Hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế

14:51, 07/07/2013

Ðược sự quan tâm, đầu tư của Ðảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực của ngành y tế, Việt Nam bước đầu đạt được những kết quả trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong trẻ em (MDG4) và tử vong mẹ (MDG5). Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết vào năm 2015, trong thời gian tới, ngành y tế và các ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực...

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế đã cam kết, như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới năm tuổi từ 41% năm 1990 xuống còn 16,2% năm 2012 (hoàn thành mục tiêu trước thời hạn ba năm). Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới năm tuổi giảm từ 59ọ năm 1990 xuống còn 23,2ọ năm 2012, tiếp cận với mục tiêu đặt ra đến năm 2015 là 19,3ọ. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới một tuổi cũng giảm mạnh từ 44,4ọ năm 1990 xuống còn 15,4ọ năm 2012 và tiếp cận mục tiêu đề ra cho năm 2015 là 14,8ọ. Tỷ số tử vong mẹ đã giảm mạnh từ 230/100 nghìn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100 nghìn trẻ đẻ sống. Ðáng chú ý, cùng với việc giảm mạnh các chỉ số tử vong bà mẹ, trẻ em trên mặt bằng chung toàn quốc, Việt Nam cũng có rất nhiều nỗ lực trong việc giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền về các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Hiện nay, chênh lệch tỷ lệ tử vong trẻ em dưới năm tuổi giữa nông thôn và thành thị đã giảm từ 20,3ọ (năm 2001) xuống còn 14,3ọ. Nhờ những thành tựu đó, tại Hội nghị cấp cao "Kêu gọi hành động vì sự sống còn của trẻ em" tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2012, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một trong tám quốc gia đạt tiến độ thực hiện mục tiêu MDG4 về giảm tử vong trẻ em; là một trong chín quốc gia đạt tiến độ thực hiện về mục tiêu MDG5 về giảm tử vong mẹ.

 

Ðể có kết quả nói trên, trong thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng tử vong bà mẹ - trẻ em. Các giải pháp đó nhằm cải thiện môi trường chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân; đào tạo năng lực chuyên môn cho các cơ sở y tế; triển khai các can thiệp trong việc giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong trẻ em... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế còn nhiều khó khăn và thách thức như: còn sự khác biệt lớn giữa các vùng miền; giữa các nhóm dân cư; một số chỉ tiêu về giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã giảm khá thấp, tốc độ giảm chậm lại nên việc tiếp tục giảm là rất khó khăn. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao. Tỷ số tử vong mẹ cần có sự nỗ lực rất lớn không chỉ riêng ngành y tế, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các ngành, các tổ chức xã hội, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì mới có thể đạt được mục tiêu đó vào năm 2015.

 

Thứ trưởng y tế, PGS, TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nhằm hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế vào năm 2015 mà Việt Nam đã cam kết, toàn ngành cần tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, trong đó chú trọng công tác truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số về lợi ích của việc khám thai định kỳ, nguy cơ của việc sinh con tại nhà không có sự trợ giúp của cán bộ y tế, về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em, phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và trẻ em để xử trí và chuyển đến cơ sở y tế kịp thời. Tiếp tục đào tạo cô đỡ thôn, bản cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi tập quán sinh tại nhà còn phổ biến nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ phụ nữ khi sinh không có sự giúp đỡ của nhân viên y tế đã qua đào tạo. Nhân rộng các mô hình can thiệp đã được đánh giá có hiệu quả trong việc giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em như mô hình "Chuyển tuyến dựa vào cộng đồng" tại các vùng còn nhiều khó khăn; mô hình "chăm sóc bà mẹ - trẻ sơ sinh liên tục từ gia đình, cộng đồng đến cơ sở y tế"; mô hình "ngôi nhà an toàn, lớp học an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ em"...

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nhân lực và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành sản, nhi cho các bệnh viện huyện thuộc vùng khó khăn để triển khai được các dịch vụ mổ đẻ, truyền máu, xử trí tai biến sản khoa, hồi sức sơ sinh, chăm sóc, điều trị sơ sinh nhẹ cân, non tháng và sơ sinh bệnh lý. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến xã và đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản về dự phòng và xử trí một số bệnh thường gặp ở trẻ em như viêm phổi, tiêu chảy... phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Ðồng thời, tăng cường tính sẵn có, chất lượng của mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa, cũng như sự tiếp cận của người dân nhằm hạn chế tình trạng có thai ngoài ý muốn, loại trừ tình trạng phá thai không an toàn và bất hợp pháp như hiện nay.