Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,2 độ vĩ Bắc, 106,7 độ kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Bão suy yếu thành áp thấp
Dự báo trong đêm 23 rạng sáng 24/6, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Bắc, sau đó có khả năng lệch dần về hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền khu Đông Bắc Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, đêm 23-6, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Các tỉnh Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 70 - 120 mm; một số nơi có mưa to hơn như Con Cuông (Nghệ An) 122 mm, Đô Lương (Nghệ An) 240 mm.
Hải Phòng: Huy động gần 37.000 người chống bão
Theo báo cáo của lực lượng Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng, đến tối 22-6, toàn bộ phương tiện hoạt động trên vùng biển Hải Phòng đã đến nơi trú tránh bão. TP Hải Phòng cũng đã huy động lực lượng xung kích với 36.925 người, 328 ô tô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp để hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.
Chiều 23/6, hệ thống giao thông từ khu 1 đến khu 3 quận Đồ Sơn, T.P Hải Phòng đã bị chia cắt do triều cường, có nơi nước dâng cao khoảng 1 m. Cũng tại quận Đồ Sơn, 1 đoạn kè đã bị vỡ khiến nước tràn vào các khu dân cư. Đến chiều tối cùng ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 50 thuộc Ban Chỉ huy Quân sự T.P Hải Phòng đã được huy động để ngăn triều cường tràn vào các khu dân cư.
Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, trong lúc tham gia cứu nạn, 1 ô tô tải đã bị nước cuốn trôi. Trước đó, trưa 22/6, tàu HP1586TS chở 1,8 tấn mực tươi, trên đường tìm nơi trú bão đã bị sóng đánh chìm tại cửa vịnh Cát Bà, huyện Cát Hải. May mắn là 2 người trên tàu đã được lực lượng biên phòng cứu hộ kịp thời.
Quảng Ninh: Gần 1.000 du khách kẹt tại Cô Tô
Sáng 23/6, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn khẩn trương gia cố các đoạn đê xung yếu, đầm nuôi trồng thủy sản, tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè, chòi canh đầm; đồng thời di chuyển dân ở các vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trước chiều 23/6.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến tối 23/6, gần 1.000 du khách vẫn còn kẹt tại huyện đảo Cô Tô do giao thông đường thủy bị chia cắt. Tuy nhiên, số du khách này đã được địa phương bố trí chỗ ăn, nghỉ.
Do sóng to, gió lớn kết hợp triều cường đã gây sạt lở cầu cảng tại huyện Cô Tô. Trước đó, chiều 22/6, tàu cá của ông Phạm Văn Hợp bị hỏng máy, trôi dạt trên biển và 7 người trên tàu đã được cứu hộ an toàn.
Theo tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, chiều 23/6, do ảnh hưởng của bão số 2 kết hợp với triều cường đã làm khoảng 50 m đê biển Quan Lạn, huyện Vân Đồn bị nước biển tràn qua nhưng được lực lượng tại chỗ khắc phục kịp thời, 11 hộ dân sau đê đã được di chuyển đến nơi an toàn. Tuy vậy, địa phương vẫn bố trí lực lượng túc trực tại tuyến đê này để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Đến tối cùng ngày, tình hình mưa bão ở Quảng Ninh có chiều hướng phúc tạp, ngoài biển có sóng lớn. Nhiều thuyền, đò nhỏ của người dân ở TP Hạ Long bị sóng đánh chìm nhưng đã được lực lượng biên phòng cứu vớt kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp chủ quan
Sáng 23/6, dù đã có mưa to, sóng lớn tại Hải Phòng nhưng vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại bến Bính và Cái Viềng vẫn cho khách xuống tàu đi đảo Cát Bà. May là lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa (Sở GTVT TP Hải Phòng) đã có mặt kịp thời và không cho tàu xuất bến.
Cũng trong sáng cùng ngày, tàu HP 3663 của Công ty CP Phát triển Hải Phòng vẫn chở du khách từ đảo Cát Bà về Hải Phòng. Một lãnh đạo của Cảng vụ Đường thủy nội địa cho biết do tại Cát Bà chưa có đại diện của cơ quan này nên việc quản lý, giám sát hoạt động các phương tiện vận tải thủy gặp nhiều khó khăn.