Mong muốn được cống hiến nhiều hơn

09:11, 18/07/2013

Những năm qua, Phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo đã thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn huyện Phổ Yên tham gia. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Anh Vũ Văn Thưởng, Tổ trưởng Tổ Dập, thuộc bộ phận Kim khâu mổ - Công ty TNHH Mani Hà Nội (trụ sở tại xã Tân Hương, Phổ Yên) là một trong những tấm gương như thế.

Sinh ra và lớn lên tại phường Mỏ Chè, thị xã Sông Công, sau khi học xong hệ Trung cấp chuyên ngành Cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, năm 2007, anh Thưởng về công tác tại Công ty TNHH Mani Hà Nội. Khi mới vào làm tại Tổ Dập, do anh chưa nắm hết được quy trình kỹ thuật vận hành của máy nên hiệu quả công việc không cao. Anh đã không ngần ngại, học hỏi kinh nghiệm từ các anh em, đồng nghiệp đi trước. Ngoài ra, anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ tay nghề do Công ty tổ chức. Dần dà, có kinh nghiệm, luôn gương mẫu đi đầu trong sản xuất, anh đã được bầu làm Tổ trưởng.

 

 

Anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong sản xuất. Anh Thưởng tâm sự: Công việc của chúng tôi là phải vận hành máy móc sao cho tạo ra sản phẩm đảm bảo đúng chiều dài lỗ kim, tạo được độ bóng, nhẵn, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vì phải thay phiên nhau làm việc 2ca/ngày nên chúng tôi phải biết sắp xếp thời gian hợp lý để tìm hiểu về bệnh của máy móc, đưa ra hướng xử lý mà vẫn đảm bảo năng suất, hiệu quả công việc. Anh Thưởng đã nỗ lực cùng các anh em trong Tổ tiến hành vận hành máy móc đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng nhanh, đầy đủ theo yêu cầu của Công ty, không để xảy ra tình trạng mất an toàn trong lao động.

 

Nói về sáng kiến của mình, anh Thưởng chia sẻ: Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy hệ thống cam của máy khoan tự động có lỗ kim chưa hợp lý, thường cho ra nhiều phế phẩm. Hơn nữa, lại mất nhiều thời gian chỉnh cam và không đảm bảo chiều dài lỗ kim. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu và chế tạo thử hệ thống cam của máy khoan tự động bằng phương pháp hàn đắp đầu nối dài phần tạo lỗ của cam. Sau đó, phân tích góc độ cần mài, đưa vào máy mài phẳng để hoàn thiện mặt phẳng của cam, tạo ra độ nhẵn bề mặt sao cho phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng. Từ đó, bi trục được tiếp xúc đều trên bề mặt của trục. Sau khi sáng kiến được áp dụng, máy chạy êm, chống rung, đảm bảo chiều dài của lỗ kim cần khoan, tạo nên độ bóng của bề mặt sản phẩm, giảm được thời gian chỉnh cam và đặc biệt, tăng năng suất lên 30% so với ban đầu. Trước khi chưa cải tiến, bộ phận cam chỉ tạo ra được 1.000 chiếc kim khâu mổ/ca, sau khi cải tiến đã đạt 1.300 chiếc kim/ca. Với sáng kiến này, anh Thưởng đã làm lợi cho Công ty gần 400 triệu đồng mỗi năm.

 

Nhiều năm làm Tổ trưởng Tổ Dập, anh Thưởng cùng các anh em trong Tổ chưa từng để xảy ra tình trạng mất an toàn trong lao động. Đặc biệt, anh luôn gương mẫu, đi đầu trong việc hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ Công ty giao. Điều đáng trân trọng là anh không giấu bí quyết cho riêng mình mà luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những công nhân mới vào làm để họ nắm được kỹ thuật để cùng sản xuất tốt nhất. Bởi vậy nên anh luôn nhận được sự tín nhiệm của Ban Giám đốc và sự quý mến của đồng nghiệp. Anh nói: Tôi cảm thấy rất vui vì sáng kiến của mình đã đem lại hiệu quả thiết thực. Được làm việc trong môi trường thuận lợi với mức thu nhập ổn định, tôi rất yên tâm gắn bó lâu dài và mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho Công ty.

 

Nhận xét về anh Thưởng, anh Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Mani Hà Nội nói: Anh Thưởng là người luôn gương mẫu trong sản xuất, được anh em tin tưởng, quý mến. Sáng kiến của anh không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho Công ty mà còn góp phần cổ vũ đội ngũ người lao động hăng hái thi đua, phấn đấu đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Với những nỗ lực, cố gắng của mình, anh Cừ đã vinh dự được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích tiêu biểu trong Phong trào Lao động giỏi, Lao động sáng tạo năm 2012.