Lên vùng cao nghe chuyện sinh con… tại gia

09:23, 14/06/2013

Xóm Mỏ Nước và bản Tèn của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) là 2 xóm người Mông nằm tít trên những đỉnh núi cao. Những lần đi tác nghiệp ở đây, chúng tôi đã được nghe kể nhiều chuyện về trong đời sống của người Mông nhưng có một chuyện khiến người nghe không khỏi giật mình - chuyện sinh đẻ của những người mẹ giữa chốn đại ngàn. Họ sinh con tại nhà, để đứa trẻ đối mặt với sự may rủi của số phận.

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi men theo con đường nhỏ gập ghềnh để đến với bà con xóm Mỏ Nước. Ghé vào ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ ở ngay đầu xóm để hỏi thăm, chị Lầu Thị Mai (chủ nhà), sinh năm 1990, vừa rót nước mời vừa hỏi han chúng tôi. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về chuyện sinh đẻ của bà con nơi đây, chị Mai cho biết: Bà con chỉ đẻ ở nhà thôi, nếu đau đẻ 1 ngày, 1 đêm mà đứa bé không chui ra mới phải đi bệnh viện. Rồi chị chỉ 2 đứa con nhỏ trạc 2 - 4 tuổi đang chơi ở góc nhà nói: Hai đứa này mình cũng đẻ ở nhà đấy. 

 

Theo mô tả của chị Mai thì khi người phụ nữ có dấu hiệu sinh con, người chồng sẽ quét sạch miếng đất ở giữa nhà và trải ni lông để người vợ nằm xuống đó rặn đẻ. Đối với những đôi vợ chồng sinh con lần đầu thì sẽ cần sự giúp đỡ của mẹ vợ hoặc mẹ chồng, còn nhà nào đã sinh con rồi thì phần lớn đều do người chồng đỡ đẻ cho vợ. Khi đứa trẻ được sinh ra, bà đỡ sẽ dùng chỉ buộc một đoạn rốn lại, sau đó dùng con dao lam hoặc thanh nứa được chuốt sắc để cắt dây rốn. Tùy vào sự chuẩn bị của mỗi nhà, đứa trẻ sẽ được tắm sạch bằng nước hoặc chỉ được lau qua bằng miếng vải mềm rồi đưa cho người mẹ bồng. Rau thai, dây rốn sẽ được cho vào chiếc túi ni lông buộc kín lại rồi đem chôn ở một gốc cây trong vườn. Do sinh đẻ trong môi trường không đảm bảo vệ sinh nên nhiều phụ nữ bị hậu sản; có hài nhi đã chết khi vừa chào đời, thậm chí chết ngay trong bụng mẹ.

 

Gần đây nhất là trường hợp sảy thai của chị Ma Thị Chí, sinh năm 1992. Theo lời kể của ông Lương Văn Vừ (bố chồng của chị Chí), khi chị có dấu hiệu đau bụng sinh đứa con đầu lòng, người nhà đã chuẩn bị những thứ cần thiết để chị sinh tại nhà, nhưng đến lúc vỡ ối mà đứa bé vẫn chưa ra được, người nhà mới vội vàng đưa chị đến Trạm Y tế xã, khi đến nơi thì cháu bé đã bị chết ngạt.

 

Rời xóm Mỏ Nước, chúng tôi tiếp tục đến với bản Tèn. Đây là xóm xa nhất của xã Văn Lăng, xóm nằm cách trung tâm xã khoảng 7km, trong đó có hơn 4km đường rừng. Đối với những người không quen đường như chúng tôi, muốn lên xóm chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Tìm đến một gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống, chúng tôi được bà Ngô Thị Bày, năm nay khoảng hơn 60 tuổi, là người cao niên nhất trong nhà cho biết: Người mông nghèo lắm, phải lo cái ăn cho đến tận lúc đẻ thì làm gì có tiền đi trạm xá, chỉ đẻ ở nhà thôi. Bà đẻ 8 người con cũng đều đẻ ở nhà cả. Lúc có thai bà vẫn làm quần quật trên nương, bao giờ đau bụng thì chạy về, trải tấm ni lông xuống cạnh cái cột ở giữa nhà rồi ôm cột mà rặn cho con rơi ra. Có lần thì bà có người giúp, nhưng cũng có lần về nhà chẳng có ai, thế là bà tự đẻ rồi tự cắt rốn cho con mình. Đến bây giờ, các con dâu, con gái của bà cũng chưa bao giờ xuống Trạm Y tế xã để sinh.

 

Ông Vương Văn Tình, Trưởng xóm Bản Tèn cho biết: 5 năm trở lại đây mới có người xuống Trạm Y tế xã để đẻ, nhưng số lượng cũng không nhiều. Hiện tỉ lệ sinh con tại nhà ở xóm Bản Tèn vẫn chiếm khoảng trên 80%, cứ 2 -3 năm lại có trường hợp trẻ sinh ra bị chết do không kịp cấp cứu.

 

Được biết, hằng năm, xã đều cử cán bộ dân số lên tuyên truyền về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà con, nhưng tuyên truyền xong đâu lại vào đó. Việc sinh con tại nhà đã trở thành thói quen lạc hậu ăn sâu vào nhận thức của người dân nơi đây. Chị Lý Thị Viền, cán bộ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em của xã Văn Lăng tâm sự: Nhận thức của bà con người Mông còn hạn chế nên việc xuống Trạm y tế chờ sinh rất hiếm khi xảy ra, chỉ những ca nào khó sinh lắm thì người nhà mới đưa xuống Trạm, mà khi xuống được đến nơi thì hầu như cả mẹ và con đều đã rơi vào tình trạng nguy hiểm khiến các bác sĩ và y tá rất vất vả.  Mới tháng trước, chúng tôi tiếp nhận sản phụ Đào Thị Hoa, sinh năm 1997, ở xóm Mỏ Nước xuống Trạm Y tế cấp cứu trong tình trạng suy thai cấp, khi lấy được con ra khỏi bụng mẹ thì đứa trẻ đã có hiện tượng tím tái, nhưng nhờ có sự can thiệp kịp thời của y học nên vẫn cứu được cả mẹ và con. Lúc hỏi người nhà, chúng tôi mới biết sản phụ đã đau bụng nhiều từ ngày hôm trước mà đến trưa hôm sau mới được đưa xuống Trạm Y tế. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, hai xóm trên hiện có 128 người trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó xóm Bản Tèn có 102 người. Trung bình mỗi năm 2 xóm có khoảng 20 phụ nữ mang thai nhưng chỉ có 3-4 người sinh con tại Trạm.

 

Sinh con tại nhà đã trở thành thói quen khó thay đổi đối với phụ nữ người Mông ở Văn Lăng và những câu chuyện buồn khi sinh con tại nhà vẫn cứ diễn ra…