Phải lấy hết dũng khí, tôi mới dám đăng ký tham gia đoàn đi chúc Tết các cán bộ chiến sĩ vùng hải đảo của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng II (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tôi không ngại khó, ngại khổ nhưng rất sợ bị say sóng biển bởi thời điểm đoàn đi chúc Tết (tháng 1-2013) đang là mùa sóng lớn. Chưa một lần được lênh đênh trên biển dài ngày, tôi rất lo vì say sóng, sức khỏe giảm sút sẽ làm mọi người trong đoàn phải bận tâm.
Xuất phát từ cảng Hải đội 811, phường 12, T.P Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), con tàu HQ636 băng băng vượt biển khơi để đưa chúng tôi đến với các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở những nơi còn nhiều gian khó. Nơi chúng tôi đến thăm, chúc Tết là nhà giàn DK1/10 thuộc địa phận tỉnh Cà Mau và Trạm ra đa 590 nằm ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo lịch trình, đoàn sẽ chúc Tết cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn DK1/10 rồi mới đi ra Côn Đảo. Chỉ nghe chứ chưa một lần được “mục sở thị” nhà giàn nên tôi rất hồi hộp, nhất là khi nghe mọi người nói để lên được nhà giàn, với những người chưa có kinh nghiệm sẽ là một thử thách lớn.
Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, nhà giàn đã hiện ra. Tôi thấy may mắn khi lần đầu đi tàu thủy nhưng không bị say sóng, thậm chí, tôi còn chăm sóc cho 2 nữ phóng viên phải nằm bẹp vì say sóng biển (tham gia đoàn chúc Tết có 20 phóng viên nhưng chỉ có 3 chúng tôi là nữ). Ai cũng nghĩ vài giờ đồng hồ nữa thôi là sẽ được lên nhà giàn và ở lại cả đêm để động viên anh, em trên đó. Nhưng thời tiết không được tốt, gió thổi mạnh, sóng lớn nên trưởng đoàn quyết định sáng hôm sau mới đưa các thành viên trong đoàn lên nhà giàn. Chưa có kinh nghiệm đi biển, chưa một lần lên nhà giàn thì quả thật cũng đáng lo ngại bởi mấy năm trước, đã có phóng viên do không thực hiện đúng hướng dẫn khi tiếp cận nhà giàn nên bị gẫy chân. Tôi và 2 nữ phóng viên trong đoàn đã thao thức cả đêm để được lên nhà giàn. Lần thứ nhất thức dậy, đồng hồ báo 1 giờ, lần thứ 2, mới 3 giờ và khi kim đồng hồ chỉ 5 giờ, cả 3 chị em đều thức dậy ra khoang tàu ngắm nhà giàn. Ở phía đó, các anh, em cũng ra lan can đứng, vẫy tay về phía chúng tôi đầy mong đợi.
Mấy phóng viên nữ được ưu tiên đi chuyến thứ 2. Lúc xuống xuồng, tôi lo lắm, sóng dập dềnh, chiếc xuồng chòng chành lúc lên, lúc xuống, chỉ lo không làm đúng thao tác kỹ thuật sẽ bị thương, ảnh hưởng đến mọi người trong đoàn. Khi xuồng nhô lên theo đỉnh sóng, tôi bước xuống, nhắm mắt và thả lỏng tay khi có người đỡ phía dưới. Mở mắt ra, thấy mình đã ở dưới xuồng, tôi đã yên tâm hơn nhưng trong lòng vẫn còn lo lắng vì lên nhà giàn mới là khó nhất. Xuồng đã tiếp cận đến chân nhà giàn, một cán bộ có kinh nghiệm làm mẫu cho chúng tôi về kỹ thuật đu dây lên nhà giàn. Nhìn chiếc ngáng gỗ có thắt sợi dây trạc to ở giữa, tôi không biết mình có đủ dũng khí để ngồi vào đó cho mọi người kéo lên, nhất là khi chiếc xuồng dập dềnh lên xuống theo từng ngọn sóng lớn. Ánh mắt khích lệ của mọi người đã cho tôi sức mạnh để ngồi vào vị trí, nhịp tim tôi lúc này đập nhanh và mạnh hơn. Khi các anh hô co chân lên, tôi làm theo, mở mắt ra thấy mình đang lơ lửng giữa một khoảng không mênh mông, bên dưới là biển xanh biêng biếc, sóng vỗ ầm ào vào những cột nhà giàn, bọt nước tung lên trắng xóa. Ở phía trên nhà giàn, mấy người vẫn ra sức kéo đưa tôi lại gần với tầng dưới cùng. Theo phản xạ, tôi tỳ đôi chân ướt nhoẹt của mình vào mép ban công để mọi người kéo lên. Mọi người vỗ tay rền vang khi thấy các nữ nhà báo đã lên nhà giàn một cách an toàn. Dù chưa từng gặp nhau, nhưng tôi thấy các anh như đã quen từ lâu lắm, cử chỉ ân cần khi đưa khăn cho tôi lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt; lời hỏi thăm đầy lo lắng khi thấy tay tôi bị xây xước… Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Chỉ huy trưởng nhà gian DK1/10 bắt tay chúng tôi và khen ngợi: Hiếm có nữ phóng viên nào có dũng khí để lên nhà giàn như các chị đấy.
Chỉ là việc lên nhà giàn đã thấy khó khăn đến vậy, còn những người lính biển nơi đây, đang ngày đêm canh giữ biển trời đất nước sống, làm việc ra sao? Sinh hoạt hằng ngày cũng như thực hiện nhiệm vụ của họ chỉ ở khu vực hơn 200m2 của ngôi nhà làm bằng sắt này. Sống giữa biển khơi mênh mông, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngoài giờ làm việc, họ giải trí bằng cách câu cá, trồng rau, cập nhật thông tin thời sự trong nước, quốc tế… Cả năm trời, lính nhà giàn mới được về thăm nhà một lần. Có những người, tám năm làm lính nhà giàn thì 7 năm ăn Tết trên biển. Thậm chí, có người được tin bố hoặc mẹ mất chỉ biết ngồi khóc, 3 tháng sau mới được về chịu tang vì lúc đó mới có tàu ra tiếp tế lương thực, thực phẩm. Có trường hợp, lúc đi vợ mới mang bầu, khi về con đã được vài tháng tuổi… Thiếu thốn tình cảm là thế nhưng lính nhà giàn luôn xác định đó là nghiệp và ai cũng yêu công việc mà họ đã lựa chọn. Anh Đoàn chia sẻ: Nếu mọi người đều lựa chọn những công việc nhàn hạ nơi đất liền thì ai sẽ là người canh giữ biển trời của đất nước?
Lời nói của anh Đoàn khắc sâu mãi vào trong tâm trí tôi. Chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé trước nhuệ khí vững chãi của những người lính biển. Được đi, nghe, thấy cuộc sống của những người lính nhà giàn, tôi càng thấy thấm thía sự hy sinh của các anh và thấy mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh đó.