Hơn 2 năm triển khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, Bệnh viện A đã bước đầu đem lại niềm vui cho hàng chục cặp vợ chồng hiếm muộn…
Chị N.T.P ở T.P Thái Nguyên lấy chồng đã trên 5 năm nhưng vẫn chưa có thai. Chị và chồng đã đi khám, chữa ở một số nơi nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Được giới thiệu Bệnh viện A đã triển khai điều trị, thụ tinh nhân tạo cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, năm 2012, vợ chồng chị P đến khám và được các y, bác sĩ ở đây tư vấn làm thụ tinh nhân tạo. Sau gần nửa năm điều trị và thực hiện 1 chu kỳ làm thụ tinh nhân tạo, chị P đã có thai đôi, được 25 tuần tuổi và phát triển bình thường. Dự kiến, chị P sẽ sinh con sau vào tháng 9 tới. Chị P phấn khởi nói: Chúng tôi thật may mắn được hưởng niềm hạnh phúc làm cha, mẹ sau khi được thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công.
Chị P là 1 trong số hàng chục bệnh nhân đã thụ tinh nhân tạo thành công tại Bệnh viện A. Theo bác sĩ Vũ Đào Minh Thông, một trong những bác sĩ trực tiếp thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại Khoa sản của Bệnh viện, đây là kỹ thuật dùng thiết bị chuyên dụng chứa tinh trùng đã được lọc rửa đưa qua ống cổ tử cung bơm trực tiếp vào buồng tử cung. Mục đích của phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung là làm tăng tỷ lệ có thai cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Để thực hiện kỹ thuật này thường mất nhiều tháng thực hiện các quy trình khám, điều trị, chẩn đoán. Các cặp vợ chồng hiếm muộn trước tiên phải được khám và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán vô sinh cả người chồng và vợ. Khi đã đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cặp vợ chồng phải được tư vấn về tỷ lệ thành công, chi phí điều trị và những tai biến có thể gặp đồng thời được giải thích cặn kẽ quy trình điều trị bao gồm các bước thăm khám, làm xét nghiệm, dùng thuốc kích thích buồng trứng, theo dõi trong quá trình kích thích buồng trứng, xử lý mẫu tinh trùng…
Bản thân bác sĩ Vũ Đào Minh Thông cũng là một trong những bệnh nhân được thụ tinh nhân tạo thành công tại Bệnh viện A. Chị Thông lập gia đình được hơn 3 năm nhưng hai vợ chồng hiếm muộn chưa có thai. Khi biết Bệnh viện triển khai kỹ thuật này, chị đã đăng ký đi học tại một số bệnh viên đầu ngành và đăng ký được điều trị ngay tại Bệnh viện A. Sau khi điều trị và thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công, bác sĩ Thông hiện đã mang thai 24 tuần. Chị cho biết: Niềm vui của tôi được nhân đôi khi tôi không chỉ giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng niềm vui làm mẹ, làm cha mà còn được chính những đồng nghiệp của mình trợ giúp mình thụ tinh nhân tạo thành công.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Hà Hải Bằng, Phó Giám đốc Bệnh viện A cho biết, đây là kỹ thuật được áp dụng tại hầu hết các bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực Sản khoa như Bệnh viện Từ Dũ (T.P Hồ Chí Minh), Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội)… Trước đây, các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái muốn thực hiện các biện pháp sinh sản nhân tạo phải về các bệnh viện đầu ngành để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Từ năm 2011, Bệnh viện A chính thức là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Bộ Y tế cấp phép triển khai thực hiện thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm. Để thực hiện kỹ thuật này, Bệnh viện đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm thiết bị cần thiết đồng thời cử 6 bác sĩ và 3 cử nhân sinh học chia làm nhiều kíp đi học và thực hành trực tiếp tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương rồi về thử nghiệm tại Bệnh viện A. Qua một thời gian triển khai thử nghiệm thành công, hiện nay, kỹ thuật này đã được Bệnh viện A áp dụng là kỹ thuật thường quy và thu hút hàng trăm bệnh nhân đến điều trị mỗi năm với tỷ lệ thụ tinh nhân tạo thành công tương đương với các bệnh viện lớn là trên 20%.
Bác sĩ Bằng cho biết thêm, hiện Bệnh viện A đang triển khai mở rộng, nâng cấp bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ với tổng kinh phí 430 tỷ đồng trong đó có 1 Trung tâm với các thiết bị hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Dự kiến, khi đi vào hoạt động đầu năm 2014, Bệnh viện A sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong tỉnh và khu vực các tỉnh Miền núi phía Bắc, đem lại niềm vui cho các gia đình hiếm muộn.