Trên 9 nghìn lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề

18:45, 09/05/2013

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 9-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Đồng chí Trương Thị Huệ, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì chương trình giám sát.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, trong 3 năm (2010- 2012), toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho trên 12,3 nghìn lao động nông thôn theo Đề án 1956, trong đó số người được học nghề từ nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ là hơn 8 nghìn người và từ nguồn kinh phí của tỉnh là gần 4,3 nghìn người; 74% lao động nông thôn (trên 9 nghìn) sau đào tạo có việc làm. 3 năm qua, toàn tỉnh cũng đã có hơn 4,5 nghìn lao động nông thôn được vay vốn tạo việc làm theo chính sách của Đề án 1956; gần 200 hộ nghèo tham gia học nghề đã thoát nghèo; trên 3 nghìn lao động nông thôn sau học nghề đã chuyển sang làm các nghề phi nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, một số khó khăn, hạn chế đã ảnh hưởng đến hiệu quả của Đề án: Kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề chỉ đạt khoảng 40% chỉ tiêu được giao; biên chế bộ máy quản lý Nhà nước về dạy nghề thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ; một số địa phương còn lúng túng trong xác định ngành nghề đào tạo để tư vấn cho người dân; cơ sở vật chất của một số trường dạy nghề còn hạn chế; đặc biệt, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề còn thiếu chặt chẽ…

 

Trên cơ sở phân tích, nhìn nhận các kết quả đã đạt được cũng như khó khăn, hạn chế, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của ngành LĐTBXH như: Cần bổ sung kinh phí để thực hiện mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2011 - 2015 là đào tạo nghề cho 40 nghìn lao động nông thôn và tối thiểu 70% có việc làm sau đào tạo; tăng cường kinh phí đầu tư xây dựng các trường dậy nghề; tỉnh bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề cấp huyện cho các Phòng LĐ TBXH; tăng cường tuyên truyền về nghề nghiệp, việc làm; có cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả công tác này…

 

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát về nội dung này tại Trung tâm Dạy nghề điện tử tin học Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên).