Mất ATVSTP tại các quán nước vỉa hè

10:49, 15/06/2013

Lâu nay, các quán trà đá, nước mía vỉa hè đã trở thành điểm hẹn của nhiều người, khách hàng gồm đủ các thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Không thể phủ nhận những tiện ích mà những quán nước vỉa hè mang lại, đó là đáp ứng được nhu cầu giải khát với giá bình dân, nơi bạn bè gặp gỡ, “tán” chuyện, bàn công việc hay đơn giản chỉ là để ngồi hóng gió trời. Tuy nhiên, nguy cơ mất vệ sinh an toàn vệ sinh ở các quán nước vỉa hè là rất cao.

Quán trà đá tập chung nhiều ở khu vực Quảng trường 20-8, cổng các trường đại học, cao đẳng và một số cơ quan hành chính của tỉnh. Các quán trà đá đông khách nhất là vào buổi chiều và tối. Đồ nghề của các quán này khá đơn giản, thường chỉ là một chiếc bàn nhỏ bày hàng, vài bộ bàn ghế nhựa hoặc manh chiếu. Với giá bán 2 nghìn đồng cốc trà đá hoặc nhân trần, 10 nghìn đĩa hướng dương, 15/đĩa xoài xanh…, quán đông khách mỗi ngày có thể kiếm được từ 200-300 nghìn đồng.

 

Chị Hoa một chủ quán trà đá gần cổng Trường Đại học Sư phạm cho biết, mỗi ngày bình quân chị bán được khoảng 200 đến 300 cốc trà đá. Cùng với trà đá, nước mía cũng là lựa chọn để giải khát của rất nhiều người trong những ngày nắng nóng. Nhanh gọn, thỏa được cơn khát, giá bình dân là ưu điểm vượt trội của các quán nước vỉa hè. Tuy nhiên bên cạnh đó, vấn đề đặt ra từ các quán kiểu như thế này chính là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trà thường được các chủ hàng pha sẵn để trong từng ca hoặc trong chai nhựa. Sau đó được pha thêm nước lọc khi có khách uống. Tuy nhiên, rất khó để biết nước chế thêm có phải nước đã được đun sôi hay qua xử lý để đảm bảo vệ sinh hay không, bởi với vài trăm cốc trà đá mỗi ngày, lượng nước cần dùng tương đối lớn. Còn đá ở hầu hết các quán chúng tôi trực tiếp khảo sát đều là đá cây, loại chuyên dùng để ướp thực phẩm. Và người tiêu dùng cũng không thể phân định được loại đá này được làm từ nguồn nước như thế nào?

 

Dạo quanh các hàng bán nước mía, hầu hết các quán đều có vài cây mía được cạo sạch vỏ ngoài rồi dựng vào một chỗ nhưng không hề được che đậy. Đương nhiên các khúc mía này sẽ nhiễm bụi bẩn và bị ruồi nhặng mang mầm bệnh bám vào…

 

Tôi trò chuyện với Nam, sinh viên năm thứ 3, Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Mình uống nước thế này có vẻ không được vệ sinh lắm thì phải?.

- Chị thử nhìn xem, mỗi ngày người ta bán bao nhiêu cốc nước, hàng chục thậm chí hàng trăm người uống vào mấy cái cốc kia mà cả ngày họ chỉ có 1 xô nước gọi là để “tráng” cốc. Người này uống xong lại rót cho người khác, nhiều khi không kịp cả tráng cốc thì lấy đâu ra mà sạch.

 

Quang, sinh viên năm thứ 2, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên xen vào câu chuyện: Cốc uống chung đụng, lại không được rửa sạch sẽ nghĩ cũng thấy ghê ghê, nhỡ ông nào vừa bị bệnh truyền nhiễm thì lây qua là cái chắc. Nhưng mà “khuất mắt trông coi” chứ nếu cứ nghĩ đến thì cũng không dám uống trà đá đâu. Ngồi “chém gió” thì ở quán trà đá là tiện nhất, ít tiền cũng ngồi được không như vào quán cà phê.

 

Rõ ràng khách hàng cũng biết đến cái hại của những quán nước kiểu này song vẫn chấp nhận vì phù hợp với túi tiền và tiện lợi. Chính sự dễ dãi của khách hàng phần nào đã tiếp tay cho sự cẩu thả của người bán hàng. Qua thực trạng mất VSATTP tại các quán nước vỉa hè nêu trên, để bảo vệ cho sức khoẻ của bản thân, người tiêu dùng hãy trở thành khách hàng thông thái…