Trở lại Thần Sa

10:36, 04/05/2013

Trở lại Thần Sa (Võ Nhai) vào một ngày cuối tháng 4, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất vẫn còn lưu rõ những dấu tích văn hóa của người Việt cổ...

Thần Sa - nơi cư trú của người Việt cổ

Từ ngã ba La Hiên, cho xe chạy trên con đường trải nhựa men theo chân những quả đồi quanh co, qua địa phận 2 xã: La Hiên, Cúc Đường khoảng 40 phút, Thần Sa hiện ra với chuỗi dãy đá vôi cao ngất nối tiếp nhau che những thung lũng hẹp hai bên bờ sông Thần Sa, ôm vào lòng Khu di chỉ khảo cổ học với nhiều mái đá, hang động như: mái đá Ngườm, Phiêng Tung, Nà Ngùn, Thẳm Choong, Hạ Sơn 1... Nơi đây xưa kia là nơi cư trú của người nguyên thủy, có niên đại khoảng 23 nghìn năm, thuộc hậu kỳ đồ đá cũ. Di chỉ khảo cổ quan trọng nhất tại Thần Sa là mái đá Ngườm và hang Phiêng Tung. Mái đá Ngườm nằm trên sườn dãy núi Ngườm thuộc xóm Kim Sơn, cao chừng 50m, rộng 60m. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật và thu được hàng vạn công cụ bằng đá với khối lượng trên 1,5 tấn, 2 ngôi mộ, 3 thi hài được an táng theo nghi thức của người nguyên thủy; 1 hàm xương Pôn-gô (đười ươi). Hố khai quật Di chỉ Ngườm cho thấy có 4 địa tầng văn hóa khảo cổ: Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi và Thần Sa. Dưới lòng sông, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy răng voi có niên đại hàng triệu năm, 1 hòn đá có nấc, có niên đại khoảng 4-5 nghìn năm. Những di vật đá đặc trưng của các nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2... ở tầng thứ 3 là thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hóa thứ 4 là hàng vạn công cụ đá kiểu Phiêng Tung và Ngườm. Hang Phiêng Tung nằm trên sườn núi Mèo, cách Mái đá Ngườm 300m về phía Bắc, từ xóm Trung Sơn nhìn lên, miệng hang giống hình miệng con hổ đá đang há ngoác nên dân địa phương gọi là hang Miệng Hổ. Hang rộng và thoáng, có 2 tầng, tầng dưới từng là nơi trú ngụ của người cổ đại với chiều cao 20m, rộng 20m, sâu 20m. Đây thực sự là những ngôi nhà tạo hóa đã ban cho loài người. Hàng vạn công cụ đá tìm thấy ở đây minh chứng sự có mặt của những người khôn ngoan tại mảnh đất này trong suốt quá trình tiến hóa hàng vạn năm. Những giá trị lịch sử, văn hóa hiện hữu ở Thần Sa cho thấy tiềm năng khai thác du lịch văn hóa, sinh thái ở đây rất dồi dào.

 

Thần Sa - đang thay da, đổi thịt

 

Đến các xóm Trung Sơn, Kim Sơn, Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao, chúng tôi cảm nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây đang từng ngày khởi sắc, cuộc sống của người dân trở nên sung túc. Rất nhiều hộ đã mua được máy cày, máy bơm nước, thậm chí nhiều hộ đã sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, tivi, tủ lạnh. Đặc biệt, quán bán hàng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Triệu Đức Mạo, xóm Hạ Sơn Dao cho biết: 7-8 năm về trước, cuộc sống của gia đình tôi và nhiều họ dân khác trong xóm còn rất khó khăn, thiếu thốn. Đường sá không thuận tiện, năng suất lúa thấp, chỉ đạt khoảng 50-60kg/sào, nên một năm vẫn thiếu ăn vài tháng. Giờ đây, đường sá đã được mở rộng, đổ bê tông, rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, chúng tôi đã đưa vào gieo cấy nhiều loại lúa có năng suất cao, vì thế, năng suất lúa hiện nay đã đạt 1,8 - 1,9 tạ/sào, bà con không lo bị thiếu ăn nữa. Ngoài ra, bà con trong xóm đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc, thu hái chè nên nhiều hộ đã có nguồn thu khá từ cây chè cũng nhờ cây chè gia đình tôi đã sắm được máy bơm nước, xe máy, tivi.

 

Ông Đồng Văn Lan, xóm Trung Sơn, một trong những người đang chắp bút viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thần Sa phấn khởi nói: Khoảng 10 năm trở về trước, xã Thần Sa dường như biệt lập với bên ngoài bởi đường sá đi lại rất khó khăn, nhiều đoạn đường chỉ rộng chừng hơn 30 40cm. Mọi sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra chỉ để tự cung tự cấp. Giờ đây, đường từ ngã ba La Hiên vào trung tâm xã và từ trung tâm xã đi các xóm, bản đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông, nhờ đó thương nhân ở các nơi đến Thần Sa đã chở mỗi chuyến hàng chục bao tải thóc và ngô, hàng chục con lợn thịt trên những chiếc ô tô tải thay cho việc chỉ chở được 1-2 bao thóc, bao ngô hay 1-2 con lợn thịt mỗi chuyến như trước đây. Có nguồn điện lưới Quốc gia đến được 7/9 xóm bản của xã, nhiều hộ đã sắm được tivi, tủ lạnh, quạt điện, máy bơm nước. Bà con đã có máy cày nên khâu làm đất nhanh hơn rất nhiều. Cây trồng đã được chăm bón bằng cả phân vô cơ, hữu cơ thay cho việc chỉ bón phân chuồng hoặc phân xanh như trước...

 

Được biết, Trong khoảng 10 năm qua, xã Thần Sa đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó giao thông được coi làm khâu đột phá. Theo đó, thông qua nguồn vốn từ các Chương trình, Dự án như: 135, 134, 167, Định canh định cư, Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên..., xã đã huy động, tiếp nhận gần 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường điện, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung, trường, lớp học, Trạm y tế. Thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, xã đã tổ chức bình xét, thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo mua được gần 50 chiếc máy cày mini, hơn chục máy sao chè, gần 100 con trâu cái sinh sản... với hàng trăm hộ được hưởng lợi. Cũng qua những chương trình này trên 100 hộ nghèo cũng đã được hỗ trợ tiền để làm nhà ở kiên cố...

 

 

 

Trạm Y tế xã Thần Sa đã được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ các phòng chức năng.

 

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Mặc dù nhân dân xã Thần Sa vẫn còn nghèo nhưng chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rất nhiều, diện mạo vùng quê đã có nhiều khởi sắc. Năng suất lúa năm 2005 đạt 45 tạ/ha thì đến năm 2012 đã đạt 58 tạ/ha. Nếu như tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2005 mới chỉ đạt 796 tấn thì đến năm 2011 đã tăng lên trên 1.400 tấn, không chỉ góp phần vào việc ổn định an ninh lương thực mà còn tạo ra các sản phẩm hàng hóa trao đổi trên thị trường. Mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 7,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54% (năm 2005, theo tiêu chí cũ) xuống còn 41,5% (năm 2012, theo tiêu chí mới)…

 

Nhìn những mái nhà sàn của người Tày thấp thoáng giữa bãi ngô mướt xanh, những con đường làng đổ bê tông sạch sẽ, những xe chở hàng vào ra tấp nập, chúng tôi tin rằng Thần Sa sẽ có bước phát triển tương xứng với những tiềm năng vốn có.