Để người dân không “quay lưng” với chiếu bóng lưu động

12:24, 31/07/2013

Hoạt động chiếu bóng lưu động (CBLĐ) tại vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn là một chính sách ưu tiên lớn của Nhà nước về văn hóa đối với đồng bào vùng khó khăn - những nơi được coi là vùng “lõm” về văn hóa. Nhiều năm qua, hoạt động này đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong việc phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân; là món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo nhân dân. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các kênh thông tin, giải trí ngày càng đa dạng và một vài nguyên nhân khác đã làm cho lượng khán giả của CBLĐ ngày một ít, một bộ phận người dân không còn mặn mà với hình thức này.

Xã Thần Sa nằm trong số 11 xã (có tổng số 124 xóm) của huyện Võ Nhai đang được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, đồng nghĩa với việc được thụ hưởng các chính sách ưu tiên về văn hóa theo Quyết định số 170, trong đó có CBLĐ. Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: 8/9 xóm của xã đã được đầu tư nguồn điện lưới Quốc gia, tỷ lệ các hộ dân có ti vi hiện là trên 80%, đài thì hầu như nhà nào cũng có, Internet cũng đã khá phổ biến. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các buổi CBLĐ trên địa bàn thời gian gần đây không thu hút được nhiều khán giả. Đồng quan điểm này, ông Đồng Văn Tưng, Trưởng xóm Trung Sơn nói: Xóm hiện có 100/102 hộ sắm được ti vi nên các buổi chiếu phim miễn phí tại xóm có rất ít người đến xem. Gần đây nhất, buổi chiếu phim được tổ chức vào tháng 5 vừa qua chỉ có hơn 10 khán giả.

 

 

Còn ông Lương Văn Đỗ, cán bộ văn hóa xã Thượng Nung cho biết: Có những buổi CBLĐ tại xã, khán giả ngồi xem chủ yếu là… cán bộ, một vài người dân đến “ngó qua” rồi về. Ngoài nguyên nhân do các phương tiện nghe nhìn đã phổ biến, nhiều người dân cho rằng các bộ phim trình chiếu đều đã cũ (họ đã từng xem qua), không thực sự hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu giải trí; hoặc thời điểm bắt đầu chiếu từ 19 giờ là quá sớm… 

 

Tuy nhiên các ý kiến đều cho rằng, thực trạng vắng khán giả chỉ phổ biến ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển khá, gần trung tâm xã, còn tại vùng sâu, vùng xa, nhất là ở nơi chưa có điện lưới Quốc gia thì người dân vẫn rất hào hứng mỗi khi có đội CBLĐ đến phục vụ...

 

Theo ông Nông Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc thì đối với những vùng có điều kiện kinh tê - xã hội phát triển khá, hoạt động CBLĐ không còn thực sự phù hợp, hiệu quả thấp và gây lãng phí nên cần cắt giảm số buổi chiếu. Phần kinh phí dôi ra có thể chuyển sang đầu tư cho các xóm khó khăn mua sắm trang thiết bị như: băng, đĩa, loa đài, cụm loa truyền thanh. Ông Lê Văn Tiến cũng đề xuất cắt giảm số buổi CBLĐ tại nơi có điều kiện phát triển khá để ưu tiên cho những xóm, khu dân cư thực sự khó khăn, chứ không nên ấn định số buổi chiếu theo kiểu “cào bằng” như hiện nay. Còn ý kiến của ông Lương Văn Đỗ và một số người dân thì cho rằng: Hoạt động CBLĐ vẫn cần tiếp tục được duy trì nhưng nội dung trình chiếu cần được điều chỉnh cho phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu của người xem...

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Chiến Huân, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), đơn vị thực hiện sự nghiệp CBLĐ, phân trần: Việc đổi mới nội dung trình chiếu tại các buổi CBLĐ không thuộc thẩm quyền và vượt khả năng (tài chính) của chúng tôi. Làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để khán giả quay lưng với CBLĐ luôn là trăn trở của tập thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Ngoài việc quán triệt thành viên các đội chiếu bóng thể hiện trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ tốt, đảm bảo số buổi CBLĐ, chúng tôi đã cho “cài” vào mỗi buổi chiếu các chương trình ca nhạc, thiếu nhi, thời sự và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá. Chúng tôi mong được quan tâm đầu tư kinh phí để mua sắm trang thiết bị hiện đại (như máy chiếu 3D), tự sản xuất chương trình trong khả năng có thể, đồng thời cần nhận được sự phối hợp, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng và địa phương…

 

- Năm 2013, Trung tâm Điện ảnh tỉnh được giao tổ chức 1.284 buổi CBLĐ phục vụ đồng bào vùng cao (tại 5 huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương) và các đối tượng chính sách; tổng kinh phí được giao là 2 tỷ 425,2 triệu đồng.

 

- Riêng huyện Võ Nhai được tổ chức tại 78 điểm với 310 buổi chiếu phim nhựa và phim video.