Là huyện vùng cao, Võ Nhai thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, gió lốc trong mùa mưa bão. Trước dự báo tình hình thiên tai năm nay có thể diễn ra phức tạp hơn các năm trước, huyện quán triệt tới các ngành và địa phương thực hiện nghiêm phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó phòng tránh là chính”.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Cuối tháng 3 vừa qua, trên địa bàn các xã La Hiên, Liên Minh đã xảy ra gió lốc và mưa đá bất thường làm hơn 1.100 nhà dân, cơ quan bị vỡ ngói, hỏng trần nhà, thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề đó thêm một lần nữa khẳng định, công tác phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai (PCLB - GNTT) của huyện cần phải đặc biệt coi trọng. Năm 2012, trên địa bàn, dù không có thiệt hại về người nhưng những tổn thất về vật chất cũng rất lớn. Theo thống kê đã xảy ra 15 điểm bị sạt lở đất đá và xói trôi mặt đường trên các tuyến giao thông tại 8 xã, thiệt hại ước tính 7 tỷ đồng, như: Vụ sạt lở trên đèo Đá Cả (tuyến đường Phương Giao - Phù Trì) dài gần 1.000m, khối lượng đất đá trên 30.000m3, gây ách tắc giao thông nhiều tháng liền; các tuyến đường nội xã Sảng Mộc bị sạt lở tại 3 điểm có tổng khối lượng xấp xỉ 3.200m3; một số tuyến đường nội xã Tràng Xá bị xói lở mặt đường, trôi cấp phối ước tính 2.500m3… Gió lốc và mưa lớn đã làm tốc mái, sập trần 4 điểm trường học, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng ở một số xã như: Phú Thượng, Thượng Nung, Nghinh Tường, Sảng Mộc… gây thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng.
Anh Triệu Văn Hiên, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện Võ Nhai cho biết: Địa hình của huyện bị chia cắt mạnh bởi đồi núi và hệ thống sông suối khá dày đặc (sông Dong, sông Nghinh Tường và rất nhiều suối lớn nhỏ), độ dốc lớn nên trong mùa mưa bão rất hay xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất đá. Riêng về sạt lở thì có 3 hình thức chủ yếu, phổ biến nhất là sạt lở ta luy đường giao thông, ngoài ra là sạt lở các khu vực cạnh sông suối và sạt lở đất đá vào nhà dân. Số điểm có nguy cơ sạt lở chưa thể thống kê hết nhưng theo ước tính là khá lớn. Những trận lũ quét thường diễn ra với cường độ mạnh, nhanh và bất ngờ.
Trong khi đó, phần lớn người dân có tập quán định cư tại những thung lũng, dọc sông suối, hoặc sát các sườn núi, tâm lý chủ quan trong phòng tránh thiên tai khá phổ biến. Trên địa bàn có rất nhiều ngầm và đường giao thông băng qua suối. Mặt khác, đa số các tuyến đường là đường độc đạo, nhỏ hẹp và hiểm trở (nhiều khu vực máy móc không thể tiếp cận) nên việc cơ động ứng cứu, cứu nạn khi xảy ra sự cố gặp rất nhiều khó khăn…
Phòng tránh là chính
Trước dự báo tình hình thiên tai năm nay có nhiều khả năng diễn biến phức tạp hơn các năm trước, huyện Võ Nhai quán triệt các ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó phòng tránh là chính”. Trước tiên là rà soát, thống kê và đã lập danh sách 284 hộ (1.183 nhân khẩu) có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, lũ quét và ngập úng, qua đó đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí di chuyển 9 hộ (một hộ đã chuyển đến nơi an toàn). Đây là một trong những biện pháp thường xuyên và được huyện làm tốt thời gian qua - 2 năm 2011 và 2012, huyện đã chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ di chuyển 24 hộ với trên 100 nhân khẩu đến nơi an toàn (mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng). Những hộ còn lại được tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức phòng tránh (như thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, không đi lại qua những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét khi mưa bão…) và phải ký cam kết sơ tán khi có nguy cơ mất an toàn.
Cũng với tinh thần phòng tránh là chính, các cơ quan liên quan và địa phương đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra những công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi như hồ Quán Chẽ (xã Dân Tiến), tuyến đường Cúc Đường - Vũ Chấn - Nghinh Tường - Sảng Mộc, khu vực thị trấn Đình Cả. Qua đó đã xây dựng phương án PCLB riêng cho từng công trình, vùng trọng điểm. Huyện cũng đã cấp cho mỗi xã trung bình 30 triệu đồng làm vốn dự phòng ứng phó thiên tai. Là đơn vị tiền phương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã xây dựng phương án cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết, đảm bảo sẵn sàng chi viện ứng cứu, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai; cấp phát cho cơ sở trên 40 áo phao, 8 nhà bạt, 200m2 bạt dứa, hàng nghìn bao tải dứa và dây thừng; duy trì thường xuyên chế độ luyện tập các phương án PCLB tìm kiếm cứu nạn…
Cùng với đó, huyện chỉ đạo quyết liệt hơn đối với các xã trong việc chuẩn bị lực lượng, vật tư tại chỗ để huy động kịp thời khi xảy ra sự cố. Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện Võ Nhai thì các đơn vị, địa phương đã xây dựng phương án cụ thể và sát thực hơn những năm trước. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Chúng tôi đã phân giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCLB - GNTT xã; chỉ đạo các xóm xây dựng phương án và chuẩn bị tốt lực lượng, vật tư PCLB (ví dụ như xóm Mỏ Gà chuẩn bị 140 người, 40 đôi quang gánh, 30 cuốc, xẻng, xà beng, hỗ trợ ứng cứu xóm Phượng Hoàng khi có sự cố); xác định chính xác những hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng (20 hộ), số xe, máy có thể huy động để luôn luôn chủ động trước mọi tình huống…
Với những gì mà các cấp, ngành và nhân dân huyện Võ Nhai đã, đang thực hiện, hy vọng những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trên địa bàn sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất có thể.