Sau gần 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), toàn tỉnh có gần 922 nghìn người tham gia BHYT, chiếm 80,15% dân số. Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 90% và đến năm 2020 có 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Chuyển biến tích cực
Từ khi Luật BHYT có hiệu lực tháng 7/2009 đến nay, tình hình triển khai BHYT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng trong diện được hưởng hỗ trợ như: gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số để kịp thời hỗ trợ kinh phí đóng BHYT. Từ năm 2010 đến 2012, tỉnh đã chi trên 92,5 tỷ đồng để cấp, đổi thẻ BHYT khám, chữa bệnh cho người dân. Các địa phương cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ riêng cho các nhóm đối tượng. Thay vì hỗ trợ 70% kinh phí mức tối thiểu mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã nâng mức hỗ trợ này lên 80% để người dân trong các hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền về BHYT tới đông đảo người dân đặc biệt chú trọng vào đối tượng là học sinh, sinh viên trên địa bàn; thực hiện thí điểm đối thoại với học sinh, sinh viên, giải đáp những thắc mắc về BHYT…
Để người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh một cách thuận lợi nhất khi ốm đau, tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng quy mô giường bệnh của nhiều đơn vị y tế trên địa bàn. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh đã được xây mới, sửa chữa nâng cấp; gần 90% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế xã… Đến năm 2013, toàn tỉnh có 139 cơ sở có dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Nhờ đó, số lượng người tham gia BHYT ngày càng tăng. Tính đến tháng 6/2013, toàn tỉnh có gần 922 nghìn người tham gia BHYT, chiếm 80,15% dân số. Riêng người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT đã tăng mạnh từ 11,8 nghìn người tham gia năm 2012 lên tới 22,2 nghìn người tham gia tính đến tháng 5-2013; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT cũng tăng từ 79,65 năm 2012 lên 86,03% trong năm 2013…
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Chí Dũng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho rằng: Sau 4 năm thực hiện Luật BHYT, sự huy động mức đóng góp của cộng đồng, chia sẻ gánh nặng tài chính với mỗi người khi ốm đau, bệnh tật đã được người dân trong tỉnh quan tâm; các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã thể hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc tham gia KCB cho người dân. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT và cả cơ sở KCB ở tuyến xã, huyện, thị xã, thành phố; cùng với hệ thống cơ sở y tế tư nhân và y tế cơ quan… giúp người bệnh có nhiều lựa chọn, đảm bảo được lợi ích thiết thực cho mình.
Hướng tới mục tiêu 100% dân số tham gia BHYT vào năm 2020
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 64% dân số tham gia BHYT. Theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, cả nước phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 80% dân số tham gia BHYT. Trong khi đó, theo Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 30/5/2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 90% và đến năm 2020 có 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Mục tiêu này cao hơn nhiều so với mục tiêu chung của cả nước đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, ban ngành và đặc biệt là cơ quan BHXH tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, BHXH tỉnh tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, thực hiện tốt Chương trình phối hợp giai đoạn 2012-2018 giữa Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm Xã hội tỉnh; ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên rà soát các đơn vị, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh chưa tham gia BHYT để tuyên truyền, vận động và yêu cầu tham gia theo quy định; tập trung tuyên truyền tới người lao động để họ tự giác, tự nguyện và đòi hỏi chủ sử dụng lao động đăng ký tham gia BHYT.
Đối với riêng những người thuộc các hộ cận nghèo, BHXH tỉnh đã có đề án, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phương án nâng mức hỗ trợ 100% BHYT cho hộ cận nghèo, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%. Khi được phê duyệt, 100% người dân trong các hộ cận nghèo sẽ tham gia BHYT. Với đối tượng là học sinh, sinh viên, BHXH tỉnh phối hợp với với Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên rà soát, phân loại để tăng cường công tác tuyên truyền thời tổ chức nhân rộng đối thoại trực tiếp với học sinh, sinh viên giải đáp những thắc mắc về BHYT… BHXH tỉnh cũng xây dựng đề án thí điểm đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó phát huy tính hiệu quả của các cuộc đối thoại với học sinh, sinh viên để tổ chức đối thoại với người lao động làm việc trong các doanh ngoài quốc doanh…
Cũng theo ông Ngô Chí Dũng cho biết: Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, bên cạnh những nhiệm vụ của BHXH, Tỉnh ủy yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu 100% dân số tham gia BHYT vào năm 2020. Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng tỉnh sẽ thực hiện thành công mục tiêu này góp phần thực hiện bảo hiểm toàn dân trên địa bàn tỉnh đồng thời thiết thực giúp mỗi người dân có cơ hội được hưởng chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc này.