Bất chấp lệnh cấm, lò gạch thủ công vẫn nhả khói

11:32, 19/07/2013

Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020: Các lò gạch thủ công trên toàn quốc phải chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2010. Nhưng, hiện nay, trên địa bàn xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) vẫn còn 43 lò gạch thủ công đang ngày đêm nhả khói.

Người dân khốn khổ vì lò gạch thủ công

 

Giữa trưa hè tháng 7, lò gạch thủ công của gia đình ông Nguyễn Ngọc Trứ, xóm Cử, xã Lương Sơn vẫn đỏ rực lửa, khói trắng bốc lên mù mịt phủ kín một góc đồng. Đi dọc các tuyến đường qua những xóm: Đông, Soi, Cử, Xộp, Nhã Làng (xã Lương Sơn) chúng tôi cũng bắt gặp những cảnh tượng tương tự. Thời tiết mùa hè nóng nực lại thêm những luồng khí than bốc lên từ các lò gạch thủ công càng khiến cho không khí ở đây trở nên ngột ngạt hơn. Trực tiếp có mặt tại khu vực các lò gạch thủ công đang hoạt động, chúng tôi mới thấy hết mức độ ô nhiễm nặng mà người dân ở đây phải hằng ngày hứng chịu.

 

Không giấu nổi sự bức xúc khi trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhung, xóm Cử, xã Lương Sơn chỉ tay vào khu ruộng lúa trước mặt nói: Lúa đang lên xanh tốt thế này nhưng nếu lò gạch hoạt động, khói lò gạch sẽ làm cả đám ruộng vàng úa, héo quắt. Vụ xuân vừa rồi, 2 sào lúa của gia đình tôi gần như mất trắng do khói lò gạch. Chủ lò có đến thương lượng và đền bù cho gia đình tôi nhưng số tiền đền bù chẳng đáng là bao. Không chỉ cây lúa, cây ngô bị ảnh hưởng mà ngay cả các loại cây ăn quả trong vườn của gia đình tôi như: na, chuối, vải, nhãn cũng chỉ ra hoa mà chẳng bao giờ được hái quả.  

 

 

Theo phản ánh của người dân, khói lò gạch không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà nó còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe của bà con nơi đây. Bà Ngô Thị Thơm, xóm Đông cho biết: Ngay trước cửa gia đình tôi là 3 chiếc lò gạch thủ công. Nhiều năm nay, gia đình tôi phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề do khói lò gạch gây ra. Cứ mỗi khi đốt lò là cả gia đình tôi, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều ho sặc sụa. Bản thân tôi, do hít phải nhiều khí than từ lò gạch mà hiện nay đang bị mắc bệnh viêm phế quản, thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện. 

           

Chính quyền địa phương thiếu kiên quyết

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề làm gạch thủ công đã có ở xã Lương Sơn từ hàng chục năm nay. Mặc dù gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, nhưng nhiều năm qua, nghề này đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình và góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Năm 2010, khi có chủ trương chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công theo Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND xã Lương Sơn đã triển khai đến các hộ dân và yêu cầu các chủ lò gạch thủ công ký cam kết tự tháo dỡ trước ngày 31/12/2010. Tuy nhiên, sau đó do chính quyền địa phương không đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ các lò gạch thủ công nên các chủ lò tìm mọi cách trì hoãn và cố tình tiếp tục hoạt động trở lại.

 

Theo thống kê của UBND xã, từ năm 2010 đến nay, số lượng các lò gạch thủ công tự nguyện tháo dỡ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện tại, toàn xã vẫn còn 43 lò gạch thủ công đang hoạt động. Trong đó, xóm Cử nhiều nhất với 22 lò, xóm Soi 6 lò, xóm Kè 2 lò, xóm Nhã Làng 4 lò, xóm Xộp 4 lò… Bức xúc trước việc các lò gạch thủ công hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất, người dân trong xã đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền cấp xã và thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay các lò gạch thủ công này vẫn chưa được dẹp bỏ. Lý giải về tình trạng này, ông Lê Cảnh Vinh, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn thẳng thắn thừa nhận: Thời gian qua, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý các lò gạch thủ công trên địa bàn. Thực tế, chúng tôi mới chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền, vận động người dân mà chưa có bất cứ biện pháp quyết liệt nào. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, bởi hiện tại các các lò gạch thủ công đang tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn xã. Vấn đề giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho lực lượng lao động này sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công thực sự là một bài toán rất nan giải.

 

Mong muốn của người dân làm gạch

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 164/QĐ-UBND, ngày 24/1/2013 về việc phê duyệt Lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh gia hạn lần cuối cùng cho các lò gạch thủ công và thủ công cải tiến phải chấm dứt hoạt động trước tháng 6/2013 (đối với các lò nằm trong khu vực phường, thị trấn; khu vực gần khu dân cư, gần khu canh tác trồng lúa, hoa màu); còn các lò ở khu vực khác, phải chấm dứt hoạt động trước năm 2015.  

 

Sau khi nhận được Quyết định trên, hầu hết các chủ lò gạch thủ công trên địa bàn xã Lương Sơn đều bày tỏ sự ủng hộ và hưởng ứng chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều người cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn, kiến nghị.

 

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ lò gạch thủ công ở xóm Cử cho biết: Hầu hết các chủ lò gạch ở đây đều phải vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất. Có những gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng vào lò gạch. Hiện nay, đang là đầu vụ nên các lò còn tồn rất nhiều gạch mộc và nguyên liệu chưa đốt. Nếu buộc phải dừng hoạt động ngay thì các chủ lò sẽ thiệt hại rất lớn. Nhiều chủ lò khả năng sẽ vỡ nợ. Vì vậy, đề nghị các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện gia hạn thêm cho chúng tôi một thời gian để chúng tôi giải phóng nốt số nguyên liệu đã nhập về…

 

Còn anh Trần Đức Mai, người dân xóm Xộp thì lo lắng: Tôi đã làm thuê tại các lò gạch khoảng gần chục năm nay. Cả gia đình có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng, vì vậy nghề làm gạch đem nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi. Bây giờ, lò gạch bị cấm thì những lao động như tôi sẽ mất công ăn việc làm. Mong rằng Nhà nước sẽ có chính sách quan tâm tạo việc làm mới cho chúng tôi.