Hiểm họa từ cây cầu không lan can

09:48, 31/07/2013

Mấy chục năm nay, các hộ dân của xóm Trại Cau, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) phải thường xuyên đi trên cây cầu Đen bắc qua dòng suối Hoan để đi làm nông nghiệp. Điều đáng nói là cây cầu này rất nhỏ và không có lan can bảo vệ, tiềm ẩn những tai nạn khó lường cho người dân khi qua đây.

Ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết: Xóm Trại Cau hiện có 115 hộ dân, trong đó trên 90% số hộ có diện tích đất nông nghiệp nằm ở bên kia bờ suối Hoan. Trước khi chưa có cây cầu, bà con thường qua suối bằng cách lội bộ, vào mùa mưa nước lên cao thì dùng thuyền để sang. Năm 1960, Công ty Gang thép Thái Nguyên cho xây dựng cầu Đen và giao cho Mỏ sắt Trại Cau quản lý. Mục đích là để tàu điện chở quặng của Công ty có thể di chuyển qua suối. Từ đó, bà con thường đi trên cây cầu này và những tai nạn cũng bắt đầu xuất hiện. Qua một thời gian dài không được tu sửa, cây cầu dần xuống cấp, một số thanh sắt ở dầm cầu bị han rỉ, mặt cầu bị thủng lỗ chỗ nhưng bà con vẫn thường xuyên qua lại. Năm 2007, khi Mỏ sắt Trại Cau định dỡ bỏ cầu vì không còn nhu cầu sử dụng nữa thì xã đã làm đơn xin để lại. Sau khi tiếp quản, xã đã vận động bà con đóng góp ngày công lao động cùng với sự hỗ trợ về vật chất của Mỏ sắt Trại Cau để hàn lại dầm và làm lại mặt cầu. Tuy nhiên, những việc đó chỉ phần nào hạn chế những rủi ro khi đi qua cầu Đen chứ không thể đảm bảo an toàn cho mọi người.

 

 

Chúng tôi có mặt tại đây khi trận mưa rào cuối tháng 7 vừa dứt. Đứng ở đầu cầu quan sát, chúng tôi phần nào cảm thấy được sự nguy hiểm từ cây cầu này. Cầu Đen dài khoảng 20m, rộng 2m, dầm cầu làm bằng sắt, mặt cầu được ghép từ nhiều mảnh gỗ mấp mô, có 2 đường ray nổi nằm dọc thân cầu, mỗi đường ray cách mép cầu chừng 0,5m. Khoảng cách giữa cầu với mặt suối cao khoảng hơn 10m và không có lan can. Đứng ở đó chưa đầy 10 phút, chúng tôi đã thấy rất nhiều người đi qua cây cầu này, phần lớn là đi bằng xe đạp và xe máy. Chị Âu Thị Tư, một người vừa vượt qua cây cầu dừng lại cho biết: Tôi ở xóm Trại Cau, gia đình có 4 sào lúa, cấy 2 vụ ở bên kia dòng suối Hoan nên hầu như ngày nào tôi cũng phải đi lại trên cầu Đen. Dù biết có thể bị ngã, nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không đi thì không còn đường nào để sang bờ bên kia.

 

Ghé vào một số hộ dân ở gần cây cầu, chúng tôi được nghe kể về những tai nạn đáng tiếc đã từng xảy ra tại đó. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong nhưng từ khi có cây cầu đến nay, đã có cả chục người rơi xuống dưới suối. Nhiều trường hợp còn bị gẫy chân, gẫy tay. Chị Mai Thị Hồng, một người dân trong xóm nhớ lại: Có lần, tôi đang đứng ở sân, chợt nghe có tiếng kêu cứu thất thanh từ phía cầu Đen, khi tôi cùng mọi người chạy ra đến nơi thì thấy cháu Lại Thị Thúy, người cùng xóm đã bị ngã nằm bất tỉnh ở dưới, một bên tai của cháu bị rách do cành củi đâm vào. Rất may là khi chuyển cháu đến Trạm Y tế xã, cháu đã tỉnh lại và không bị thương tích gì thêm.

 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những rủi ro trên là do lòng cầu quá hẹp, người dân lại chủ quan khi đi trên cầu. Hầu hết mọi người đều ngồi trên xe để phóng qua thậm chí còn chở theo đồ cồng kềnh. Được biết, ngoài các hộ dân của xóm Trại Cau và một số hộ dân khác trong xã phải hàng ngày đi trên cây cầu này, thì các cháu học sinh và người dân ở xóm Chí Son, xã Nam Hòa cũng thường đi qua đó để sang xã Cây Thị học tập, giao lưu, trao đổi hàng hóa. Hiện, trung bình mỗi ngày, cầu Đen phải “cõng” tới hàng trăm lượt người qua lại.

 

Theo ông Phạm Thanh Sao: Cây Thị là một xã nghèo, để xây dựng một cây cầu khác kiên cố, an toàn hơn thay cho cây cầu Đen là điều không thể. Do đó, người dân nơi đây chỉ còn cách đi qua cây cầu hiện có mặc những bất trắc, nguy hiểm có thể xảy ra. Xã chỉ biết thường xuyên nhắc nhở mọi người cố gắng đảm bảo an toàn ở mức tối đa cho mình.

 

Hy vọng trong thời gian gần nhất, cây cầu này sẽ sớm được tu sửa hoặc làm mới để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi đi qua đây.