Tai nạn đuối nước ở Phú Bình: Lời cảnh tỉnh chung

08:43, 21/05/2013

Đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ ngày xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh chết, cả thầy và trò Trường Tiểu học xã Nga My (Phú Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng. Không khí ảm đạm hiện rõ trên từng gương mặt thầy, trò. Và mỗi khi ai đó nhắc đến các em, mọi người đều không thể cầm được nước mắt…

Vụ tai nạn thứ nhất xảy ra ngày 9/5, tại xóm Quán Chè, nạn nhân là em Nguyễn Công Kiên, sinh năm 2006, học sinh lớp 1B. Khi đang ở nhà chăn vịt cùng bà, do sơ xẩy, em đã bị ngã xuống ao, không được phát hiện kịp thời nên em đã bị chết ngạt. Tin dữ này khiến người dân trong xã chưa hết xót xa thì ngay ngày hôm sau (10/5), 2 học sinh của lớp 3C (là các em Tạ Văn Hoàn, ở xóm Trại An Cầu và Tạ Văn Đoàn, ở xóm Cũ), lại bị chết đuối khi đang trên đường đến trường. Đau thương nối tiếp đau thương, nhiều người dân trong xã đã không thể cầm được nước mắt và cả những lo sợ cho tương lai của những đứa trẻ khi mà hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng xảy ra những vụ việc đuối nước chết người.

 

Có mặt tại lớp học 3C mới đây, hình ảnh 2 chỗ ngồi bị bỏ trống khiến chúng tôi nghẹn ngào. Thấy có khách lạ, các em đứng lên chào rất lễ phép, nhưng trên khuôn mặt cả cô và trò đều hiện rõ nỗi buồn khó tả. Sĩ số của lớp vốn là 32, giờ chỉ còn 30. Nhớ lại giây phút nhận được hung tin, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh xúc động: Tôi như chết lặng đi, chân tay run lẩy bẩy. Tôi không thể tin đó là sự thật. Vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ. Hôm đó học cả ngày nên các em đều để lại cặp sách ở lớp. Một số em chỉ về ăn cơm là đã đến nhà bạn rủ đi học - lúc đó chỉ khoảng 12 giờ kém, trong khi đó, giờ vào lớp là 1 giờ 30 phút. Nhóm học sinh hôm đó có gần 10 em. Khi đi qua khu vực sông Lấp (tên người dân vẫn gọi cho 1 khúc cong của con sông Cầu nhiều năm qua đã được uốn dòng chảy, lâu nay trở thành khu vực khai thác cát), các em dừng lại để chơi. Do khu vực này toàn cát nên em Dương Văn Hoàn bị sạt rơi xuống nước. Thấy bạn bị nạn, em Tạ Văn Hoàn liền xuống để giúp bạn nhưng lại không thể đưa được bạn lên bờ. Thấy 2 bạn gặp nguy hiểm và kêu cứu, 2 em Tạ Văn Đoàn và Dương Mạnh Hùng cũng xuống để giúp bạn. Nước sâu ngập đầu trong khi các em lại còn nhỏ nên cả 4 em đều rơi vào tình trạng nguy hiểm. Thấy vậy, các bạn ở trên bờ vội vàng kêu la và chạy tìm người cứu. Lúc này, em Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1997, người dân trong xóm đi ngang qua thấy vậy liền nhảy xuống và cứu được 2 em. Biết còn 2 em nữa, Trọng bơi ra giữa vùng nước để tìm nhưng không được. Lúc này, nhiều người dân cũng đã có mặt để tìm kiếm nhưng khi đưa được lên bờ thì các em đã vĩnh viễn ra đi. Em Phạm Minh Long, người ngồi cùng bàn với em Đoàn buồn rầu: Cháu rất nhớ các bạn. Giờ thì cháu không còn được ngồi học với 2 bạn ấy nữa rồi.

 

Không khí tang thương bao trùm lên nhiều xóm ở Nga My trong buổi chiều hôm đó và cả những ngày sau. Bà Đặng Thị Lại, xóm Trại An Cầu, ở gần nhà 2 em chua sót: Thương lũ nhỏ quá. Chiều hôm đó, không khí các xóm quanh đây trở nên nặng trĩu. Chẳng ai muốn nói với ai lời nào. Sáng nay, hàng chục chị em trong xóm đã đến gặt hộ 3 sào lúa cho nhà cháu Hoàn. Qua vụ tai nạn này, chúng tôi thấy trách nhiệm của những người làm ông bà, cha mẹ như chúng tôi cần phải được nâng cao hơn trong việc quan tâm, giáo dục để các cháu biết cách phòng tránh đuối nước.

 

Trở lại Trường Tiểu học Nga My, trong câu chuyện với cô giáo hiệu trưởng Đỗ Phương Nga, chúng tôi không khỏi băn khoăn, lo ngại khi được biết vì đời sống khó khăn nên việc quan tâm của nhiều gia đình trong xã đối với con em mình còn hạn chế. Không ít gia đình sau những ngày cấy hái, cả bố và mẹ đều xa nhà đến địa phương khác để làm thuê, để con lại với ông bà, cô dì, chú bác, có khi cả tháng, thậm chí vài tháng mới về thăm nhà một lần. Cô Nga dẫn chứng, các buổi họp phụ huynh, có tới 1/3-1/2 người dự họp là ông bà, cô dì, chú bác của các cháu… Cô Nga cũng cho biết thêm: Việc quản lý, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ rất cần sự vào cuộc từ nhiều phía: Chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình và ý thức tự giác của các cháu. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở các cháu phải đi học đúng giờ, tránh việc các em có thời gian đi chơi hoặc tắm sông. Ngay trong buổi họp phụ huynh giữa học kỳ 2 mới đây, Nhà trường tiếp tục quán triệt yêu cầu đó.

 

Được biết, với 21 xã, thị trấn, Phú Bình có tới 16 xã, thị trấn có sông Đào hoặc sông Cầu chảy qua (một số xã có cả 2 con sông chảy qua). Ngoài ra, Phú Bình cũng là địa phương có nhiều ao, đầm, hồ, kênh mương. Nhiều năm trở lại đây, năm nào, trên địa bàn huyện cũng xảy ra các vụ tai nạn đuối nước, cướp đi sinh mạng của nhiều người, trong đó có trẻ em. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, từ năm 2009 đến nay, có tới gần 20 em học sinh bị đuối nước. Đáng báo động là 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ, cướp đi sinh mạng của 5 học sinh, ở các xã: Nga My, Thượng Đình, Tân Khánh. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước là do tắm ao, sông, hoặc vì sơ xẩy mà bị rơi xuống nước. Trước thực tế này, những năm qua, huyện Phú Bình cũng đã chú trọng đến việc tuyên truyền, phát tài liệu đến các xã, thị trấn về phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước cho trẻ em.

 

Một kỳ nghỉ hè lại sắp bắt đầu, cũng là thời gian cao điểm của mùa mưa bão, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ là điều cần được các cấp ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Việc tuyên truyền, giáo dục để trẻ nâng cao ý thức và biết cách xử lý khi xảy ra các tình huống xấu là việc cần được làm thường xuyên, liên tục, trong đó phụ huynh đóng vai trò chủ đạo. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương (vùng sông nước hoặc có nhiều ao, hồ) phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi diễn tập về việc phòng, chống tai nạn thương tích để trẻ biết cách xử trí khi có tình huống xấu, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Em Nguyễn Văn Trọng, xóm Diệm Dương, xã Nga My, người đã cứu sống 2 em nhỏ trong vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 10/5. Sau khi đưa được 2 em: Trường và Hoàn vào bờ an toàn, em đã cố gắng bơi ra giữa dòng nước để cứu 2 em còn lại nhưng không được, lúc đó, các em đã chìm rồi.

 

 

 

 

 

Bà Hà Thị Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Để phòng tránh thương tích cho trẻ, trong đó có phòng tránh đuối nước, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến cơ sở, trong đó đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền trong các nhà trường. Cùng với đó, yêu cầu các địa phương có sông, đầm, hồ cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực dễ xảy ra tai nạn và tăng cường việc kiểm tra, giám sát, kể cả xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm.