Câu chuyện cà phê

09:21, 01/07/2013

Việt Nam có một nền văn hóa cà phê rất khác với các nền văn hóa cà phê ở phương Tây.

Cà phê ở đây dành cho việc thưởng thức một cách chậm rãi, tương tự như cách uống của người Pháp. Tuy nhiên, người Pháp uống cà phê trước khi ngày làm việc bắt đầu. Còn ở Việt Nam, người ta thường bỏ ra ít nhất nửa tiếng mỗi lần uống cà phê và họ có thể uống vào bất cứ lúc nào trong ngày.

 

Ở trong các quán cà phê, khách hàng hầu hết là đàn ông. Thời gian gọi cà phê, chờ cà phê ra rồi chờ cà phê nhỏ giọt phải mất ít nhất mười lăm phút.

 

Trong khi đó, khách ngồi hút thuốc, đọc báo, suy tư, hoặc trò chuyện với nhau và tận hưởng thời gian rảnh rỗi. Khi ly cà phê đã sẵn sàng, họ nhâm nhi như người Scotland nhâm nhi rượu whiskey, rồi lại nói chuyện và hút thuốc.

 

Khi hỏi một người bạn những khách hàng trong quán cà phê là ai, cô ấy bảo đó là người đang làm việc. Có thể họ tự kinh doanh hoặc đi làm thuê, nhưng cái hay là họ có thể sắp xếp thời gian ngồi suy tư bên ly cà phê.

 

Thời gian nghỉ giải lao uống cà phê giữa giờ làm việc ở Việt Nam không bị quy định chặt chẽ. Những người đi làm có thể đi uống cà phê bất cứ lúc nào trong ngày, còn người thất nghiệp thì ngồi uống cà phê cả ngày.

 

Hiếm khi thấy người dân ở đây gọi cà phê mang đi. Có lẽ chỉ có phụ nữ bận đến công sở ngay thì mới chọn cách uống này. Phụ nữ có vẻ cũng ít ngồi nhâm nhi cà phê trong quán. Hình như họ quá bận với công việc, hoặc với chuyện mua sắm gia đình.

 

Thỉnh thoảng trong những quán cà phê sang trọng, cũng có những người phụ nữ ngồi thư thả uống nước. Nhưng có vẻ như họ không phải người đi làm, mà là những người dư dả tiền của lẫn thời gian.

 

Ở Việt Nam, xã hội cà phê có vẻ như thuộc về nam giới. Ở các nước phương Tây, lúc uống cà phê không phải là thời gian dành cho việc quảng giao. Ly cà phê là một phương cách đem đến sự hăng say làm việc.

 

Ở Ý, những người uống cà phê thường đứng uống nhanh một cốc espresso trước khi lao vào công việc. Họ không có nhiều thời gian để ngồi trò chuyện và nhâm nhi.

 

Sau ly cà phê khởi động đầu ngày, người phương Tây sẽ tập trung làm việc đến khoảng 11 giờ. Sau đó, họ sẽ nghỉ giải lao để uống thêm chút trà hay cà phê cho tỉnh táo.

 

Ở Mỹ, nhiều loại xe ôtô bố trí chỗ đặt ly cà phê vì người Mỹ thường có thói quen ghé xe lại một cửa hàng bên đường mua ly cà phê đặt trong xe rồi đi ngay. Không có thời gian ngồi thưởng thức cà phê trong quán, họ thường để ly cà phê của mình trong ôtô cho tiện. Thậm chí nhiều khi họ còn chẳng có thời gian để ăn sáng.

 

Một phát minh người Mỹ quen sử dụng là máy pha cà phê. Máy này được cài chương trình và hoạt động ban đêm để cà phê luôn sẵn sàng vào buổi sáng. Cách này giúp người Mỹ tiết kiệm thời gian pha cà phê. Người uống có thể vừa cầm cốc cà phê vừa uống, vừa chạy ra cửa hoặc lái xe đến công sở.

 

Tóm lại, ở các nước phương Tây, cà phê là chất xúc tác cho tinh thần làm việc. Còn ở Việt Nam, cà phê đi cùng với thú vui thư giãn với bạn bè. Có lẽ người phương Tây đặt cao năng suất lao động, còn ở một số quốc gia khác, mọi người lại đề cao sự thư giãn trong cuộc sống.

 

Mặc dù cà phê ở Việt Nam thường đậm đặc hơn cà phê ở các nước phương Tây, nhưng người thưởng thức cà phê ở đây không hề có biểu hiện gì là sẽ hăng say lao ngay vào công việc ngay sau khi giọt cà phê đầu tiên ngấm vào cơ thể. Họ vẫn thích sự từ từ và thư giãn hơn.