Chuyện về những phóng viên thời sự truyền hình

09:12, 21/06/2013

Nhìn bề ngoài, làm báo có vẻ như là một công việc đơn giản: quan sát, hỏi, lắng nghe, ghi chép rồi phản ánh lại. Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghề mới thấy được những khó khăn, vất vả thật sự. Đối với những phóng viên trẻ, đặc biệt là phóng viên Thời sự truyền hình, để có được tay nghề vững vàng đòi hỏi phải vượt qua nhiều thử thách, kể cả áp lực. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, thật không dễ để có thể gắn bó lâu dài với nghề báo.

Đối với một cơ quan báo chí, công tác phóng viên luôn được coi trọng và quan tâm hàng đầu. Phòng thời sự của Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) Thái Nguyên còn được ưu ái gọi là phòng “xương sống”, phòng chủ chốt của Đài. Những năm qua, Ban Giám đốc, Ban Biên tập Đài PT-TH Thái Nguyên đã luôn quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, bổ sung lực lượng cho Phòng với con số hiện nay lên đến gần 30 phóng viên, biên tập viên. Để đảm bảo công việc được chuyên sâu, Phòng Thời sự đã phân công phóng viên theo dõi ở những mảng nội dung khác nhau như: Phóng viên nội chính, phóng viên kinh tế, phóng viên văn hoá - xã hội… Thế nhưng 30 con người ấy dường như vẫn còn “mỏng” so với yêu cầu nhiệm vụ của Phòng Thời sự trước xu thế phát triển của Đài như hiện nay.

 

 

Mỗi ngày 2 bản tin với thời lượng khoảng 35 phút, cộng với khoảng 20 chuyên mục hiện có, những phóng viên, biên tập viên Thời sự truyền hình luôn ở trong tư thế “dịch chuyển”, nghĩa là hoạt động trong bất kỳ tình huống nào... Không kể tuổi tác, không kể nam hay nữ, đã dấn thân vào làm phóng viên Thời sự, họ đều chấp nhận vất vả và hết lòng với công việc của mình. Ngày nào cũng vậy, những phóng viên, biên tập viên Thời sự của Đài PT-TH Thái Nguyên luôn là những người đi sớm về tối nhất cơ quan. Bất kể thời gian nào trong ngày, hễ có sự kiện xảy ra là các phóng viên Thời sự lại lên đường và lập tức có mặt tại hiện trường để đưa tin nhanh nhất, ghi lại những hình ảnh ấn tượng nhất. Đơn cử như vụ việc sập bãi thải tại Mỏ Than Phấn Mễ - huyện Phú Lương; sự việc 4 sinh viên bị thiệt mạng tại thác Mưa rơi, - xã Thần Sa, huyện Võ Nhai hay sự việc phá rừng, bắt gỗ trái phép, chống người thi hành công vụ…

 

Đã là phóng viên truyền hình thì bao giờ cũng làm việc theo ekip và sản phẩm của họ là sản phẩm tập thể. 1 ê kíp thường có ít nhất từ 2 người trở lên, họ luôn kết hợp với nhau để có hình ảnh và tư liệu tốt nhất làm tác phẩm.  Để chạy theo guồng máy của Thời sự, những phóng viên của Đài vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách. Phương tiện tác nghiệp thì cồng kềnh với máy quay, chân máy, míc, dây, đèn… Chấp nhận làm phóng viên truyền hình, những phóng viên Thời sự luôn phải đi, phải tìm hiểu, phải giao tiếp và phải hoàn thành tác phẩm đúng thời hạn để phát sóng. Phản ánh hấp dẫn, chân thực một cách thuyết phục cái hay, cái đẹp, phát hiện, ủng hộ cái mới, cái tích cực nảy sinh. Dự báo chiều hướng phát triển của sự việc đã khó, song phát hiện, chiếu sáng những góc tối trong mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi ngành, lĩnh vực, đề xuất được những giải pháp khắc phục khả thi còn khó hơn nhiều. Có hôm băng ghi hình bị trục trặc thì bất kể là khi nào, địa hình xa xôi hiểm trở đến đâu cũng phải đi làm lại bằng được, có thể chỉ trong buổi sáng… Rất nhiều trường hợp, khi đi phỏng vấn, phóng viên thời sự bị đặt vào thế bí khi người được phỏng vấn không thích trả lời, bất hợp tác trong khi máy quay đã sẵn sàng… Phóng viên nam đã đành, với những nữ phóng viên thời sự truyền hình thì lại càng vất vả hơn, đó là những chuyến say xe, là những buổi trưa không về được cho con bú, là những chuyến đi dài ngày khi bụng vẫn đang mang bầu… Thế nhưng, vượt lên trên tất cả là sự yêu nghề, họ đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

 

Mặc dù chịu áp lực từ nhiều phía, song các phóng viên Thời sự của Đài PT-TH Thái Nguyên vẫn luôn xông pha, vượt gian khó, dũng cảm, bản lĩnh, tâm sáng, bút sắc để vượt qua mọi trở lực, bất chấp hiểm nguy. Kết quả cho quá trình lao động say mê sáng tạo là những tác phẩm truyền hình đã tạo hiệu ứng xã hội cao và nhận được sự ủng hộ của dư luận. Đơn cử là phóng sự về vấn đề sụt lún đất gây nứt nhà ở thị trấn Trại Cau, vấn đề giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, vấn đề ô nhiễm môi trường... Kết quả ấy còn là nhiều tác phẩm đạt giải Báo chí quốc gia, là những chiếc Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các cuộc Liên hoan PT-TH toàn quốc phần lớn đều thuộc về phóng viên phòng Thời sự.

 

Với cái Tâm, sự nhiệt huyết của người làm báo, những phóng viên Thời sự truyền hình của Đài PT-TH Thái Nguyên vẫn ngày đêm vượt khó, bước chân của họ vẫn trải dài trên từng ngõ xóm tới những bản làng vùng sâu, vùng xa để đem đến cho khán giả những tác phẩm báo chí mang hơi thở của cuộc sống.