Cần nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng

11:12, 16/06/2013

Trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách giao đất, giao rừng (GĐGR) thời gian qua ở nước ta, hiệu quả mô hình quản lý rừng cộng đồng đã được chứng minh và đánh giá cao trong thực tiễn.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai và những kết quả bước đầu trong công tác GĐGR cho hộ gia đình, cá nhân tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, ông Lê Quốc Bảo, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tây Giang cho biết, tính từ năm 2004 đến nay, toàn huyện có 56 cộng đồng làng được giao 41.923,15 ha đất rừng để quản lý, bảo vệ. Trong quá trình triển khai, huyện nhận thấy, chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng đang được đẩy mạnh, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ được rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng được giao. Đời sống của người dân được cải thiện, nhận thức bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao. Đồng thời tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng tham gia vào quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; có tác dụng tốt hơn trong việc quản lý tài nguyên đất: hạn chế được tình trạng sử dụng đất sai mục đích, giảm bớt các trường hợp tranh chấp đất đai, góp phần duy trì các phong tục tập quán và bản sắc tốt đẹp của dân tộc.

 

Khẳng định GĐGR cho cộng đồng quản lý và sử dụng là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Văn Lân, Trung tâm phát triển miền Trung đã nêu lên một số mô hình GĐGR cho cộng đồng quản lý khá hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mà cụ thể là ở dự án “Nâng cao khả năng tiếp cận và hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp một cách bền vững huyện Nam Đông” đã thu hút sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng được giao rừng và đất lâm nghiệp; thống nhất thủ tục và trình tự giao đất giao rừng từ khi triển khai cho đến khi cấp quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng. Trên cơ sở thành công của dự án, theo ông Lê Văn Lân, yếu tố quyết định sự thành công của quá trình GĐGR cần thừa nhận quyền quản lý, bảo vệ lâu dài của cộng đồng; cộng đồng cần có các hình thức tổ chức quản lý rừng thích hợp với điều kiện đặc thù; cộng đồng được tổ chức chặt chẽ và có cơ chế phân chia quyền lợi về các sản phẩm thu được từ rừng trên cơ sở bình đẳng giữa các thành viên trong cộng đồng.

 

Cũng theo đó, hoàn toàn có thể tiến hành GĐGR cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ lâu dài đối với cộng đồng có truyền thống luật tục quản lý rừng và sự tham gia tích cực của các thành viên; Cuộc sống của các thành viên trong cộng đồng trực tiếp gắn bó với rừng; Cộng đồng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, các quy định của cộng đồng được mọi người tôn trọng; Trưởng thôn có tinh thần trách nhiệm cao, cộng đồng được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ; Phải thực hiện xây dựng quy ước quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia của người dân thôn và sự nhất trí, ủng hộ của chính quyền địa phương. Có thể xây dựng các hình thức phối hợp quản lý rừng giữa các cộng đồng địa phương, các tổ chức Nhà nước và cấp chính quyền xã trong bảo vệ và phát triển rừng. Điều đó sẽ chuyển dần một số trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý rừng cho các cộng đồng, chính sách của Nhà nước được thực thi, các nhu cầu cho sự phát triển cộng đồng được đáp ứng, dẫn đến tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển tốt. Quản lý rừng bởi các cộng đồng với các đặc trưng chủ yếu là không có tính chất tập trung, cộng đồng là người ra quyết định và các quy định đưa ra có sự tham gia của người dân, hoạt động của các thành viên chủ yếu dựa trên cam kết với các hình thức tự nguyện, hình thức quản lý đa dạng và chi phí quản lý thấp. Các cộng đồng có thể bảo vệ rừng hiệu quả hơn và tiết kiệm chi tiêu của Nhà nước trong việc bảo vệ rừng. Rừng cộng đồng đáp ứng một phần nhu cầu gỗ sử dụng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng cũng như cung cấp lâm sản ngoài gỗ, góp phần nâng cao đời sống người dân.

 

Và cũng từ kinh nghiệm thực tế ở các cộng đồng đã chỉ ra rằng, những diện tích rừng và đất rừng có thể giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài bao gồm: Diện tích rừng phân bố xa khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình phức tạp mà các tổ chức Nhà nước hay hộ gia đình không có khả năng quản lý hoặc quản lý không có hiệu quả; Các khu rừng có tác dụng giữ nguồn nước phục vụ trực tiếp cho cộng đồng; rừng phòng hộ đầu nguồn diện tích nhỏ, phân tán chỉ có ý nghĩa trong phạm vi làng, xã; rừng cung cấp lâm sản truyền thống cho cộng đồng (săn bắt, lấy măng...), rừng núi đá; Các khu rừng nằm giáp ranh giữa các thôn, xã, huyện; các khu rừng giàu nhưng diện tích ít không thể chia riêng cho các hộ mà cần sử dụng chung cho cộng đồng.

 

Phân tích trên cơ sở thực tiễn ở hai thôn của xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó Kăn Sâm là thôn được nhà nước giao rừng và Pahy là thôn quản lý rừng bằng luật tục, ông Hoàng Huy Tuấn, Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông - Lâm Huế đã chỉ ra, GĐGR cho cộng đồng quản lý phát huy hiệu quả khá lớn. Cũng như các vùng khác trong nước, dưới áp lực của nhu cầu bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp quốc tế và quốc gia, UBND huyện và UBND xã cố gắng làm giảm việc phá rừng, đặc biệt là phá rừng tự nhiên, thông qua việc giao rừng cho cộng đồng. UBND xã hoàn toàn đồng ý với quyết định của UBND huyện về việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư thôn quản lý, vì những diện tích này đều là rừng nghèo và bị suy thoái nghiêm trọng, nó không thể khai thác được trong vòng 15 - 20 năm tới. Thông qua sự phân quyền trong quản lý rừng, quyền sở hữu về rừng được chuyển giao cho cộng đồng/người dân, nên họ sẽ được hưởng lợi từ rừng trong tương lai, vì vậy họ sẽ có động lực để đầu tư vào việc quản lý và bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.

 

Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cộng đồng đã tổ chức quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả; làm cho rừng có chủ thực sự khi cả cộng đồng lẫn người dân gắn bó với khu rừng trên cơ sở được hưởng lợi từ rừng trong quá trình quản lý bảo vệ, vì nó đem lại lợi ích sát sườn cho chính họ. Các hộ gia đình trong cộng đồng được giao rừng tự nhiên dần ý thức được đó là tài sản của mình, do cộng đồng làm chủ và có khả năng hưởng lợi, nếu quản lý bảo vệ tốt. Từ ý thức nói trên và sự ràng buộc của Quy ước bảo vệ rừng do chính họ xây dựng đã làm cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng bước đầu thực sự có hiệu quả. Hầu hết các cộng đồng được giao rừng đều chấm dứt hẳn hiện tượng người dân vào rừng khai thác trái phép. Các trường hợp cá biệt khai thác gỗ, săn bẫy động vật rừng trái phép, cộng đồng đã tích cực chủ động phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, vận động thuyết phục, truy quét đẩy đuổi, ngăn chặn. Cộng đồng chủ động tổ chức lượng lực bảo vệ rừng hoặc phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm tra theo định kỳ, đột xuất. Đình kỳ hàng tháng cộng đồng tuần tra một lần, còn kiểm tra thường xuyên được thực hiện bằng chính số người dân vào rừng khai thác lâm sản phụ, đây là lực lượng hoạt động có hiệu quả nhất, vì họ bảo vệ quyền lợi của chính họ, bảo vệ công sức của cộng đồng đã bỏ ra lâu nay. Thêm vào đó, việc triển khai mô hình rừng cộng đồng còn góp phần vào việc tổ chức lại sản xuất lâm nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng, đáp ứng được nguyên vọng của cộng đồng lâu nay mong đợi.

 

Không phủ nhận vẫn còn khó khăn khi thực hiện mô hình quản lý rừng cộng đồng này, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, vẫn còn hạn chế về mặt chủ thể quản lý rừng trong giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng vì các cộng đồng này chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, rừng tự nhiên giao cộng đồng đa phần là rừng nghèo và quá nghèo, để hưởng lợi được từ gỗ rừng phải chờ đợi một thời gian quá dài, đến nay đã gần mười năm, ba cộng đồng đã giao chưa thể hưởng lợi từ gỗ rừng được giao; phân định mốc ranh giới chưa rõ ràng, do đó có thành viên trong cộng đồng không nắm được khu vực đã giao nên hạn chế về việc hỗ trợ cho ban quản lý trong công tác quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng. Thêm vào đó, cộng đồng dân cư thôn chưa phải là một pháp nhân, vì chưa hội đủ các điều kiện: có tổ chức chặt chẽ; có tài sản; tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Do vậy, khi địa vị pháp nhân chưa rõ ràng thì cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong các chính sách hỗ trợ phát triển rừng của Nhà nước (vay vốn trồng rừng...). Trong Luật Đất đai năm 2003, cộng đồng chưa có trong danh sách được giao các loại đất rừng (Điều 75, 76, 77). Trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng, cộng đồng chưa có trong danh mục là chủ rừng (Điều 5)... Đây cũng là một trong những “rào cản” làm cho động lực và sự nhiệt tình giảm sút nếu không có sự tiếp sức là các nhà quản lý...

 

Bởi vậy, theo ông Hùng, cần công nhận cộng đồng là một pháp nhân; có chính sách hưởng lợi rõ ràng; hỗ trợ việc trồng xen các loài cây có giá trị kinh tế như: mây nếp, ba kích...; hỗ trợ về kinh phí trong quản lý bảo vệ rừng cộng đồng; sớm có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo QĐ 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2000; GR đồng thời GĐ cho cộng đồng theo Thông tư liên tịch 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT.

 

Đồng quan điểm này, chuyên gia tư vấn độc lập Phạm Nguyễn Thành chia sẻ, việc giao rừng cho cộng đồng quản lý cần quan tâm không chỉ đến tài nguyên rừng và quy chế quản lý mà cần xem xét toàn bộ hệ thống như là một thể chế bao gồm ba thành phần có tác động qua lại lẫn nhau. Đó là tài nguyên rừng và những đặc điểm của nó, cộng đồng được giao cùng với những đặc điểm của cộng đồng và quy chế quản lý được cộng đồng xây dựng có tính thực thi. Cộng đồng được giao rừng ở đây là nhóm tất cả những người dân địa phương sử dụng tài nguyên rừng truyền thống và có lợi ích liên quan đến tài nguyên của khu rừng được giao. Quá trình giao rừng cần được giám sát bởi Nhà nước và các tổ chức dân sự xã hội để kiểm soát những hành động mang tính cơ hội của những người có thế lực ở địa phương. Rừng nên được giao toàn bộ cho một nhóm để quản lý chung, không nên phân chia thành từng lô nhỏ và giao cho các cá nhân vì việc này có thể dẫn đến những mâu thuẫn và chia rẽ cộng đồng, tăng chi phí thực thi quy chế, ngăn cản cơ hội của nhóm yếu thế và phụ nữ. Có sự thừa nhận về pháp lý đối với tổ chức quản lý rừng cộng đồng. Ranh giới trên thực địa phải rõ ràng để giảm chi phí giám sát và thực thi quy chế. Quy chế thành viên rõ ràng để đảm bảo lợi ích của những người tham gia được ổn định. Quy chế quản lý do cộng đồng xây dựng và cộng đồng có quyền thay đổi khi cần thiết phù hợp với bối cảnh mới. Có sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội đối với cộng đồng quản lý rừng. Liên kết giữa các cộng đồng quản lý các khu rừng lân cận nhau thành mạng lưới để tăng sức mạnh và chia sẻ thông tin. Quy mô đủ lớn để có khả năng giám sát và thực thi quy chế, nhưng không quá lớn vì có thể khó đạt được tính thống nhất.

 

Ông Đặng Ngọc Quốc Hưng đến từ Vườn quốc gia Bạch Mã nêu rõ, việc cho phép người dân địa phương sống cạnh khu rừng đặc dụng tham gia vào việc đồng quản lý, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học và khai thác, sử dụng bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ nhằm cải thiện sinh kế trên cơ chế chia sẻ lợi ích là một trong những hướng đi đúng hướng hiện nay, tháo gỡ khó khăn mâu thuẫn về quản lý tài nguyên rừng bền vững, đảm bảo hài hoà giữa các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường ngay tại địa phương. Đây là tiền đề để xác lập và thể chế hoá chính sách đồng quản lý các khu rừng đặc dụng với sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương. Đặc biệt, đây cũng chính là căn cứ pháp lý và công cụ giải quyết mâu thuẫn giữa sử dụng tài nguyên rừng của người dân vùng đệm với trách nhiệm tham gia bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lõi của vườn Quốc gia Bạch Mã.

 

Có một mô hình rừng cộng đồng xuất phát từ chính sáng kiến của Chi hội Phụ nữ thôn Khe Váp, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lâp, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai khá hiệu quả hiện nay. Với 15 thành viên, Chi hội Phụ nữ Khe Váp quản lý gần 17ha gần khu vực suối Quán Thàng thuộc địa bàn xã. Diện tích rừng được giao lớn với nhiều trạng thái khác nhau, có nhiều trạng thái rừng giàu nhưng cũng có nhiều trạng thái rừng nghèo khó có khả năng tái sinh. Từ năm 2011, Chi hội Phụ nữ đã có sáng kiến đóng góp 10.000 đồng/thành viên/tháng với mục đích gây quỹ tín dụng quay vòng hàng năm cho các thành viên vay vừa hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế vừa tạo quỹ từ lãi suất cho cho vay để hỗ trợ công tác quản lý phát triển rừng. Sau 1 năm, cả chi hội đã có 1,5 triệu đồng tiền vốn đầu tiên, đủ để Chi hội trồng được khoảng gần 1ha thông nhựa. Đến nay, cây Thông đã được hơn 1 tuổi và phát triển tốt. Nhận thấy việc đầu tư trồng rừng có tính khả thi cao mà việc đóng góp lại không quá lớn. Năm 2013, Chi hội Phụ nữ thôn Khe Váp lại tiếp tục đóng góp và dự định hết mùa mưa năm 2013 sẽ tiếp tục trồng 2000 cây keo trên diện tích 1 ha đất rừng cộng đồng được giao không có khả năng tái sinh, phụ hồi với nguồn cây giống tự sản xuất, tự đóng góp. Điều này minh chứng cho việc GĐGR cho cộng đồng quản lý không chỉ bảo bảo vệ tốt các khu rừng tự nhiên được giao mà còn đóng góp tích cực vào công tác quản lý làm giàu rừng, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường.