Chia sẻ yêu thương

08:32, 14/06/2013

Xuất phát từ trái tim biết chia sẻ yêu thương, nhiều sinh viên (SV) đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh ta đã cùng chung tay giúp đỡ người tàn tật với nghĩ suy giản đơn mà trong sáng: Được góp một bàn tay nâng đỡ người thiệt thòi nhất trong xã hội vươn lên như bao cuộc đời bình dị.

Người cùng cảnh

 

Giữa phố hội nô nức người, xe, chợt bên một góc đường, ai đó tập tễnh với đôi nạng gỗ, hoặc di chuyển bằng xe lăn… nhọc nhằn với cuộc mưu sinh, họ là người tàn tật. Anh Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật T.P Thái Nguyên cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 người tàn tật, phần nhiều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bản thân mang nhiều thứ bệnh.

 

3 tuổi, một trận sốt vi rút đã làm bại liệt đôi chân cậu bé Lộc. Lộc bắt đầu lê lết, gượng đứng dậy bằng đôi tay. Anh tự học chữ, học vẽ và tự kiếm sống. Không chỉ biết chăm lo cho cuộc sống của mình, anh tích cực đến với những người cùng cảnh ngộ, để động viên, khuyến khích họ vượt lên hoàn cảnh tật nguyền.

 

Nguyễn Duy Tưởng là 1 trong số những người tàn tật được anh Lộc giúp đỡ. Hiện Tưởng đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Truyền thông. Anh sống bằng nghề sửa chữa máy tính ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh), nơi anh cất tiếng khóc chào đời. Tưởng bị bại liệt từ lúc mới 3 tháng tuổi, cũng do sốt vi rút. Nhà nghèo, Tưởng lê lết đến trường bằng cách học ngó qua cửa sổ. Thấy cậu bé tật nguyền hiếu động, thầy giáo đã cho em vào lớp cùng học với chúng bạn.

 

Suốt 12 năm học, Tưởng được em trai chở xe đạp đến trường. Để vào được đại học, anh phải mất 2 lần dự thi mới đỗ. Năm 2006, Tưởng bắt đầu cuộc sống tự lập, xa nhà, hằng ngày đến giảng đường bằng xe lăn và những cánh tay dìu đỡ của bạn đồng khóa. Năm 2007, trong một lần tình cờ, Tưởng gặp anh Lộc. Theo gợi ý của anh Lộc, Tưởng cùng một số SV trong trường thành lập Câu lạc bộ (CLB) dành cho SV khuyết tật, lấy tên là “Ánh sáng tương lai”, để qua đó những SV khuyết tật có điều kiện qua lại, thăm nom, giúp đỡ nhau học tập tốt hơn. Đặc biệt là thông qua hoạt động của CLB, sẽ có tác động lớn đến tâm lý, tình cảm của SV, từ đó cuốn hút thêm những SV bình thường tham gia vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

 

Trăn trở mãi rồi CLB Ánh sáng tương lai cũng ra đời. Lúc đó vào tháng 9-2009, với 12 thành viên, trong đó có Tưởng và Quân bị tàn tật, còn lại đều là SV có cơ thể lành lặn. Tưởng tâm sự: Hoạt động của CLB là nhằm giúp đỡ những người tàn tật nghèo, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để có quỹ hoạt động, ngày nghỉ cuối tuần, các thành viên CLB rủ nhau đi thu gom phế liệu ở ký túc xá, nhà trọ mang bán.

 

Mở rộng vòng tay

 

Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông năm 2011, trước lúc trở về quê hương, Tưởng đã bàn giao lại “cơ nghiệp” CLB Ánh sáng tương lai cho SV Trần Văn Tuyên. Tuyên hiện là SV năm cuối Khoa Điện tử, Truyền thông, Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông. Tuyên là người lành lặn cả thể xác, tâm hồn. Hơn thế, anh có tấm lòng nhân ái, luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ SV nghèo và những người bị tàn tật. Việc anh làm đã cuốn hút được đông đảo SV các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cùng tham gia. Anh tâm sự: Lúc cao điểm nhất, CLB huy động được 120 SV đi giúp đỡ người tàn tật như gặt lúa, làm đường, trồng cây, vệ sinh môi trường. Còn thành viên “cứng” tham gia sinh hoạt thường xuyên tại CLB có hơn 60 SV.

 

Là CLB không thuộc sự quản lý của nhà trường, song các thành viên trong CLB luôn có sự gắn kết, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ trẻ em tàn tật và người tàn tật nghèo. Anh Ma Đình Trình, SV năm thứ 2, Khoa Văn - Xã hội, Trường Đại học Khoa học cho biết: Sớm nay, em điện về nhà xin phép bố mẹ cho ở lại để cùng các thành viên CLB đi giúp đỡ người tàn tật. Bố mẹ em bảo đó là việc nên làm. Trình cho biết thêm: Các thành viên CLB đang tập luyện văn nghệ, chuẩn bị tổ chức cho các em tàn tật ở nông thôn đón Tết Trung thu.

 

Đã 2 Tết Trung thu trước, thành viên CLB đến tổ chức vui đón trăng rằm cho trẻ em Trường Khuyết tật T.P Thái Nguyên và trẻ em ở Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng tỉnh. Tại đây, thành viên CLB trực tiếp hướng dẫn các em tham gia hoạt động vui chơi tập thể và tặng quà. Nhiều phụ huynh cảm động, nhận xét: Tuy giá trị món quà không lớn, nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn, bởi qua đó các cháu thấy mình không bị bỏ rơi. Còn với những SV tham gia hoạt động này, các bạn tự trang bị thêm cho bản thân 1 bài học về đạo đức. Đó là hành động biết chia sẻ yêu thương của mình cho những người bị thiệt thòi nhất trong xã hội. 

 

Giàng Mìn Giáo, dân tục Nùng, SV năm thứ 2 (Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông) bảo: Khi biết em ở lại trường để cùng các bạn đi giúp đỡ người tàn tật, bố mẹ em động viên, làm được việc như thế, đồng nghĩa với việc nhân cách con đã trưởng thành. Thành viên CLB không ai có xe máy, khi đi, mỗi người góp 1 bò gạo, mớ rau, chút muối, mắm, đến nơi, người làm việc, người mượn xong nồi thổi nấu, tránh phiền hà, vì các gia đình nơi thành viên CLB đến giúp đỡ, họ đều là người tàn tật nghèo.

 

Chỉ trong thời gian 2 năm gần đây, CLB đã có hàng trăm ngày công giúp đỡ người tàn tật khó khăn. Điển hình như hoạt động chung tay mùa gặt năm 2012, các thành viên CLB đến thu hoạch lúa giúp 4 hộ tàn tật nghèo của T.P Thái Nguyên là Hoàng Văn Hóa (liệt 2 chân); Đàm Thị Nhung (què chân) ở xã Quyết Thắng; Nguyễn Văn Họa, liệt 1 chân, 1 tay; Nguyễn Văn Phú (liệt 2 chân) ở xã Phúc Trìu. Trước đó, năm 2011, thành viên CLB về Tân Cương giúp bà Nguyễn Thị Nhàn mở rộng lại đoạn đường dài hơn 50m từ trục đường chính của xã vào đến sân nhà. Bà Nhàn bảo: Tôi bị liệt 1 chân, 1 tay phải đi lại bằng xe lăn, nhờ có các cháu trong CLB Ánh sáng tương lai, việc đi lại của tôi đã trở nên thuận lợi. Cũng trong năm 2011, thành viên CLB đã về Bình Sơn (T.X Sông Công), giúp gia đình bà Cù Thị Phượng san bạt đồi làm nền nhà, mở rộng đường vào; giúp gia đình bà Trần Thị Phương cải tạo gần 1.000 m2 đất để trồng chè cành giống mới.

 

Cùng trường với Giàng Mìn Giáo, Giàng Dỉ Phò dân tộc Lô Lô tâm sự: Ngoài việc giúp đỡ người tàn tật làm đường vào nhà, thu hoạch lúa, CLB còn dành tiền quỹ mua tặng gia đình anh Hóa bị liệt 2 chân chiếc ti vi. Đặc biệt, để các em Luân, Tuấn, Ngọc ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có đủ điều kiện đến trường, các bạn Trần Văn Tuyên, Nguyễn Thị Thu, Đặng Thị Quỳnh Quyên và Điêu Hải Lợi đã thay nhau vào Trung tâm dạy các em học chữ. Mỗi tuần 2 buổi, mưa cũng như nắng, đều đặn trong suốt 6 tháng dòng.

 

Ngoài ra, CLB còn có các hoạt động như sửa nhà, sơn lại tường nhà, dạy xóa mù chữ cho người tàn tật và tham gia chương trình hiến máu cứu người. Dạo Tết Quý Tỵ 2013, CLB đã gói 230 chiếc bánh chưng xanh tặng 80 gia đình người tàn tật nghèo; tặng 5 chăn ấm cho 5 gia đình người tàn tật đặc biệt khó khăn… Tiền quà được trích từ Quỹ của CLB và sự tham gia hỗ trợ của một số doanh nghiệp đứng chân tại Thái Nguyên.

 

Ngồi suy tư rất lâu, Nguyễn Hữu Quỳnh, thành viên được CLB giao nhiệm vụ quản lý mảng kinh doanh gây quỹ mới lên tiếng: Từ 2 năm gần đây, ngoài hoạt động “nhặt ve chai xây tương lai”, CLB còn tổ chức cho các thành viên tham gia hoạt động dịch vụ như: Tô tượng, làm thiệp 3D, móc chìa khóa, hoa lụa để bán gây quỹ. Toàn bộ số tiền thu được, CLB dành ủng hộ, giúp đỡ trẻ em, người tàn tật nghèo. Mong muốn của chúng em là trong xã hội ngày càng có nhiều người dang bàn tay nhân ái, giúp đỡ người tàn tật nghèo vơi bớt khó khăn.