Tự hào là lính Ra đa

08:11, 07/05/2013

Trong chuyến hành trình đến với biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang), chúng tôi may mắn được các đồng chí lãnh đạo Vùng E Hải Quân tạo điều kiện đến thăm Trạm 620-D511. Ở đây, các chiến sĩ có nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, nơi chỉ cách nước bạn Campuchia ở địa điểm gần nhất khoảng 5km.

Do đặc thù công việc nên chúng tôi không có điều kiện để nói nhiều về nhiệm vụ mà các anh đang đảm trách. Nhưng khi được tiếp xúc với những người lính ở đây, điều khiến chúng tôi thật sự xúc động đó là tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc và yêu công việc mà họ đang làm. Các anh luôn tự hào là những người lính biển. Và có một điều chúng tôi cảm nhận rất rõ từ các anh đó là sự gần gũi, thân thiện và cả sự đồng cảm, có lẽ bởi rất nhiều chiến sĩ ở đây là người miền Bắc, thuộc các tỉnh: Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa… Lý do khiến họ trở thành lính đảo thật đơn giản, chỉ bởi tình yêu mãnh liệt với biển, lòng tự hào và trách nhiệm với Tổ quốc. Nói như Thượng úy Nguyễn Hải Đăng, quê ở Thái Bình thì trong người lính biển luôn có chung suy nghĩ: Trước mặt là đồng đội, sau lưng là hậu phương và ra xa là biển khơi. Tình yêu ấy, niềm tin ấy đã giúp anh có thêm nghị lực, để dù phải sống xa gia đình, hàng nghìn km đã hàng chục năm nay, nhưng các anh vẫn luôn yên tâm, vững tin ở hậu phương để chắc tay súng làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

 

 

Anh Đăng trở thành lính hải đảo đến nay đã được 20 năm và lấy vợ được 12 năm. Trước đây, anh công tác tại xã đảo Thổ Chu, cũng thuộc huyện đảo Phú Quốc, nhưng cách trung tâm huyện 120km. Đến năm 2011, anh được điều động về Trạm 620 này. 12 năm lấy vợ  là 12 năm anh phải sống xa vợ. Mỗi năm, anh chỉ được về thăm vợ, con 1 lần vào dịp nghỉ phép. 5 năm gần đây, các anh được thêm 1 lần nghỉ phép tranh thủ (theo điều kiện, sắp xếp của đơn vị). Chúng tôi thắc mắc sao anh không chuyển công tác cho vợ vào hẳn trong này, anh bảo, công việc của người lính đảo nay đây, mai đó theo yêu cầu của đơn vị. Chuyển như vậy cũng không chắc sẽ ổn định nên với anh, để vợ con được ổn định cuộc sống cũng là cách các anh thấy an tâm làm nhiệm vụ. Đó cũng là cách hợp lý hóa gia đình - anh cười vui vẻ.

 

Thượng úy Lê Văn Tùng, Trưởng Trạm 620 chia sẻ: Công việc của những người lính nói chung, lính Ra đa nói riêng không bao giờ có ngày nghỉ. Chúng tôi phải thay phiên nhau trực 24/24 giờ, ngoài trực, các chiến sĩ lại tham gia huấn luyện và thực hiện các công việc mà đơn vị phân công. Cũng như những người lính hải đảo khác, khó khăn lớn nhất mà những người lính ở đây gặp phải đó là nguồn nước ngọt khan hiếm. Bởi thế, nước được các chiến sĩ quý như xăng. Bên cạnh đó là những khó khăn của một đơn vị hoạt động hoàn toàn độc lập, lại nằm cách xa trung tâm chỉ huy. Dù vậy, những người lính ở đây lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và anh đã bật mí với chúng tôi Thượng úy Nguyễn Hải Đăng đang được đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen với thành tích 5 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua và là một điển hình trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Để hiểu phần nào công việc của những người lính Ra đa, cả đoàn chúng tôi không ngần ngại trèo lên đỉnh ngọn núi khá cao - nơi những người lính Ra đa đang làm nhiệm vụ tuần tra. Chỉ tay về phía trước, Trung úy Trần Đình Tuấn giới thiệu: Đó là vùng biển chung của ta và nước bạn Campuchia. Tàu của ta và bạn thường đánh bắt hải sản chung ở vùng này, rồi tập kết ở một vài địa điểm để bán. Vùng biển này nguồn hải sản còn khá dồi dào nên hoạt động đánh bắt của ta và nước bạn diễn ra khá sôi động. Chiến sĩ Hồ Minh Long đang thực hiện nhiệm vụ quan sát, thấy chúng tôi háo hức với chiếc ống nhòm và chiếc máy quan sát, liền cho chúng tôi “ngắm thử”. Anh bảo: Chiếc ống nhòm trông có vẻ đơn giản vậy thôi nhưng có thể nhìn xa tới vài chục hải lý (1 hải lý = 1,8km). Khi chưa hiểu về nghiệp lính thì rất nhiều người còn e dè, đắn đo lựa chọn, nhưng khi hiểu rồi thì mới thấy cuộc sống không thể thiếu nó. Cũng chính tại nơi này, tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo của đồng đội đã ngày càng lan tỏa trong anh nên anh càng thấy yêu, gắn bó và tự hào với công việc mà mình đang làm. Anh cũng là người ngoài Bắc, lấy vợ Bắc và đã chuyển được vợ vào hẳn trong này nên hàng ngày, tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh lại ghé qua nhà thăm vợ, con. Khi được hỏi về trách nhiệm và nghĩa vụ của người lính, anh không chần chừ bày tỏ suy nghĩ: Đã là người lính thì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải luôn đặt lên hàng đầu và đây cũng là nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý nhất. Trong công việc luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù, chấp hành nghiêm túc chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh khi Tổ quốc cần.

 

Vâng, sẵn sàng chiến đấu, hysinh khi Tổ quốc cần; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ chức phân công cũng là suy nghĩ, là lý tưởng chung của tất cả chiến sĩ, cán bộ ở vùng E Hải quân khi chúng tôi có điều kiện tiếp xúc. Cảm ơn các anh - những người lính một lòng sắt son với Tổ quốc, chính các anh đã truyền cho chúng tôi - những người con của Thủ đô gió ngàn chiến khu Việt Bắc thêm yêu và rất đỗi tự hào về những con người đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng đất của Tổ quốc.