Đi từng ngõ, gõ từng nhà…

08:35, 11/07/2013

Để làm tốt công việc, chị Phạm Thị Hường đã thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động từng người thực hiện công tác dân số”. Sự kiên trì của chị đã góp phần tích cực vào thành tích 13 năm không có người sinh con thứ ba của tổ dân phố 13 phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên).

Nhiều năm làm cộng tác viên dân số, chị Hường đã vận động hàng trăm lượt người không sinh con thứ 3 và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Mặc dù vậy nhưng chị không hề quên bất cứ trường hợp vận động nào. Đối với chị, mỗi lần vận động gia đình không sinh nhiều con là một bài học để chị làm tốt hơn nữa công việc của bản thân. Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết: Năm 2004, chị được nhân dân trong tổ dân phố 13, phường Tân Thành bầu làm cộng tác viên dân số khi chị đang làm công tác y tế thôn bản.

 

 

Tổ dân phố 13 có 84 hộ dân với gần 300 nhân khẩu. Hầu hết các hộ dân trong tổ kinh doanh, buôn bán quy mô nhỏ, một số ít người là công nhân viên chức nhà nước… Chính vì vậy, việc tập hợp bà con tham dự các buổi truyền thông dân số - kế hoạch hóa ra đình (DS-KHHGĐ) của tổ là khó khăn. Bên cạnh đó, cách tuyên truyền cho các hộ dân trong tổ cũng đòi hỏi chị phải khéo léo, vận dụng những biện pháp phù hợp với từng gia đình. Chị tâm sự: Thời gian đầu làm công tác DS-KHHGĐ tôi gặp không ít khó khăn. Người dân trong tổ tín nhiệm nhưng chưa có nhiều người tin vào sự vận động của mình. Chính vì thế, tôi rất khó khi tiếp cận, giải thích để không những chị em hiểu mà cánh đàn ông cũng sẵn sàng chia sẻ việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ. Khó khăn là thế nhưng khi đã nhận nhiệm vụ thì tôi phải quyết tâm phải làm và duy trì được thành tích của tổ.

 

Để khắc phục khó khăn, chị Hường thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động từng người” tiếp cận, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chị em để từ đó tư vấn, giúp đỡ người dân những kiến thức cơ bản về kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, chị Hường còn tranh thủ các buổi họp, các dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để thực hiện lồng ghép truyền thông về DS-KHHGĐ thậm chí tranh thủ tuyên truyền về DS-KHHGĐ ngay tại khu chợ Vó Ngựa nơi chị hàng ngày bán hàng quần áo để trang bị thêm kiến thức cho người dân trong tổ. Chị Hường quan niệm, để làm tốt hơn công việc này, ngoài sự gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với mọi người, cần phải có kiến thức liên quan đến DS-KHHGĐ. Do đó, tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong lúc bán hàng chị đọc sách báo, nghe đài về vấn đề dân số chủ động học hỏi những người khác cùng làm công tác dân số. Chính vì vậy, chị Hường không chỉ giỏi về tuyên truyền mà còn biết cách hướng dẫn các biện pháp tránh thai hiện đại, hiệu quả; phòng tránh các loại bệnh lây qua đường tình dục...

 

Để vận động các gia đình không sinh con thứ ba, chị Hường đến từng nhà khảo sát và thiết lập một danh sách gần 10 cặp vợ chồng thuộc diện có “nguy cơ cao” sinh con thứ ba trong tổng số gần 50 cặp vợ chồng trong độ tuổi 15 đến 49 (độ tuổi sinh đẻ). Với các cặp vợ chồng này, chị Hường dành sự quan tâm đặc biệt và dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên đồng thời hướng dẫn họ dùng các biện pháp tránh thai hiện đại, hiệu quả qua đó chị đã khéo léo vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ ba. Ngoài ra, chị cũng nhờ sự vào cuộc của lãnh đạo tổ dân phố, chi ủy chi bộ động viên các cặp vợ chồng. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị Hường đến vận động các cặp vợ chồng, một lần họ chưa hiểu, chưa xuôi chị lại đến vận động tiếp cho đến khi họ nhận thức ra ý nghĩa, trách nhiệm xã hội của mình.

 

Nhờ vậy, đông đảo các cặp vợ chồng và người dân trong tổ đã nghe theo vận động của chị, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai tăng lên qua hằng năm và đến nay đạt gần 100%. Đặc biệt, 9 năm làm cộng tác viên dân số, chị đã góp phần duy trì thành tích tổ dân phố không có người sinh con thứ ba liên tục trong 13 năm.