Với ý chí của một người lính, sự gương mẫu của Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Nguyễn Xuân Hợi ở xã Mỹ Yên (Đại Từ) đã cùng con trai biến vùng đất rộng trên 6ha ở chân núi Miễu hoang vu và đầy cây dại thành trang trại. Ông Hợi và cậu con trai sinh năm 1990 đã thay nhau “nằm gai, nếm mật” suốt 5 năm trời để đào đất, phá đá, dẫn nước từ khe núi Lũng Báng về làm ao, thủy điện; cha con ông đã tự vận chuyển hàng chục tấn vật liệu, thép gai qua quãng đường dốc gần 2km lên núi làm nhà ở, chuồng trại, rào chắn…
Tiếc đất “vàng” bị bỏ phí
Khu đất dưới chân núi Miễu từ năm 1976 đã được những xã viên cao tuổi của HTX Mỹ Trạng khai phá trồng chè nên người dân địa phương thời ấy đã đặt cho cái tên “bãi chè các cụ”. Vùng bình địa, bao quanh bởi 2 khe nước Dõng Han và Ổ Chim này có thời gian đã bát ngát màu xanh của chè. Nhưng sau gần 20 năm tồn tại, HTX Mỹ Trạng buộc phải giải thể do cơ chế bao cấp không còn phù hợp, diện tích chè được chia nhỏ, giao cho các xã viên quản lý. Cách xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn nên dần dần vùng đất này trở nên hoang hóa, lau sậy, sim mua đua nhau mọc chen chỗ của chè, sự xuất hiện của con người ở vùng đất này cũng ngày một thưa vắng.
Năm 1995, ông Nguyễn Xuân Hợi xuất ngũ về địa phương, thấy vùng đất chân núi Miễu có tiềm năng phát triển kinh tế nhưng lại bị bỏ hoang, nên ông đã vận động những xã viên được chia đất trước đây nhượng lại và quyết tâm lên núi “lập nghiệp”. Một căn lều lợp tạm bằng cỏ tranh, ngày ngày cơm nắm, muối vừng, ông Hợi đã cày cuốc để trồng trọt. Năm 1998, ông Hợi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm, rồi Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Yên nên công việc khá bận rộn, việc phát triển trang trại đành phải dừng lại. Ông Hợi tâm sự: “Tôi rất đam mê phát triển kinh tế nhưng khi làm Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Nông dân xã, thời gian bó buộc, gia đình lại neo người vì 5 cậu con trai còn nhỏ mà làm kinh tế thiếu sát sao sẽ không có hiệu quả. Tính đi, tính lại, tôi đành tạm gác việc làm trang trại để tham gia công tác xã hội nhưng vô cùng tiếc quỹ đất ở chân núi Miễu…”.
Là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Hợi luôn day dứt một điều hội viên quê mình chưa tận dụng tiềm năng quỹ đất tại địa phương để phát triển kinh tế mà hết mùa cấy, gặt lại kéo nhau đi làm thuê. Đặc biệt khi đi vận động hội viên phát triển kinh tế hộ, có người nói: “Chủ tịch Hội vì vất vả mà bỏ dở phát triển trang trại để làm cán bộ, giờ lại động viên chúng tôi làm thì không thuyết phục”. Câu nói này khiến ông Chủ tịch Hội Nông dân xã chạnh lòng nhưng thấy đúng vì tuyên truyên không gắn với mô hình cụ thể thì khó thuyết phục hội viên. Hiểu được sự suy tư của bố, cậu con trai út của ông là Nguyễn Tuyên Huấn mới 18 tuổi quyết tâm lên núi Miễu tiếp tục thực hiện những phần việc trang trại còn dở dang. Ông Hợi trong lòng mừng thầm nhưng vẫn lo cậu con trai mới lớn bồng bột, nhanh thối chí nên làm công tác tư tưởng rất kỹ, nói hết những khó khăn phải chịu đựng ở nơi rừng hoang. Cha, con quyết tâm nên ngày thường chàng trai trẻ Nguyễn Tuyên Huấn một mình cặm cụi khai phá, thực hiện các công trình theo ý tưởng, kế hoạch của bố, mặc cho bạn bè cùng trang lứa giễu cợt. Cứ vào ngày nghỉ, ông Hợi mua thêm lương thực, vật dụng cần thiết lên thay phiên cho con. Suốt trong thời gian 5 năm, 2 cha con ông Hợi cần mẫn như những chú ong thợ, xây dựng trang trại của mình.
Có sức người... đất hoang cũng ra tiền của
Theo con đường mòn chỉ vừa một lối đi, vắt qua suối Cái, ngược đèo Vòi Voi, chúng tôi lên trang trại của cha con ông Hợi. Trước mắt chúng tôi, trên vùng đất rộng 6ha, trên 2.000 cây lim xanh (trồng khoán cho Vườn quốc gia Tam Đảo) đã mọc cao quá đầu người, những khoảng đất trống còn lại được trồng xen cây màu ngắn ngày như: khoai, sắn, đậu tương. Đàn vật nuôi trong trang trại của ông Hợi có nhiều loại, như: lợn rừng, dê, trâu, bò, gà ta và năm nay mới có thêm cá vì đào được ao.
Tôi hỏi ông Hợi: Mô hình này cho thu nhập có khá không bác?
- Làm nông nghiệp lãi suất thấp nên ngoài tiền công trồng, chăm sóc rừng cho Vườn Quốc gia Tam Đảo được khoảng 10 triệu/năm, trang trại cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, cha con tôi cũng còn đủ ngày công nhưng cái được lớn nhất là trang trại đã hình thành rõ ràng, những điều cần thiết để phát triển như hệ thống hàng rào, đường nước, thủy điện, ao, chuồng đã được xây dựng quy củ nên từ nay chi phí sẽ giảm, lợi nhuận sẽ tăng dần. Tôi đang chuẩn bị đầu tư tiền thuê máy súc làm một con đường nhỏ đủ để xe máy từ dưới làng lên tận trang trại phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.
Tôi quay sang hỏi anh Nguyễn Tuyên Huấn: Trong 5 năm qua, có lúc nào anh muốn bỏ dở công việc không?
- Ngày mới lên đây làm kinh tế tôi cũng thấy buồn lắm vì chỉ có mỗi mình, bao quanh là rừng rậm, nhất là để đưa được đường nước từ khe núi về đây em đã phải đào đường ống dài tới 1,5km, làm bật cả máu tay. Khi đó có vài người bạn ở dưới làng gọi điện mời đi ăn cỗ hoặc ra huyện hát ka ra ô kê, em cũng thấy tủi và thiệt thòi. Nhưng đã hứa với bố, cộng thêm toàn bộ tiền bạc của gia đình tích lũy, vay mượn đều đầu tư vào đây nên em tự nhủ phải từ bỏ hưởng thụ, chuyên tâm lao động.
Bà Hà Thị Thử, một người dân ở xóm Chùa bộc bạch: “Khi ông Hợi giao cho cháu Huấn lên núi Miễu làm trang trại, cả làng ai cũng nói chỉ có phá sản, vì cậu thanh niên tuổi còn ham chơi làm sao chịu được vất vả. Giờ mọi người đều khen nghị lực của cậu thanh niên này và động viên con cháu mình lao động chăm chỉ sẽ có cơ hội làm giàu”. Mạnh mẽ, tốt tính, ham làm nên Huấn đã được đoàn viên, thanh niên xóm bầu làm Bí thư Chi đoàn và một cô giáo dạy mầm non tại xã đã đem lòng yêu thương, họ chuẩn bị kết thành đôi lứa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Chu Thị Nhì, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên đánh giá cao mô hình trang trại của ông Hợi vì có tác dụng cổ vũ rất lớn cho phong trào tận dụng đất đồi bãi phát triển kinh tế hộ của nông dân trong xã.
Trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người học Bác ở từng việc làm, đức tính tốt và ông Hợi đã thực hiện được điều: Nói đi đôi với làm; gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Việc làm của anh Nguyễn Tuyên Huấn đã góp phần khẳng định và tô đậm thêm khẩu hiệu của tuổi trẻ đó là: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...