Người có nhiều đóng góp cho công tác an toàn giao thông

08:32, 26/06/2013

Năm 2004, khi phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia tách tổ dân phố, chị Trịnh Thị Huệ được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 32.

Để Chi hội hoạt động hiệu quả, chị tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước do các cấp Hội phát động. Từ đó làm dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, tiến bộ, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc” trong phụ nữ địa phương. Bản thân chị thường xuyên đi sâu, đi sát nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng chị em để vận động chị em vào Hội cũng như quan tâm giúp đỡ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

 

 

Bên cạnh đó, chị cũng tìm cách đổi mới nội dung sinh hoạt chi hội, vận động hội viên đóng góp hội phí, xây dựng quỹ hội để có nguồn thăm hỏi và giúp phụ nữ nghèo. Chị đã vận động 80 hội viên trong chi hội tham gia thực hiện mô hình tiết kiệm “nuôi lợn đất” và thành lập được 3 tổ nhóm tiết kiệm xoay vòng, nhằm giúp cho những phụ nữ lúc khó khăn có vốn để kinh doanh hoặc lo những công việc đột xuất của gia đình. Với số tiền quay vòng mỗi tổ 10-15 triệu đồng/năm, 7 năm trở lại đây, đã có hằng trăm lượt hội viên được vay không phải trả lãi để đầu tư kinh doanh, ổn định cuộc sống gia đình. Đơn cử như trường hợp của chị Phùng Thị Lệ Hằng, chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi 2 con ăn học. Từ số tiền được vay không lấy lãi của chi hội, chị Hằng đã mở rộng cửa hàng kinh doanh nước giải khát, nhờ đó, đến nay, cuộc sống của mẹ con chị Hằng đã ổn định hơn. Không chỉ quan tâm chia sẻ với khó khăn của hội viên, khi nghe tin hội viên nào gặp khó khăn hay ốm đau, chị kịp thời đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nên được chị em trong tổ rất quý mến.

 

Đặc biệt, năm 2005, khi Chi hội được tỉnh, thành phố chọn làm điểm để thành lập Chi hội phụ nữ tự quản về an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị, chị đã tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Ngay sau lễ ra quân, trong vai trò là Chi hội trưởng, chị đã tập hợp chị em để bàn bạc và thống nhất thành lập ra Ban điều hành tổ phụ nữ tự quản gồm 4 chị em, đề ra quy chế hoạt động, có phân công nhiệm vụ cụ thể của trưởng ban, phó ban và các ủy viên; tổ chức cho chị em phụ nữ trong tổ ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị với Hội phụ nữ phường và công an khu vực. Hằng tuần, các thành viên trong Ban điều hành đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở toàn bộ nhân dân trong tổ thực hiện tốt về an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị; phát tờ rơi tuyên truyền an toàn giao thông; đến từng nhà hội viên, tuyên truyền về mục đích của việc đảm bảo an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị, đồng thời phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho từng thành viên trong mỗi gia đình nhằm nâng cao nhận thức cho họ về vấn đề này. Theo đó, hằng tháng, chị tập hợp các thành viên để rút kinh nghiệm về các nội dung hoạt động của Ban điều hành vào ngày 25; họp hội viên để nhắc nhở và đề ra các biện pháp thực hiện vào ngày 27. Với việc kiểm tra, đôn đốc không kể ngày, giờ của Ban điều hành, chị và các chị em trong Ban đã nắm bắt được mọi diễn biến về an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị trên địa bàn tổ - một trong những địa bàn phức tạp, nằm gần bến xe Thái Nguyên, chợ Đồng Quang, nơi có các trường học như THPT Lương Ngọc Quyến đóng chân - và qua đó đã nhắc nhở những trường hợp vi phạm kịp thời. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm có mô hình phụ nữ tự quản, tình hình an toàn giao thông và trật tự mỹ quan đô thị trên địa bàn tổ dân phố 32 đã có những chuyển biến rõ rệt. Trước đây, dọc các tuyến đường chính, người dân tùy tiện lấn chiếm lòng, lề đường, dựng ô che trái vẩy để mở quán hàng hoạt động kinh doanh làm xấu cảnh quan môi trường đô thị, cản trở đến trật tự an toàn giao thông. Hiện tượng học sinh của Trường THPT Lương Ngọc Quyến tan học đi hàng đôi, hàng ba tràn ra đường; một số cháu nhỏ dùng vỉa hè, lòng đường để đá bóng, đá cầu… đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm thực hiện mô hình tự quản, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; học sinh đi hàng đôi, hàng ba gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị đã không còn, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tổ dân phố 32 đã giảm hẳn. Điều đáng nói là không chỉ duy trì công tác này thường xuyên nhiều năm qua, mà đến nay, mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị.

 

Với nhiều nỗ lực, từ năm 2006 đến nay, chị đã được UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tặng nhiều bằng khen và giấy khen vì đã có thành tích trong công tác bảo đảm an toàn giao thông cũng như tổ chức có hiệu quả các phong trào do Hội Phụ nữ cấp trên phát động. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, chị rất khiêm tốn: Những kết quả đạt được đều là nhờ sự đồng thuận của chị em hội viên. Tôi chỉ góp một phần công sức nhỏ bé vào đó thôi.

 

Dù chị chia sẻ như vậy nhưng chúng tôi hiểu, để có được kết quả như ngày hôm nay, với vai trò là người dẫn đầu “đoàn tàu”, chị đã luôn gương mẫu và trách nhiệm với mọi công việc được giao.