Nhiều công trình tiền tỷ bị bỏ hoang

08:37, 12/07/2013

Chỉ tính riêng giai đoạn 2005-2012, nguồn vốn của Chương trình 134, 135 đã đầu tư hơn 93 tỷ đồng xây dựng 125 công trình nước sinh hoạt tập trung (NSHTT) trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là hàng chục công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (giai đoạn 2006-2010). Sự đầu tư này đã góp phần đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh có số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, công trình đã về xóm, bản nhưng nhiều người dân vẫn không có nước sạch để dùng…

Mặc dù đang là mùa mưa, song nhiều người dân xóm Kim Cương, xã Cây Thị, (Đồng Hỷ) vẫn canh cánh nỗi lo vì thiếu nước sinh hoạt. Điều đáng nói là xóm Kim Cương hơn hẳn nhiều địa phương khác vì đã có hệ thống nước máy khá hoàn chỉnh vươn rộng tới gần 100% số hộ dân trong xóm. Đầu năm 2010, công trình nước sạch của xóm do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, nhưng chẳng bao lâu, nguồn nước ngừng hẳn. Người dân thắc mắc, chính quyền xã đi tìm hiểu nguyên nhân và câu trả lời là nguồn nước không đủ cho người dân sử dụng. Bà Đỗ Thị Hương, xóm Kim Cương bức xúc: Công trình này chỉ có nước dùng được 6-7 tháng là ngừng hẳn. Năm ngoái, Ban công tác Mặt trận huy động nhân dân vào tận đầu nguồn sục bùn, rửa bể, nhưng lượng nước cũng chỉ dùng được đến ngày thứ 2 là hết. Tôi cho rằng trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình, cán bộ kỹ thuật đã không xác định được lưu lượng của nguồn nước, vì thế mùa mưa còn không đủ nước cho người dân trên địa bàn dùng, chứ chưa nói gì đến mùa khô.

 

 

Chúng tôi tìm đến công trình nước sạch trị giá cả tỷ đồng nằm trên một quả đồi cao, gồm 1 cửa lấy nước, 2 chiếc bể lớn kiên cố cùng hệ thống đường ống dẫn nước. Đây là công trình rất quy mô song dường như chưa được khảo sát đầy đủ trước khi xây dựng. Người dân địa phương cho rằng vị trí đặt cửa lấy nước không hợp lý nên không đủ nguồn nước cung cấp là đúng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí  Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết thêm: trên địa bàn xã hiện có 3 công trình NSHTT, thì 2 công trình không phát huy được hiệu quả. Công trình ở xóm Kim Cương nguồn nước không đảm bảo, do cửa lấy nước đặt ở khu rừng của Công ty Cổ phần một thành viên Ván dăm Thái Nguyên quản lý. Đây là rừng sản xuất nên Công ty khai thác gỗ thường xuyên, vì thế không có cây để giữ nguồn nước. Còn công trình nước NSHTT cho 2 xóm Cây Thị và Mỹ Hòa được đầu tư theo Chương trình 134 từ năm 2007, đến năm 2008 đưa vào sử dụng được 1 năm thì ngừng hẳn. Nguyên nhân là do, Công ty Cổ phần Xuân Sơn khi thi công tuyến đường Cây Thị - Văn Hán làm vỡ toàn bộ ống chính dẫn nước và các hố ga của công trình nước tự chảy dọc theo đường giao thông; Công ty Cổ phần một thành viên ván dăm Thái Nguyên khai thác gỗ làm hỏng đường dẫn nước từ bể chính từ bể lọc đến đường giao thông liên xã. Mặc dù, UBND xã và UBND huyện đã lập biên bản, nhiều lần gửi văn bản đến 2 đơn vị này, song đến nay họ vẫn chưa sửa chữa, khắc phục, gây bức xúc trong nhân dân. Hiện nay, dân thì thiếu nước sạch để dùng, trong khi đó công trình bỏ hoang gần 4 năm nay, gây lãng phí tiền của Nhà nước...

 

Tương tự, 2 công trình NSHTT được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134, 135 ở xã Tân Hoà (Phú Bình) bị bỏ hoang 5, 6 năm nay. Công trình thứ nhất đặt tại xóm Vực Giảng đã một thời là niềm hy vọng không chỉ riêng cho bà con trong xóm mà cả 5 cơ quan gồm: trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế và UBND xã. Với số tiền gần 1,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng năm 2007, công trình này được thiết kế khoan giếng, hút nước lên bể chứa tạo áp rồi bơm đi các ngả. Tuy nhiên, ngay sau khi vận hành một thời gian ngắn, máy bơm bị hỏng. Trong quá trình bảo hành, nhà thầu đã thay máy bơm mới, song ngay sau khi bàn giao cho xóm quản lý không lâu thì máy bơm lại hỏng tiếp. Người dân tiếp tục đóng góp tiền để sửa chữa lần thứ hai nhưng vẫn không sử dụng được. Từ đó đến nay, công trình NSHTT đành bỏ không. Công trình NSHTT thứ hai được xây dựng với công nghệ tương tự nằm ở xóm Giếng Mật, song cũng chỉ vận hành sử dụng được hơn 5 tháng thì ngừng hẳn. Lý do người dân không mặn mà dùng nước theo anh Cam Văn Khoa, Trưởng xóm là do: “Nguồn nước được hút lên, dẫn về bể chứa nước rồi bơm đến các hộ dân mà không có bể lọc thì không khác gì giếng khoan các hộ dân đã đầu tư. Trong khi đó, dùng nước phải mất tiền, nước đun lên lại nhiều cặn đá vôi, vì thế người dân không dùng”. Vậy là bỗng chốc công trình được đầu tư tiền tỷ của Nhà nước trở nên vô giá trị.

 

Các công trình NSHTT mà chúng tôi đến tìm hiểu hiện không còn hoạt động, đã không được bảo vệ, duy tu bảo dưỡng, nên chỉ sau một thời gian ngắn hầu hết đều bị xuống cấp nghiêm trọng, thiết bị cái hỏng, cái mất, cỏ dại mọc um tùm. Đơn cử như công trình nước tự chảy ở khu vực Nước Hai (Võ Nhai). Bà con dân tộc Mông, Dao ở khu vực giáp ranh giữa 3 xã là Cúc Đường, Thượng Nung và Thần Sa vui mừng khi được đón dòng nước mát chảy về tới từng hộ gia đình từ công trình NSHTT tự chảy Nước Hai. Năm 2008, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng trạm nước sinh hoạt này với trị giá gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi vận hành thử, bàn giao cho địa phương quản lý, công trình đã không được đưa vào khai thác. Bà Ma Thị Son, xóm An Thành, xã Thượng Nung nói với chúng tôi: “Nếu bơm chỉ được một số hộ ở gần trạm bơm có nước, còn cuối đường ống nước không tới. Do lượng nước thất thoát nhiều, qua tính toán giá mỗi m3 nước lên tới 7.000 đồng, quá cao so với mức thu nhập của bà con ở đây nên họ không dùng. Thế là chỉ bơm được 2- 3 lần rồi dừng hẳn. Không có người quản lý, hệ thống đường ống bị hư hỏng nghiêm trọng, máy bơm cũng bị tháo mất”. Không còn sự lựa chọn nào khác, những người dân nơi đây đành phải ngày ngày ra suối để gánh nước về dùng, mặc dù biết nguồn nước này đã bị ô nhiễm.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các công trình NSHTT được đầu tư hàng tỷ đồng nằm “đắp chiếu” trong nhiều năm qua. Trao đổi về vấn đề trên, ông La Hồng Chung, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt & VSMTNT Thái Nguyên cho rằng: “Sau khi rà soát, xem xét cụ thể các công trình NSHTT chúng tôi nhận thấy có tới 50% số công trình chưa phát huy được hiệu quả, kém bền vững. Nguyên nhân chính là do công tác quản lý, vận hành, khai thác của đơn vị quản lý là các địa phương hạn chế. Hiện trên 80% công trình NSHTT do địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý. Chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý, khai thác và bảo vệ để công trình phát huy hiệu quả. Chưa tuân thủ quy chế quản lý, khai thác công trình NSHTT sau đầu tư  mà UBND tỉnh đã ban hành. Hầu hết các tổ quản lý, vận hành nước là những người không có đủ năng lực về chuyên môn, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm. Năng lực yếu, lại thiếu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở, nên khi công trình có hỏng hóc đã không có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân chưa cao trong việc trả tiền sử dụng nước cũng như bảo vệ công trình. Đối với những công trình NSHTT sau khi xây dựng không đủ lượng nước theo thiết kế để cung cấp cho người dân tôi cho rằng nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, trong quá trình khảo sát, thiết kế xây dựng không lường trước được. Còn đối với những công trình xây dựng từ 5 năm trở lại đây mà không có khả năng hoạt động thì cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư…”.

 

Thực tế công tác quy hoạch xây dựng các điểm cấp NSHTT ở khu vực nông thôn và công tác quản lý, đầu tư, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, bàn giao, quản lý khai thác đã bộc lộ nhiều tồn tại. Các công trình được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác nhau, nhiều chủ đầu tư, nên nhiều công trình vừa xây dựng xong đã thiếu hụt nguồn nước; có nơi người dân không mặn mà sử dụng, công trình trở thành vô chủ, thiết bị máy móc bị mất, hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, gây lãng phí rất lớn… Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần tiến hành khảo sát, rà soát đánh giá toàn diện thực trạng việc đầu tư các công trình NSHTT trên địa bàn, có phương pháp quản lý công trình để sử dụng hiệu quả hơn. Cùng với việc tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình NSHTT ở những nơi thực sự cấp thiết thì cần hỗ trợ ngân sách hằng năm cho việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình trên địa bàn theo Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND tỉnh về quy chế quản lý, vận hành, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do các địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý vốn để nâng cấp, sửa chữa các công trình đã hư hỏng để tiếp tục sử dụng. Chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, vận hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân.

 

 

Ông Nguyễn Văn Lai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Đối với những công trình cấp NSHTT không phát huy được hiệu quả, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền cấp xã, cấp huyện. Hiện nay, có địa phương lại giao cho cấp xã làm chủ đầu tư; có nơi lại do UBND huyện làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm toàn bộ từ vấn đề tư vấn, thiết kế thi công xây dựng, bàn giao công trình, tập huấn cho tổ quản lý khai thác công trình…

 

Chị Hoàng Thị Xuân, cán bộ Giao thông, Thủy lợi xã Cây Thị (Đồng Hỷ): Đề nghị cấp trên bố trí nguồn vốn sửa chữa các công trình NSHTT. Hiện nay có nhiều công trình nằm đắp chiếu 3-4 năm không sử dụng được rất lãng phí tiền của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.