Văcxin hết hạn sử dụng có thể gây biến chứng khi tiêm

09:16, 22/05/2013

Theo các chuyên gia dịch tễ, văcxin hết hạn dùng có thể gây biến chứng cho người tiêm vì thành phần của thuốc dễ biến chất.  

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trưởng phòng Khám - Tiêm phòng Viện Pasteur TP HCM cho biết, nguyên tắc là văcxin cũng như các loại thuốc nên dùng trong hạn sử dụng, bởi vì người ta ước tính sau khi hết hạn sử dụng một số thành phần trong văcxin và thuốc có thể biến chất.

 

Theo đó, thành phần văcxin biến chất gây ra hai tác dụng. Thứ nhất là tác dụng chính của thuốc tức tác dụng để bảo vệ và phòng ngừa sẽ không còn đủ. Thứ hai, đôi khi những thành phần trong thuốc có thể biến đổi thành những chất khác có tác dụng gây hại cho cơ thể.

 

Nếu trót tiêm văcxin quá hạn thì nguyên tắc bắt buộc là phải theo dõi, đánh giá hiệu quả và tác dụng của văcxin này như thế nào. Tùy theo loại có thể theo dõi đánh giá được hiệu quả và tác dụng, một số văcxin chưa thể làm được kháng thể.

 

Với Trivivac ngừa sởi, quai bị, rubella - loại văcxin cháu bé ở Phú Yên tiêm và phát hiện hết hạn sử dụng - hiện tại Việt Nam có thể làm được các xét nghiệm nhưng khá tốn kém. Việc xét nghiệm có thể đánh giá hiệu giá kháng thể sinh ra như thế nào, căn cứ vào kết quả mới quyết định tiếp sẽ xử trí ra sao. “Trong trường hợp tiêm mà văcxin không đủ khả năng phòng bệnh thì phải tiêm lại”, bác sĩ Tuấn nói.

 

Trong khi đó, giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Mẫn, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu và sản xuất văcxin sinh phẩm y tế, Bộ Y tế cho biết, về nguyên tắc tiêu chuẩn của văcxin có tính đến thời gian có giá trị gây miễn dịch cho người đối với văcxin đó, được quy định bởi ngày cuối cùng, năm cuối cùng văcxin đó không còn giá trị nữa.

 

“Ví dụ hạn sử dụng ghi là tháng 5/1913 thì chỉ được dùng trong tháng 4, đến tháng 5 không được nữa rồi. Như trường hợp xảy ra ở Phú Yên là hết hạn rồi. Văcxin khi đã hết hạn sử dụng thì tác động, hiệu quả của nó khi tiêm vào người không đạt được yêu cầu nhà sản xuất đặt ra. Nguyên tắc văcxin đã hết hạn là không được dùng”, giáo sư Mẫn nói. 

 

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cũng đồng quan điểm này và khuyên nếu đã chích phải văcxin hết hạn thì về nguyên tắc cần kiểm tra lại sức khỏe. Trường hợp người này không bị phản ứng sau tiêm, sức khỏe ổn định thì bác sĩ sẽ chỉ định chích lại. Đối với văcxin phải tiêm nhiều mũi thì nên chọn cùng loại đã tiêm mũi đầu.

 

Về nguyên tắc an toàn tiêm chủng, theo ông Siêu, bộ phận lưu trữ phải lên danh sách văcxin sắp hết hạn để báo cho bộ phận tiêm chủng và theo dõi sát. Khi đến thời điểm hết hạn phải ngưng tất cả các lọ văcxin.

 

"Văcxin hết hạn bất kể lâu hay không, phải để riêng và ghi chú không được sử dụng để tránh nhầm lẫn. Lô văcxin hết hạn phải được lưu trữ riêng trong kho và lập danh sách xin phép Sở Y tế cho tiêu hủy đúng quy định", ông Siêu nói.

 

Năm 2012 Việt Nam cũng đã từng xảy ra vụ việc tiêm văcxin hết hạn. Khi đó ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: “Bộ Y tế đã có quy định trong trường hợp chỉ ghi chung chung thời điểm hết hạn là tháng 2 mà không cụ thể ngày thì date sử dụng sẽ là ngày 1/2”.

 

Cũng theo giáo sư, tiêm văcxin quá hạn không tạo được miễn dịch vì bản chất chất kháng nguyên đến lúc đó không còn đủ tiêu chuẩn để gây miễn dịch nữa. Còn những tác hại khác có thể có thì do điều kiện bảo quản, chất lượng văcxin.

 

Về cách ghi ngày sản xuất và hạn dùng trên bao bì sản phẩm, thông tư 04 năm 2008 của Bộ Y tế về hướng dẫn ghi nhãn thuốc có ghi rõ, ngày sản xuất, hạn dùng ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Mỗi số ngày, tháng, năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.

 

Ngày sản xuất, hạn dùng ghi trên nhãn được ghi đầy đủ hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: NSX, HD. Ví dụ:- NSX: 050706; hoặc NSX: 05072006; hoặc NSX: 05/07/06; hoặc NSX: 05/07/2006. Về hạn dùng HD: 050708; hoặc HD: 05072008; hoặc HD: 05/07/08; hoặc HD: 05/07/2008.

 

Trường hợp lô văcxin hết hạn tại Phú Yên trên nhãn ghi ngày sản xuất, hạn dùng bằng tiếng nước ngoài, thì nhãn phụ phải ghi như sau: ngày sản xuất, hạn dùng hoặc viết tắt bằng chữ in hoa NSX, HD xem "Mfg Date" "Exp Date" trên bao bì.

 

Sáng 20/5, ông Ngọc đưa 2 con đến Trung tâm y tế TP Tuy Hòa (Phú Yên) chích ngừa văcxin 3 trong 1 phòng bệnh sởi - quai bị - rubella. Sau khi tiêm, ông nhặt vỏ lọ văcxin xem phát hiện đã hết hạn sử dụng. Cơ quan chức năng kiểm tra thấy hạn sử dụng văcxin ghi bằng số La Mã, hết vào tháng 4/2013. Nhân viên y tế tiêm chủng đã bị tạm đình chỉ công tác. Con ông Ngọc đang được theo dõi sức khỏe sau tiêm.