Sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được Đại úy Đồng Văn Nguyên, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh).
Được đào tạo chuyên ngành bác sĩ đa khoa ở Đại học Y - Dược Thái Nguyên (khóa 1996-2002) nhưng lại rẽ ngang để trở thành một giám định viên tư pháp của Công an tỉnh, với anh Nguyên đó là cái duyên, cũng bởi anh yêu màu áo công an và hứng thú với các vụ án hình sự. Bắt đầu là một giám định viên tập sự (năm 2003) rồi thành giám định viên tư pháp và nay là Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, Đại úy Nguyên đã trực tiếp tham gia giám định hơn 1 nghìn vụ việc, góp phần quan trọng giúp cơ quan điều tra có căn cứ để phá án chính xác.
Đã 10 năm, nhưng anh Nguyên còn nhớ vụ án đầu tiên anh tham gia. Đó là vào buổi trưa một ngày tháng 6-2003, các anh nhận được tin báo: một phụ nữ ở xã Kha Sơn (Phú Bình) bị chết trong nhà, có nhiều dấu hiệu nghi vấn là bị đánh. Người nhà nạn nhân yêu cầu xác định nguyên nhân cái chết nhưng không cho khám nghiệm tử thi. Sau rất nhiều thời gian thuyết phục, gia đình mới đồng ý để đội khám nghiệm thực hiện nhiệm vụ. Tử thi được đưa ra ngoài vườn để giải phẫu, lúc bắt tay vào việc đã là 5 giờ chiều. Làm việc được một lúc thì bỗng trời đổ mưa to, gió lớn, điện cũng mất nên đội khám nghiệm gồm 3 người phải sử dụng đèn pin và dầm mưa để làm nhiệm vụ. Lần đầu tiên tham gia mổ xác chết, tâm lý căng thẳng, hồi hộp choán hết tâm trí nhưng anh vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. 12 giờ đêm, việc thu mẫu và lập biên bản mới hoàn tất, toàn đội chỉ được nghỉ chốc lát rồi phải chuyển mẫu ngay xuống Viện Khoa học hình sự (Hà Nội) để giám định. Kết luận cuối cùng là nạn nhân chết do tự sát bằng thuốc trừ sâu. Anh Nguyên cho biết: “Trước đó, phía gia đình có mâu thuẫn lớn bởi bố mẹ đẻ của nạn nhân cho rằng con mình bị chồng đánh chết. Sau khi có kết luận, hai gia đình đã ngồi lại với nhau và hóa giải được mọi chuyện. Từ vụ án đầu tiên đó, tôi cảm thấy tự hào với công việc của bản thân và đồng đội, thêm vững tin vì lựa chọn của mình”.
- Trong hàng nghìn chuyên án đã tham gia, vụ nào khiến anh ám ảnh nhất? Tôi hỏi.
Đại úy Đồng Văn Nguyên không chút đắn đo: “Đó là trường hợp một xác chết nữ tìm thấy tại xóm Rộc Lầy, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) vào tháng 4-2010. Khi người dân địa phương phát hiện, nạn nhân đã chết được khoảng 1 tuần, đang trong quá trình phân hủy nên rất khó nhận dạng và xác định nguyên nhân tử vong. Không quản ngại hôi thối, độc hại, chúng tôi đã cẩn thận thu lượm từng dấu tích nhỏ, thậm chí cả việc lấy da tay của nạn nhân lót vào ngón tay mình để xác định dấu vân tay”. Kết quả giám định, nạn nhân là Đỗ Thị Thủy, sinh năm 1979, thường trú tại phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Nạn nhân vốn là một huấn luyện viên bóng đá, nguyên nhân chết do ngộ độc thuốc diệt cỏ.
Nói chuyện về nghề, Đại úy Đồng Văn Nguyên tâm sự: “Ít người chọn công việc pháp y bởi vất vả và tính chất đặc thù của nó. Không chỉ ca trực, những ngày nghỉ nếu có nhiều vụ án cần tăng cường là chúng tôi đều phải đi ngay, bất kể là đang ngủ hay ăn cơm. Lương theo cấp bậc, phụ cấp đặc thù chẳng đáng là bao là một nhẽ, nhưng những ám ảnh về tâm lý mới là gánh nặng nhất. Nhiều lần phải làm khám nghiệm cho những tử thi chết cháy, trôi sông hoặc khai quật từ mộ lên đã thối rữa, mùi tử khí ám vào người, tắm đến 2-3 lần rồi mà vẫn còn cảm giác mùi lẩn khuất xung quanh. Về nhà ngồi vào bàn ăn không còn cảm giác ngon miệng. Đau xót nhất là giám định các cháu bé bị giết hại, khi phải đặt dao rạch lên cơ thể nhỏ bé của các cháu. Ngoài áp lực tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý. Bên gây hại muốn pháp y xác định thương tổn nhẹ hơn hoặc thay đổi kết quả có lợi để mình hoặc người thân đỡ bị tù tội, bên bị hại lại muốn ngược lại. Chính vì vậy, người giám định pháp y phải hội đủ cả 2 yếu tố “tâm và tầm” để có thể làm việc chính xác và công tâm nhất.
Không chỉ vất vả, những giám định viên tư pháp còn đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm, truyền bệnh khi phải tiếp xúc với các xác chết lâu ngày hoặc nhiễm HIV, trong khi các phương tiện bảo hộ còn thiếu thốn. Tuy nhiên, anh Nguyên cùng đồng đội của mình chưa bao giờ hối hận vì đã chọn công việc này. Anh nói: “Mình tự hào vì có thể mang “tiếng nói” của người đã khuất gửi tới người đang sống, giúp nhanh chóng phá các vụ án phực tạp”.
Với những đóng góp đặc biệt trong công tác, từ 2008 đến 2012, Đại úy Đồng Văn Nguyên đã được Giám đốc Công an tỉnh tặng 6 Giấy khen. Năm 2013, anh được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong dịp tổng kết 5 năm thực hiện phong trào Công an Nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy.