX sẽ cấp biển số, giấy chứng nhận ĐKX cho người đang sử dụng xe.
P.V: Việc làm đăng ký cho những xe thuộc nhóm như trên liệu có chuyện sẽ hợp pháp hóa cho cả những xe phạm pháp, trôi nổi hiện nay không thưa ông?
Thượng tá Hoàng Văn Ninh: Có thể có những trường hợp người bị mất xe nhưng không trình báo với cơ quan công an nên những xe này sẽ không có trong danh mục xe trộm cắp, phạm pháp hoặc trong 30 ngày, người đứng tên trong đăng ký không có ý kiến phản hồi gì về tranh chấp tài sản thì cơ quan công an vẫn sẽ thực hiện làm thủ tục ĐKX. Nhưng việc cấp ĐKX cho các trường hợp này ít nhất cũng sẽ đưa ra một địa chỉ cụ thể để khi cần, cơ quan chức năng vẫn có thể truy tìm tang vật và thu hồi thay vì để trôi nổi trên thị trường mà không biết ai quản lý như hiện nay. Mặt khác, thông qua công tác đăng ký cho những xe thuộc diện này sẽ giúp cơ quan chức năng phát hiện ra những xe trộm cắp, phạm pháp để xử lý. Qua thực tế triển khai ĐKX chính chủ tại Thái Nguyên đã phát hiện ra một trường hợp xe có số khung, số máy trùng với dữ liệu tra cứu xe trộm cắp và 2 trường hợp các thông số trong ĐKX bị tẩy xóa. Những trường hợp này đang được cơ quan chức năng điều tra, xác minh để thu hồi xử lý theo quy định của pháp luật.
P.V: Nhiều người dân phàn nàn về việc phải đi lại nhiều lần mà vẫn chưa làm được thủ tục sang tên đổi chủ? Vậy cơ quan chuyên môn hướng dẫn như thế nào để người dân hiểu?
Thượng tá Hoàng Văn Ninh: Người dân cần hiểu và nắm rõ thủ tục làm hồ sơ sang tên đổi chủ theo quy định để không phải đi lại nhiều lần (Hồ sơ gồm: 1- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu được phát tại nơi đăng ký) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người sử dụng xe thường trú; 2 - Chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định; 3 - Giấy chứng nhận ĐKX, biển số xe (trường hợp bị mất giấy chứng nhận ĐKX hoặc biển số phải trình bày rõ lý do). Như vậy, người dân chỉ phải 3 lần đến cơ quan ĐKX, lần 1 lấy mẫu kê khai và nghe hướng dẫn cách làm, lần 2 nộp toàn bộ hồ sơ theo quy định và nhận giấy hẹn lấy ĐKX.
Hiện nay, việc cấp ĐKX, ngoài Phòng CSGT (Công an tỉnh) còn có Công an 6 huyện (Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên) đều có bộ phận tiếp nhận và thực hiện công tác này. Tại những đơn vị này đều được niêm yết công khai các thủ tục để người dân tiện theo dõi. Hiện nay, do lượng người dân đến làm thủ tục ĐKX tại các đơn vị rất đông, nhất là sau ngày 1/4/2013, khi lệ phí trước bạ đối với xe ô tô cũ dưới 9 chỗ giảm từ 10% xuống còn 2%, trong khi việc hướng dẫn kê khai và xác minh các dữ liệu về số khung, số máy... rất mất thời gian, nhất là với những xe chuyển từ tỉnh khác về nên người dân cần hiểu rõ để không bị “cò mồi” lôi kéo. Mặt khác, theo quy định người làm thủ tục sang tên đổi chủ phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký làm thủ tục, trường hợp ốm đau, bệnh tật không thể đi được thì phải có giấy ủy quyền cho người khác đi làm thay. Về lệ phí làm hồ sơ, chỉ từ 150 nghìn đến 1 triệu đồng/xe tuỳ loại phương tiện và địa giới hành chính (chưa bao gồm lệ phí trước bạ nộp tại cơ quan thuế). Mọi người dân nếu có thắc mắc không rõ về thủ tục, hoặc thấy có các biểu hiện tiêu cực khi làm ĐKX có thể điện thoại về đường dây nóng 02803 869.121 của Phòng CSGT (Công an tỉnh) có cán bộ trực 24/24h để tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!