Tôi xin mượn tên bộ phim: “Người giàu cũng khóc” của Mexico để viết về những gia đình có người thân bị lây nhiễm HIV/AIDS ở Thái Nguyên. Bởi rất nhiều người giàu tôi gặp đã rơi nước mắt, bất lực khi biết người thân của mình mắc căn bệnh mà nền y học thế giới chưa tìm được thuốc chữa.
Nước mắt HIV
Đợi con trai lái chiếc xe ô tô 4 chỗ đen bóng ra ngoài cổng, ông Trần Văn Hùng, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) mới dám nói:
- Nó bị HIV từ 3 năm nay. Ông đi nhiều, thấy ở đâu người ta chữa được bệnh cho nó, ông giúp tôi (?).
- Bệnh… đã mắc, tốt nhất ông động viên cháu thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Đã nhiều lần nghe ông Hùng nói chuyện tìm thầy chữa bệnh HIV cho con trai, hết thuốc bắc, thuốc nam rồi ông cũng thở dài. Nhưng bản năng của một người làm bố, không thể thấy con bước dần về cõi chết mà không cứu. Ông bảo: Tôi sẵn sàng bỏ ra vài tỉ đồng để đưa nó sang Mĩ thay máu, hoặc nếu được chết thay, tôi cam lòng. Ông Hùng chỉ là một trong rất nhiều người làm cha, mẹ phải nuốt giọt nước mắt cay đắng khi biết con mình bị lây nhiễm HIV. Hơn thế, có những phụ huynh không còn khóc được vì trong nhà có tới 3 con trai đang chung sống với căn bệnh HIV/AIDS.
Tôi còn nhớ 3 năm trước đây, khi đến thăm 1 bà mẹ ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ), bà mẹ có 5 người con trai, thì cả 5 đều chết vì căn bệnh này. Xấu hổ hơn là khổ đau, bà mẹ đã để di ảnh của các con vào trong tủ… để thờ. Hôm đầu tháng 6-2013, gặp anh Nguyễn Mạnh Trung (Hùng Sơn, Đại Từ). Hỏi thăm gia cảnh, anh Trung buồn nản, bảo: Tôi đã bỏ ma túy, còn em trai tôi đã chết vì căn bệnh HIV/AIDS. Những ngày cuối đời, khắp người nó lở đầy mụn nhọt, vợ con cũng không dám gần.
Tôi ra về, từng bước chân nặng nề khi nhớ lại bao cuộc đời nhạt thếch. Như chuyện chị Hoàng Thị Mừng (Võ Nhai), sau 2 năm đi làm ăn xa, trở về quê có lưng lửng vốn, chị lấy chồng, sinh được 1 con trai. Chưa kịp ăn mừng thì anh chồng phải đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV. Ai cũng đinh ninh chắc chắn do anh ta đổ bệnh cho vợ, rồi lây sang con. Sau mấy lần làm xét nghiệm đều kết quả âm tính, nỗi oan được giải, anh chồng tốt bụng không trách vợ một lời, bảo: Cái số nó thế, mình chịu thế.
Biết trách ai khi việc đã lỡ, bệnh đã mang, nhưng căn bệnh HIV chưa có thuốc chữa làm bao gia đình phải tan nát. Kể cả những người luôn cậy mình có nhiều tiền của: Ông Đào Xuân Dũng công tác ở một trường thuộc Đại học Thái Nguyên có 1 con trai bị HIV. Ông bảo: Tôi sẵn sàng bán cả ngôi nhà mình đang ở để cứu nó. Còn ông Phan Văn Mạnh cũng có con trai độc nhất bị HIV, tiếng là người cứng rắn, chẳng biết sợ ai, nhưng khi đưa con đến Trung tâm tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS, cầm trong tay kết quả dương tính, ông đã quỵ xuống, nghẹn ngào, miệng lắp bắp hỏi thầy thuốc: Hết bao nhiêu tiền thì chữa được?.
Những nẻo đường ma túy
Vào nghĩa trang Dốc Lim, nhìn ngôi mộ phủ đầy vòng hoa trắng, tôi biết người đang nằm dưới ba tấc đất kia chưa một lần tạo dựng hạnh phúc. Buồn thay, ngay cả người thân đưa tiễn kẻ xấu số đến đây, cũng thảng thốt động viên nhau: Nó chết sớm 1 ngày, xã hội cũng vơi đi 1 gánh nặng.
Biết, ma túy là con đường ngắn nhất dẫn đến căn bệnh HIV/AIDS. Nhưng có rất nhiều lý do dẫn dụ con người ta dấn thân vào rồi không thể quay trở lại cuộc sống đời thường. Như trường hợp anh Trần Văn Cường, con trai ông Hùng ở đầu bài viết. Anh Cường nghiện ma túy từ năm thứ 2 ở trường đại học. Anh kể: Lúc đầu theo bạn chơi thử thuốc cho vui, dần thành quen, nghiện khi nào không hay. 9 năm mắc nghiện, 12 lần tự cai nghiện ma túy. Mỗi lần cai được vài tháng Cường lại tái nghiện. Cường bị lây nhiễm HIV từ bạn chung chích ma túy. Song Cường vẫn có ý nghĩ phải cai được heroine để khi chết không mang tiếng là 1 thằng nghiện. Cường bảo: Bố mẹ em có rất nhiều tiền, trước đây em mang ô tô, xe máy đi cầm đồ lấy tiền mua ma túy. Sáng cắm thì chiều bố đến “nhổ” (chuộc). Mỗi lần như thế, em đi chơi với bạn nghiện, hết tiền lại về. Bố đánh đã có mẹ đỡ, nên em không sợ. Chán! Bố em bảo: Mày thích đâm đầu vào chỗ chết, tao cho tiền, mày không phải cắm cốp, không phải đi trộm cướp.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) nói với tôi cay đắng: Cũng bởi cái chức vụ tổ chức đặt lên vai mà lắm kẻ ra vào luồn cúi. Tội nợ là trong 2 thằng con trai của tôi, thằng lớn theo được nghiệp bố, còn thắng nhỏ theo nghề… lùa trâu qua lỗ kim, tức là hút thuốc phiện. Bà Trần Thị May, vợ ông Hoàng góp chuyện: Cũng vì cái chức của bố nó mà người ta đến nhà nịnh bợ, ngày Tết cứ lũ lượt đến chơi, mừng tuổi cho thằng lớn, thằng nhỏ cả chục triệu đồng, hỏi sao con tôi không hư hỏng. Ông Hoàng cắt ngang: Thì mẹ con nhà bà lúc nào cũng bao biện cho nhau, giờ thì… hết đường cứu.
Ông Dương Văn Tùng (phường Quang Trung T.P Thái Nguyên) phàn nàn: Ngày còn công tác, tôi cấm ngặt việc vợ con nhận quà của nhân viên cơ quan, song người ta vẫn cứ dấm dút đánh vào lòng tham của đàn bà, khiến vợ chồng nhiều phen suýt… giải tán. Buồn nhất là, có với nhau 3 đứa con, 2 gái được nên người, còn thằng con trai, nghiện ma túy không thể bỏ được.
Chị Trần Thị Xuân, giáo viên của 1 trường học trong thành phố, khi mới yêu anh Nguyễn Văn Bằng (phường Phan Đình Phùng) có bố làm giám đốc của một cơ quan Nhà nước, biết anh Bằng nghiện hút, bạn bè can ngăn, nhưng chị Xuân quyết sẽ cảm hóa chồng bằng tình yêu. Rồi, 2 năm sau, họ có 1 con chung và đưa nhau ra tòa ly dị. Trước tòa, chị Xuân nghẹn ngào trong nước mắt: Bố chồng làm giám đốc, ông ấy cho vợ chồng tôi rất nhiều tiền, nhưng cho bao nhiêu chồng tôi cũng đốt hết. Tôi không thể chung sống với anh ấy được nữa.
Lao vào con đường nghiện ngập ma túy, tìm một lối ra khó khăn biết nhường nào. Ông Trần Văn Bình (phường Túc Duyên) kể: Ngày đương chức, tôi đã kiếm được tiền mua nhà ở T.P Vũng Tàu; T.P Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng bây giờ… ông xòe đôi bàn tay như cái thuở còn nhỏ, ông vẫn thường đi rừng lấy củi với bạn đồng niên. Ông thở dài: Tất cả đã sang hết tên người khác cũng bởi 2 thằng con tối ngày chỉ quanh quẩn với mấy tép heroine.
Vì ma túy, không ít người phải tán gia, bại sản, anh em chia lìa, thậm chí phải trả giá bằng cả phần đời trẻ trung trong trại cải tạo. Tôi mong trong cuộc đời dần bớt đi những cảnh đời bần hàn vì ma túy. Và mong những người đã trót lỡ lầm sa ngã vào phù du ảo giác, bị lây nhiễm HIV hãy gượng dậy làm lại cuộc đời.
Khi ngồi viết bài này, tôi đã trăn trở, suy tư rất nhiều bởi các nhân vật trong bài đều là người tôi quen, thân, nên đành nêu chệch tên húy, chỗ ở để không mạo phạm đến những người bạn, nhất là trước đây, trong số họ có người từng là người của công chúng…