Vỉa hè 2 bên đường Thanh Niên dài trên 400m thuộc phường Trưng Vương mới đây đã được UBND T.P Thái Nguyên cấp phép tạm thời cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đại Nam (Công ty Đại Nam) sử dụng vào mục đích kinh doanh giới thiệu sản phẩm ẩm thực văn hóa trà và phố ăn đêm. Sau 4 tháng đi vào hoạt động, bước đầu nhận định đây là ý tưởng sáng tạo của Công ty Đại Nam và sự mạnh dạn của UBND T.P Thái Nguyên trong công tác quản lý đô thị, tạo việc làm cho lao động tự do. Mặc dù vậy, đơn vị được cấp phép cần tiếp tục kê chỉnh các hoạt động chuyên môn để đảm bảo các vấn đề: An toàn giao thông, cháy nổ, vệ sinh môi trường, mỹ quan…
Trước nhu cầu về nơi kinh doanh của các hộ dân lấn chiếm lòng đường khu vực Quảng trường 20-8, vỉa hè các tuyến đường: Đội Cấn, Bến Tượng, Bến Oánh (thuộc phường Trưng Vương) làm nơi kinh doanh và đề xuất của Công ty Đại Nam về thực hiện ý tưởng phố ẩm thực, ngày 30/11/2012, đại diện 11 cơ quan chức năng, đơn vị liên quan trong tỉnh đã họp để thống nhất ý kiến về nội dung cho phép sử dụng vỉa hè đường Thanh Niên phục vụ việc kinh doanh, giới thiệu ẩm thực văn hóa trà và phố ăn đêm. Đại diện các sở: Giao thông, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, UBND T.P Thái Nguyên…đều nhất trí với đề xuất của Công ty Đại Nam nhưng yêu cầu đơn vị này phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; thời gian kinh doanh chỉ được thực hiện từ 16 giờ đến 24 giờ hàng ngày; tự nguyện tháo dỡ lều quán và tạm dừng hoạt động kinh doanh khi Nhà nước cần sử dụng tới vỉa hè đường Thanh Niên (vấn đề này tiếp tục được đưa ra nghị sự tại phiên họp của Ban Thường vụ Thành ủy Thái Nguyên tháng 12/2012). Từ ý kiến đề nghị của UBND T.P Thái Nguyên, các ngành chức năng của tỉnh, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty Đại Nam thực hiện ý tưởng kinh doanh, giới thiệu ẩm thực văn hóa trà và phố ăn đêm trên diện tích 1.000m2 vìa hè đường Thanh Niên.
Việc các cơ quan chức năng cẩn trọng khi cấp phép tạm thời sử dụng vỉa hè đường Thanh Niên cho Công ty Đại Nam làm nơi kinh doanh là cần thiết vì nếu không sẽ lợi bất cấp hại. Về phía Công ty Đại Nam, sau khi được cấp phép đã chia lô, thiết kế hệ thống điện, nước, lắp đặt 2 nhà vệ sinh di động, đảm bảo cho 35 gian hàng kinh doanh giải khát, ăn nhanh hoạt động theo giờ cấp phép. Điều ấn tượng là 35 gian hàng đã tạo việc làm cho khoảng 250 lao động tự do (là các hộ trước đây chiếm lòng đường để làm nơi bán mũ, hoa, thực phẩm tại khu vực Quảng trường 20-8). Ông Đỗ Trọng Nguyên, một người kinh doanh ở phố ẩm thực Đại Nam cho biết: 3 lao động trong gia đình tôi không có nghề nghiệp ổn định, trước đây bán hàng tại khu vực Quảng trường 20-8 nên thường xuyên bị lực lượng quản lý đô thị xử lý. Từ khi vào đây kinh doanh, tâm lý thoải mái vì không phải lén lút, lo bị xử phạt, thu nhập bình quân cũng đạt 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Các hộ ở đây đều cảm ơn các cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên, của tỉnh đã tạo cơ hội để có việc làm ổn định và đóng thuê cho Nhà ước…”. Phố ẩm thực Đại Nam giờ cũng trở thành điểm đến của nhiều người dân để giải khát, ẩm thực, ngắm cảnh sông Cầu vào giờ nghỉ làm buổi chiều.
Từ hoạt động kinh doanh này, Công ty Đại Nam đã có nguồn thu và thực hiện nộp phí cho Nhà nước theo mức 30 nghìn đồng/m2/tháng (theo Quyết định số 286/2007/Q-UBND ngày 2/2/2007 của UBND tỉnh); các hộ kinh doanh cũng đã thực hiện việc nộp thuế theo quy định; tình trạng một số đối tượng nghiện ma túy thường tụ tập tại tuyến đường này để sử dụng ma túy trái phép không còn; hành lang đường Thanh Niên, đề sông Cầu cũng đã được vệ sinh sạch sẽ...Theo anh Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty Đại Nam: Khi đi vào hoạt động, đơn vị thấy cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống cấp, thoát nước, bổ sung thêm nhà vệ sinh di động, thiết kế bãi đỗ xe để không gây ảnh hưởng tới giao thông. Đặc biệt, đơn vị đã tăng cường 6 cán bộ thường trực để giám sát các hộ kinh doanh chấp hành quy định về phòng, chống cháy nổ, hành vi thiếu văn hóa trong kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự.
Những kết quả ban đầu nêu trên cho thấy việc UBND T.P Thái Nguyên giao cho Công ty Đại Nam khai thác vỉa hè đường Thanh Niên là phù hợp những vẫn cần thường xuyên giám sát để hoạt động này đảm bảo hài hòa các lợi ích và không gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Từ ý tưởng này, UBND T.P Thái Nguyên cũng nên cân nhắc để giao cho các tổ chức, cá nhân khai thác vỉa hè theo giờ tại một số tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít để thu được phí, thuế, tạo việc làm cho lao động tự do và điều quan trọng hơn là công tác quản lý đô thị được thuận lợi, tránh được tình trạng “bắt nhái bỏ đĩa”.